Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư: Tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo trách nhiệm, quyền lợi của các bên

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 19/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật PPP) với đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành luật.

Theo ý kiến các đại biểu, việc ban hành Luật PPP giúp tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật, nhất là Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công… hình thành khung pháp lý ổn định, bền vững trong dài hạn. Đồng thời, việc ra đời luật này cũng được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, thống nhất nhằm thu hút đầu tư vào các dự án có quy mô đủ lớn với các nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc sáng 19/11

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc sáng 19/11

Đại biểu Mai Hồng Hải – đoàn TP. Hải Phòng cho biết, tôi thống nhất cao cần ban hành luật này bởi vì hai lẽ. Một, việc huy động vốn ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển là yêu cầu cấp bách. Thời gian qua đã có 336 dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT với số vốn đầu tư 1.609.000 tỷ đồng so với tổng vốn đầu tư nhà nước trung hạn giai đoạn 2016-2020 cũng chỉ có 2 triệu tỷ đồng thì rõ ràng nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách đã đóng góp quan trọng cho đầu tư phát triển đất nước. Hai, đã có chủ trương của Đảng, Quốc hội về việc hoàn thiện chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, tuy nhiên hiện nay mới chỉ có nghị định điều chỉnh trong thực hiện còn nhiều vướng mắc, bất cập, rất cần được luật hóa để có cơ sở pháp lý rõ ràng, khắc phục những tồn tại, hạn chế đồng thời tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, trên cơ sở ý kiến đóng góp đa chiều, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước và nhà đầu tư tư nhân, đảm bảo quyền, lợi ích của các bên. Đặc biệt, cần đưa ngay vào luật các khoản, mục, lĩnh vực đầu tư cụ thể, bao quát các lĩnh vực, từ hạ tầng giao thông đến cả các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề,…

Đại biểu Quốc hội Hà Thị Lan- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, việc đầu tư theo hình thức đối tác công tư thời gian qua đã góp phần quan trọng trong phát triển các công trình lớn của đất nước, đã có hơn 300 dự án, huy động hơn 1 triệu tỷ đồng vào đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có những quy định cụ thể, chặt chẽ về mặt pháp lý trong hoạt động này, vì vậy việc ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đại biểu cho rằng, quy mô tổng mức đầu tư của dự án theo quy định trong dự thảo Luật không thấp hơn 200 tỷ đồng là không hợp lý, khó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia nhiều hơn vào các dự án. Đề nghị cân nhắc quy định này.

Đại biểu Phạm Văn Tuân - đoàn Thái Bình: Việc luật hóa hoạt động đầu theo phương thức đối tác công tư là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đại biểu Phạm Văn Tuân - đoàn Thái Bình: Việc luật hóa hoạt động đầu theo phương thức đối tác công tư là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bên cạnh đó, theo quy định trong dự thảo luật, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán phần vốn của Nhà nước trong dự án như đầu tư các công trình phụ lợi, hỗ trợ tái định cư... Các đại biểu Quốc hội cho rằng quy định như vậy là không hợp lý vì như vậy rất khó quản lý những rủi ro trong quá trình thực hiện dự án. Các đại biểu cho rằng, tài sản hình thành từ các dự án là tài sản công nên phải được quản lý, sử dụng, thanh tra, kiểm toán theo đúng quy định và phải thuộc phạm vi của kiểm toán Nhà nước.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí- Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, việc áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư ở Việt Nam mặc dù là đã muộn nhưng vẫn kịp thời nếu được triển khai hiệu quả, binh bạch. Đại biểu cho rằng, điều quan trọng hiện nay là làm sao để ban hành được một bộ luật về lĩnh vực này với những điều khoản, quy định cụ thể, khoa học vì thời gian qua đã xảy ra nhiều bất cập trong hoạt động đầu tư theo hình thức này, điển hình như cách thức, thời gian và mức thu phí trong các dự án BOT chưa xác định được rõ ràng. Vì vậy, dự thảo luật phải có những quy định rõ ràng, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, không gây thiệt hại cho Nhà nước mà vẫn tạo ra được sự cạnh tranh lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư.

Ngoài ra, để hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và xác định một cách có chọn lọc về các lĩnh vực đầu tư, công khai, minh bạch, quy định cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực. Việc thành lập Hội đồng thẩm định dự án PPP phải bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, chất lượng, gắn với chuyên môn, tiết kiệm cả về thời gian và chi phí cho các bên, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tránh việc thẩm định chỉ mang tính hình thức, thủ tục.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại hội trường đã được tổng hợp, ghi chép đầy đủ. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để làm việc và thảo luận, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, để Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 9.

Thu Hằng - Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/luat-dau-tu-theo-hinh-thuc-doi-tac-cong-tu-tiep-tuc-hoan-thien-dam-bao-trach-nhiem-quyen-loi-cua-cac-ben-128539.html