LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): CẦN TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐẦY ĐỦ CHO QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT DI TÍCH, DI SẢN

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đề nghị cần tiếp tục rà soát, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho quản lý, sử dụng đất di tích, di sản, nhằm bảo đảm tính ổn định, lâu dài của Luật Đất đai, cũng như dự báo các vấn đề có thể phát sinh trong tương lai.

Phóng viên: Thưa đại biểu, đất di tích, di sản có giá trị vô cùng quý giá vì tọa lạc các di tích, di sản mang tầm quốc tế, khu vực và quốc gia. Do vậy, việc quản lý và sử dụng đất di tích, di sản cần được quy định đầy đủ, đồng bộ, thống nhất trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này như thế nào?

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh bình khóa XV

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh bình khóa XV

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không có định nghĩa về loại đất di tích, di sản, cũng không có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng loại đất đặc thù này mà mới chỉ đặt ra yêu cầu bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Dự thảo Luật chỉ có 1 điều là Điều 204 quy định về đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên nhưng nội dung Điều 204 về cơ bản kế thừa Điều 158 của Luật Đất đai hiện hành. Với quy định như vậy, dường như không có điểm đột phá về tư duy trong quản lý và sử dụng loại đất này, thiếu quy định chi tiết, cụ thể và đầy đủ về cơ chế quản lý mà chưa thấy được những điểm đặc thù trong quản lý và sử dụng đối với loại đất này. Do vậy, tôi đề nghị bổ sung vào Điều 3 về giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật khái niệm về đất có di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên. Bên cạnh đó, cần có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với loại đất này. Việc quy hoạch sử dụng đất cần xác định rõ vùng lõi, vùng phụ cận lõi và vùng bao quanh bên ngoài di tích, di sản để có quy định chế độ bảo vệ di tích, di sản tích hợp lồng ghép trong việc quản lý và sử dụng loại đất này. Cụ thể, đối với vùng lõi của di tích, di sản và vùng phụ cận lõi di tích, di sản nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm sử dụng đất sai mục đích; vùng bao quanh bên ngoài di tích, di sản được sử dụng đất nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ di tích, di sản. Bên cạnh đó, đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần bổ sung trong dự thảo Luật các quy định để làm rõ những điểm đặc thù về việc quản lý, sử dụng đất di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên.

Phóng viên: Vậy theo đại biểu, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ những điểm đặc thù về việc quản lý, sử dụng đất di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên theo hướng như thế nào?

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh: Tôi cho rằng cần bổ sung trong dự thảo Luật các quy định để làm rõ những điểm đặc thù về việc quản lý, sử dụng đất di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên theo hướng. Một là, bổ sung vào Điều 3 về giải thích từ ngữ khái niệm về đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên. Hai là, có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với loại đất này. Việc quy hoạch sử dụng đất cần xác định rõ vùng lõi, vùng phụ cận lõi và vùng bao quanh bên ngoài di tích, di sản để có quy định chế độ bảo vệ di tích, di sản tích hợp, lồng ghép trong việc quản lý và sử dụng loại đất này. Cụ thể, đối với vùng lõi của di tích, di sản và vùng phụ cận lõi di tích, di sản, nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm, sử dụng đất sai mục đích, vùng bao quanh bên ngoài di tích, di sản được sử dụng đất nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ di tích, di sản.

Ba là, trong Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định cụ thể hơn về việc sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực di sản. Cho phép chuyển đổi một số diện tích nhất định đất vườn, ao sang đất ở trong khu dân cư tập trung của di sản. Cho phép đối với diện tích đất giao không đúng thẩm quyền từ trước ngày 1/7/2014 đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch nằm trong khu vực được quy hoạch là khu dân cư tập trung được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản sản khác gắn liền với đất theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 20 Nghị định số 43 năm 2014 của Chính phủ để giải quyết những bất cập nêu trên, cũng như bổ sung quy định về thu hồi đất, hỗ trợ, tái định cư cho người dân trong trường hợp phải di dời ra khỏi khu vực di sản, cho phép chuyển đổi một số diện tích nhất định đất vườn, ao sang đất ở trong các khu dân cư tập trung. Cùng với đó, trong khu di sản có nhiều loại đất khác nhau như đất tôn giáo, đất dân cư, đất nông nghiệp, đất dịch vụ, du lịch, với đặc thù như vậy thì mỗi loại đất này cần phải có quy định riêng về cơ chế, chính sách phù hợp với đặc điểm riêng của một di sản hỗn hợp văn hóa thiên nhiên.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=80255