Luật Di sản văn hóa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29/6/2001, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Cùng với cả nước, những năm qua, Ninh Bình đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

Các cơ quan chức năng tìm hiểu những hiện vật được khai quật tại Mái đá Thung Lau (phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp). Đây là một trong những di tích khảo cổ học tiền sử. Ảnh: CTV

Các cơ quan chức năng tìm hiểu những hiện vật được khai quật tại Mái đá Thung Lau (phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp). Đây là một trong những di tích khảo cổ học tiền sử. Ảnh: CTV

Đưa Luật vào cuộc sống

Đồng chí Vũ Thanh Lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: Thực hiện Luật Di sản văn hóa (năm 2001), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (năm 2009), các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai, đưa Luật từng bước đi vào cuộc sống.

Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33 và Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững, trong đó chú trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa…

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa và các văn bản dưới luật được triển khai với nhiều hình thức đa dạng và phong phú như: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền trên hệ thống báo, đài, mạng Internet; tuyên truyền trực quan qua pa nô, áp phích, khẩu hiệu, băng rôn, trang thông tin điện tử của tỉnh; tuyên truyền tại các di tích, lễ hội, sự kiện… Qua đó giúp các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, Nhân dân hiểu và nắm bắt những quy định để thực hiện đúng Luật.

Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Vũ Thanh Lịch, một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện Luật Di sản văn hóa, đó là việc phân cấp quản lý di sản văn hóa đã được chú trọng. Trước khi Luật Di sản văn hóa ra đời, trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là các di tích xếp hạng chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn đến công tác quản lý bị buông lỏng, nhiều di tích bị xuống cấp nhưng không được trùng tu, tôn tạo kịp thời. Từ khi Luật Di sản văn hóa ra đời và có hiệu lực thi hành, trong đó quy định cụ thể và rõ ràng trách nhiệm quản lý cho từng cấp chính quyền, các bộ, ngành ở Trung ương, cơ quan chuyên môn ở địa phương. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Đối với tỉnh Ninh Bình, nhằm đẩy mạnh thực hiện Luật Di sản văn hóa và các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ di sản, năm 2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 34 về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Quy định này đã phân cấp, làm rõ trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp của các cấp, các ngành trong quản lý hoạt động, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Trong đó, trao quyền quản lý trực tiếp cho chính quyền địa phương và chủ sở hữu di tích là các cộng đồng dân cư. Quy định này đã gỡ khó cho công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hóa nói chung, về di sản của tỉnh nói riêng. Nhờ đó, tình trạng xâm hại, lấn chiếm đất đai ở di tích cơ bản được ngăn chặn kịp thời. Công tác trùng tu, tôn tạo, khoanh vùng bảo vệ di tích được thực hiện nghiêm. Các di sản văn hóa, đặc biệt là các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các lễ hội truyền thống được bảo vệ và phát huy".

Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về di sản văn hóa được thực hiện thường xuyên. Hàng năm, Sở Văn hóa và Thể thao đều tổ chức các Đoàn kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, đã tiến hành kiểm tra đối với 174 lượt di tích, cơ sở thờ tự. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm đã kịp thời nhắc nhở, yêu cầu Ban Quản lý các di tích chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật được quy định trong Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do vậy, công tác quản lý và phát huy giá trị các di tích, theo dõi, hướng dẫn công tác tổ chức lễ hội đảm bảo đúng quy định, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của địa phương.

Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Ninh Bình là một trong 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về số lượng di tích lịch sử, văn hóa khi có tới 1.821 di tích được kiểm kê, thuộc nhiều loại hình khác nhau. Đến tháng 4/2024, toàn tỉnh có 405 di tích đã được xếp hạng (324 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp Quốc gia, trong đó có 3 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 1 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An). Kết nối chặt chẽ với các di sản văn hóa vật thể là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, nổi tiếng với 393 di sản, trong đó có 7 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Để các di sản văn hóa chuyển hóa thành nguồn lực, "sức mạnh mềm" phát triển kinh tế-xã hội bền vững, tỉnh Ninh Bình đã coi trọng thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, trọng tâm là thực hiện nghiêm các quy định về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản. Theo đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư đã được thực hiện toàn diện từ hoạt động nghiên cứu, nhận diện đến các hoạt động bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của di sản. Hàng năm, tỉnh bố trí nguồn ngân sách tu bổ chống xuống cấp đối với 20-25 di tích. Từ năm 2007-2024, đã có 335 lượt di tích trên địa bàn tỉnh được thực hiện tu bổ chống xuống cấp, có hỗ trợ từ nguồn ngân sách của tỉnh với tổng kinh phí 62,1 tỷ đồng.

Việc trùng tu, tôn tạo được thực hiện nghiêm túc, dưới sự quản lý, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Các di tích được tu bổ, tôn tạo cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ được đặc biệt chú trọng.

Công tác truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương được đặc biệt quan tâm từ cấp tỉnh tới cơ sở. Nhờ vậy, các lễ hội truyền thống được khôi phục và phát triển, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống được quan tâm, khôi phục như hát Chèo, hát Xẩm, múa rối nước, múa lân, múa sư tử, múa trống…

Những kết quả quan trọng đạt được sau hơn 20 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh là rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Di sản văn hóa thời gian qua vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ. Đó là một số địa phương tỉnh lúng túng trong việc thành lập và tổ chức hoạt động của Ban Quản lý các di tích, nhất là các di tích đặc thù. Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Ban Quản lý các di tích về vai trò, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di tích nói riêng chưa thật đầy đủ. Nguồn lực kinh phí và cơ sở vật chất để triển khai thực thi Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan chưa đáp ứng được thực tiễn yêu cầu đặt ra.

Ngoài ra, một số quy định thuộc lĩnh vực bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, đặc biệt là quy định cho phép xây dựng các công trình trong phạm vi vùng bảo vệ của di tích… vẫn còn nhiều bất cập về quy trình, thủ tục, thời gian.

Trước khó khăn, bất cập trên, mới đây, trong đợt khảo sát thi hành Luật Di sản văn hóa của Đoàn ĐBQH tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã phản ánh và đưa ra các giải pháp và những kiến nghị để Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét. Trong bối cảnh tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra và tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Di sản văn hóa, những kiến nghị đề xuất của Ninh Bình sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia xây dựng hoàn thiện dự án Luật, qua đó góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/luat-di-san-van-hoa-gop-phan-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di/d20240606082922988.htm