Luật Đất đai (sửa đổi): Vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhận được sự quan tâm của Nhân dân

Luật Đất đai là bộ luật lớn nhận được sự quan tâm của các tầng lớp Nhân dân. Hiện nay các đơn vị, địa phương trong tỉnh đang tích cực tổ chức lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Một trong những nội dung được các chuyên gia, cán bộ và Nhân dân quan tâm đó là vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Mối quan tâm này xuất phát từ những tồn tại, bất cập của công tác quy hoạch, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Điều chỉnh quy hoạch đất phù hợp góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

Điều chỉnh quy hoạch đất phù hợp góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

Tại hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều ý kiến tập trung vào Chương 5 về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của dự thảo Luật. Hầu hết các đại biểu đều khẳng định: Sau 10 năm thi hành Luật Đất đai 2013, vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế, vướng mắc.

Cụ thể, các quy định của luật hiện hành chưa đảm bảo tính minh bạch về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chưa đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị...; việc công khai, minh bạch trong lập quy hoạch còn hạn chế, chưa thực hiện tốt việc tham vấn ý kiến Nhân dân trong việc lập, phê duyệt quy hoạch.

Luật Đất đai (sửa đổi) đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật hiện hành. Đặc biệt, các ý kiến đánh giá cao tính khả thi của việc quy hoạch sử dụng đất được lập ở 3 cấp: quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện tại dự thảo Luật. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã quy định cụ thể các trường hợp được điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đã có nhiều ý kiến bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan đến vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo khắc phục được những bất cập của Luật Đất đai 2013, đồng thời phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng.

Bà Trần Thị Diệu Linh, Phó Trưởng phòng Quy hoạch, Kế hoạch, Định Giá và Giao đất, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Tại Điểm e Khoản 2, Điều 65 (Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện) có quy định: "Xác định ranh giới, vị trí, diện tích khu vực hạn chế sử dụng đất liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài". Luật cần có hướng dẫn cách xác định trường hợp này và cũng nêu rõ theo quy định nào của pháp luật khác có liên quan vì nếu quy định chung chung, các địa phương sẽ rất khó thực hiện.

Khoản 3, Điều 65 quy định "Đối với quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch chung đô thị và quy hoạch phân khu được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các chỉ tiêu sử dụng của địa phương." Quy định này là chưa phù hợp vì quy hoạch chung đô thị và quy hoạch phân khu có hướng dẫn cách lập khác nhau và không thực hiện xem xét việc phân khai các chỉ tiêu sử dụng đất. Điều đó rất khó cho cơ quan chuyên môn thực hiện việc thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.

Về vấn đề thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tại Khoản 2, Điều 70 đề nghị bổ sung nội dung UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp thông qua điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng cấp tỉnh trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại khoản 3 bổ sung thẩm quyền Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. UBND cấp huyện trình HĐND cùng cấp thông qua điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất trước khi trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Luật cũng quy định rõ việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền phải trình HĐND tỉnh thông qua. Như vậy trước đó HĐND cấp huyện có phải thông qua nội dung này không? Hiện nay, thực tế tại các địa phương đang vướng mắc trong cách hiểu khi các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật về trình tự, thủ tục phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất không quy định phải thông qua HĐND cấp huyện.

Theo ông Vũ Vĩnh Thụy, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoa Lư: Tại khoản 4 Điều 74 có quy định: "Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm kể từ ngày phê duyệt và được tiếp tục cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất của năm tiếp theo mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất. Trong trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố công khai thì người sử dụng đất không bị hạn chế về các quyền sử dụng đất đã được pháp luật quy định".

Tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều dự án chậm tiến độ không phải do lỗi của chủ đầu tư mà do công tác GPMB của địa phương. Nếu quy định như vậy thì sẽ gây thiệt hại cho nhà đầu tư khi họ không có lỗi. Vì vậy, đề nghị cần nghiên cứu bổ sung nội dung: "Nếu việc chậm ra quyết định thu hồi đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất (không do lỗi có chủ đầu tư) thì có thể gia hạn thời gian điều chỉnh hoặc hủy bỏ".

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp được phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để UBND các cấp tiến hành thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Do đó sự tham gia đóng góp các ý kiến của Nhân dân vào vấn đề này sẽ góp phần hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng hiệu quả, giúp cơ quan đại diện chủ sở hữu ở các cấp tổ chức lại việc sử dụng nguồn tài nguyên đất đai phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tránh gây lãng phí đất đai, kiểm soát tốt việc chuyển mục đích sử dụng đất.

Hồng Giang - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/luat-dat-dai-sua-doi-van-de-quy-hoach-ke-hoach-su-dung-dat/d2023030709220347.htm