Luật Địa chất và Khoáng sản: Kiên quyết ngăn ngừa lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

Sáng 12/8, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.

Hai phương án về lập, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (UBKHCN&MT) Lê Quang Huy xin ý kiến UBTVQH về một số nội dung, trong đó có nội dung điều chỉnh về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Thường trực UBKH,CN&MT phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nội dung Điều 15 theo 2 phương án. Phương án 1 là giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Quy hoạch khoáng sản (phương án Chính phủ trình Quốc hội). Phương án 2 là giao Bộ Công thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản (giữ như quy định của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch hiện hành).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu.

Việc thực hiện theo Phương án 1 là thay đổi so với các quy định của pháp luật hiện hành nên cần được nghiên cứu, tổng kết, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của sự thay đổi chính sách vì nội dung này nằm ngoài phạm vi các nhóm chính sách trong hồ sơ xây dựng Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đã được Quốc hội thông qua.

Quan điểm của cơ quan thẩm tra là ủng hộ phương án 2. Theo đó, khi giao cho Bộ Công thương, Bộ Xây dựng chủ trì lập các quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II thì các nội dung quy hoạch về diện tích, quy mô thăm dò, khai thác, chế biến sẽ được Bộ chuyên ngành rà soát, điều chỉnh theo nhu cầu sử dụng của các ngành công nghiệp luyện kim, vật liệu xây dựng. Đồng thời, hạn chế tình trạng khép kín trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản (một Bộ vừa là cơ quan lập, vừa là cơ quan quản lý quy hoạch, cũng là cơ quan cấp phép hoạt động khoáng sản); hạn chế xáo trộn chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn tại địa phương.

Liên quan đến điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, cơ quan thẩm tra cũng trình 2 phương án. Phương án 1 là việc điều chỉnh thực hiện theo pháp luật về quy hoạch. Phương án 2 thì dự thảo Luật đã quy định các trường hợp không phải điều chỉnh quy hoạch và các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch theo hình thức rút gọn và theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Nếu theo phương án 1, sẽ phải xem xét, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch trong thời gian tới liên quan đến các vướng mắc, bất cập về một số trường hợp vẫn phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, điều chỉnh phương án quản lý về địa chất và khoáng sản trong quy hoạch tỉnh.

Đối với phương án 2, theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, việc điều chỉnh quy hoạch trong đó có quy hoạch khoáng sản được thực hiện 5 năm một lần và trình tự lập, thẩm định và phê duyệt như quy trình lập mới. Thời gian cho cả quá trình này sẽ rất phức tạp về trình tự thủ tục và thời gian dài (từ 2 - 3 năm).

Theo cơ quan thẩm tra, việc lựa chọn phương án 2 sẽ góp phần giải quyết các khó khăn, bất cập hiện nay theo phản ánh của các địa phương (nhất là các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông). Ngoài ra, việc điều chỉnh phương án quản lý về địa chất và khoáng sản như quy định của dự thảo Luật sẽ giải quyết các trường hợp đòi hỏi phải khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (khoáng sản nhóm IV) phục vụ các dự án đầu tư công khẩn cấp, công trình dự án trọng điểm quốc gia. Do vậy, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đồng ý theo phương án này.

Đánh giá kỹ tác động nếu thay đổi đầu mối lập quy hoạch khoáng sản

Về Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản, có ý kiến đề nghị làm rõ Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia chịu trách nhiệm như thế nào đối với thực tế sai số quá lớn.

Theo Thường trực Ủy ban KH,CN&MT, chất lượng phê duyệt trữ lượng khoáng sản phụ thuộc vào rất nhiều hoạt động từ khâu lập đề án điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản cho đến tổ chức thi công đề án thăm dò, hoạt động thẩm định, phê duyệt trữ lượng.

Kết quả thăm dò trữ lượng khoáng sản có độ tin cậy nhất định, mức độ sai số có thể từ 20% đến 50% tùy theo cấp trữ lượng thăm dò, dẫn đến việc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản hoặc nhà nước có thể chịu rủi ro lớn khi sản lượng khai thác thực tế thấp hơn nhiều hoặc cao hơn nhiều so với trữ lượng được phê duyệt, cấp phép.

Thành viên của Hội đồng chịu trách nhiệm về ý kiến, quan điểm của mình trước Hội đồng và Hội đồng chịu trách nhiệm về thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cho ý kiến về các nội dung này tại phiên họp, các thành viên UBTVQH nhấn mạnh yêu cầu kiên quyết chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng luật. Do đó, cần quy định rõ trong luật liên quan đến chế biến, sử dụng khoáng sản; hoàn thành quy định về Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản, tránh để đánh giá sai, gây thất thoát lãng phí, hoặc tạo kẽ hở cho việc cấp phép, khai thác mở rộng không thông qua đấu giá; đồng thời quy định chặt về chế tài quản lý, sản lượng khai thác khoáng sản, không để xảy ra thất thu ngân sách khi quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Bên cạnh đó, các ý kiến đề nghị việc phân loại các nhóm phải trên cơ sở cả về công dụng, mục đích quản lý và giá trị sử dụng, nhất là khoáng sản đa mục đích. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị nghiên cứu sâu thêm phân loại giữa thăm dò với khai thác, trong đó khai thác phải chặt chẽ hơn, yêu cầu khai thác phải theo quy hoạch.

Đồng thời, việc khai thác phải có thời hạn và thời hạn đó phù hợp với quy mô của mỏ đã thăm dò; khai thác theo quy hoạch và phải theo trữ lượng, thậm chí có thể chỉ cấp phép khai thác 1 tháng; kiểm soát tốt khối lượng sản lượng khai thác và sử dụng.

Đối với nội dung trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, phải đánh giá kỹ tác động chính sách nếu thay đổi đầu mối quy hoạch khoáng sản. Chủ tịch Quốc hội lưu ý một số nơi xảy ra vụ án hình sự, kỷ luật cán bộ liên quan đến địa chất, khoáng sản. Điều đó cho thấy, việc cấp phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch là vấn đề rất quan trọng. Do đó cần phân biệt rõ từ quy hoạch, thăm dò, khai thác.

Nhấn mạnh việc đánh giá kỹ tác động của chính sách, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

“Xem có nhóm lợi ích nào trong dự thảo luật này không. Trong xây dựng pháp luật phải hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, nghiêm túc. Cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra dự án luật phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong soạn thảo và thẩm tra” - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/luat-dia-chat-va-khoang-san-kien-quyet-ngan-ngua-loi-ich-nhom-trong-xay-dung-phap-luat-156951.html