Luật Đấu giá tài sản: Nâng mức đặt trước để hạn chế tình trạng 'bỏ cọc'

Chiều 21/5, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định mức tiền đặt trước tối thiểu là 10% và mức tối đa là 20% giá khởi điểm với một số tài sản đặc thù và thường là tài sản có giá trị lớn.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội, dự thảo Luật quy định rõ hơn về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù và thường là tài sản có giá trị lớn, có thể tác động đến thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, mức tiền đặt trước tối thiểu là 10% và mức tối đa là 20% giá khởi điểm để góp phần hạn chế tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, đất đai, tần số vô tuyến điện…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Về Chứng chỉ hành nghề đấu giá viên, dự thảo Luật đã bổ sung tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản tại khoản 4 Điều 15 và điểm b khoản 5 Điều 17 là một trong những trường hợp không được cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá nhằm bảo đảm tính nghiêm minh trong việc cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, phù hợp với quy định tại Điều 218 của Bộ luật Hình sự.

Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng tổ chức hành nghề đấu giá tài sản được cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản mà không phân biệt tài sản công hay tài sản tư. Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung quyền của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản được liên kết với các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác để tổ chức việc đấu giá tài sản quy định tại khoản 2 Điều 4.

Về đăng ký tham gia đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 38 theo hướng việc xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá đối với tài sản thông thường, không yêu cầu về điều kiện chuyên môn, kỹ thuật, tổ chức hành nghề đấu giá chỉ cần thông báo cho người không đủ điều kiện tham gia đấu giá chậm nhất 1 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá.

Về đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá và đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định đấu giá viên chỉ công bố giá trả của từng phiếu trả giá mà không phải công bố tất cả các thông tin trên phiếu trả giá.

Về đấu giá trực tuyến, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 43a và Điều 43b về đấu giá trực tuyến, theo đó, Điều 43a quy định các nội dung cơ bản về đấu giá trực tuyến, trong đó quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tổ chức việc đấu giá trực tuyến thông qua sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình hoặc thuê, sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác; Điều 43b quy định khung về trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến và giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của quy định.

Về chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 06 tháng đến 05 năm trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo quy định tại Điều 87 của Luật Đấu thầu năm 2023 nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong hoạt động đấu giá tài sản...

Theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), quy định về đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tài sản thi hành án dân sự, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, quyền khai thác khoáng sản…

Đại biểu cho rằng, những quy định này được đưa ra trong bối cảnh pháp luật về đấu giá tài sản thời gian qua theo Luật hiện hành còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá cũng như người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Cụ thể như quy định về thời hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá còn chưa thực sự hợp lý, chế tài xử lý chưa đủ mạnh đối với hành vi vi phạm pháp luật. Việc áp dụng quy định chung về đấu giá tài sản với một số loại tài sản đặc thù như tài sản thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Do đó, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cần đưa các tài sản đặc thù này vào dự thảo Luật với những quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thi hành Luật. Đối với nội dung về tài sản đặc thù, Chính phủ cần có quy định chi tiết khi triển khai thi hành Luật.

PV

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/luat-dau-gia-tai-san-nang-muc-dat-truoc-de-han-che-tinh-trang-bo-coc-711584.html