Luật Điện lực (sửa đổi): Dấu ấn của Đảng bộ Bộ Công Thương trong xây dựng pháp luật
Luật Điện lực (sửa đổi) là dấu ấn 'đặc biệt' của Đảng bộ Bộ Công Thương trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong giai đoạn 2021-2025.
Tư duy chiến lược, hành động "thần tốc"
Công tác hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, pháp luật luôn được Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương, Đảng ủy Bộ quan tâm, chú trọng và dành nhiều thời gian, nguồn lực thực hiện nhằm tạo động lực cho phát triển ngành Công Thương nói riêng và đất nước nói chung.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi)
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng và trình ban hành hơn 250 văn bản pháp luật (gồm 5 Luật, 51 Nghị định) và hơn 20 chiến lược, quy hoạch, quy hoạch, kế hoạch, đề án và chương trình về phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng của Bộ.
Một trong những dấu mốc đặc biệt, đáng nhớ nhất trong công tác hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách pháp luật của Bộ Công Thương đó là quá trình xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi). Sự “đặc biệt” này không phải chỉ nằm ở yêu cầu của thời cuộc đối với sự ra đời của một đạo luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế, mà còn bởi tầm nhìn chiến lược, tinh thần chủ động, “thần tốc” nhưng kỹ lưỡng, công phu, khoa học trong xây dựng pháp luật.
Từ năm 2023, Bộ Công Thương đã sớm tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án sửa đổi Luật Điện lực nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung, điện lực nói riêng. Đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về điện lực, kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Chỉ sau gần một năm chuẩn bị, ngày 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao 91,65%.
Trong gần 1 năm đó, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã được chuẩn bị một cách khẩn trương nhưng hết sức nghiêm túc, kỹ lưỡng và thận trọng; huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và nhân dân cả nước… nhằm xây dựng và đảm bảo chất lượng cao nhất của dự án Luật.
Hãy “soi” vào các mốc thời gian để thấy rõ hơn điều đó. Theo nội dung tại Nghị quyết số 203/NQ-CP ngày 1/12/2023, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo hướng trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024). Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi), tập trung tối đa nguồn lực, khẩn trương tổ chức soạn thảo dự án Luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Để đảm bảo tiến độ Chính phủ giao, với tinh thần chủ động, Bộ Công Thương đã sớm thành lập Tổ nghiên cứu xây dựng Luật. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà theo Công văn số 1111/VPCP-PL ngày 21/2/2024 của Văn phòng Chính phủ, ngày 22/2/2024, Bộ Công Thương đã có Công văn số 1082/BCT-ĐTĐL về việc cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) tới các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Ngày 4/3/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 462/QĐ-BCT về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và Quy chế hoạt động của Ban soạn thảo Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Theo Quyết định số 462/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, thành viên Ban soạn thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 47 thành viên đến từ một số Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương; các Bộ, ngành, địa phương và chuyên gia đến từ một số hiệp hội, Sở Công Thương và doanh nghiệp.
Sau khi Dự thảo 1 được thông qua tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập lần thứ nhất, Dự thảo 2 Luật Điện lực (sửa đổi) đã được lấy ý kiến rộng rãi từ ngày 29/3/2024 (trong thời hạn là 60 ngày). Trong quá trình lấy ý kiến, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, cuộc họp chuyên đề tại cả 3 miền đất nước: Bắc -Trung - Nam.
Ngày 11/6/2024, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cùng các tài liệu kèm theo trong hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật được gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ.
Tính đến ngày 18/6/2024, Bộ Công Thương đã nhận được 122 văn bản (1 văn bản của Ủy ban khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội; 20 văn bản của bộ, cơ quan ngang bộ, 60 văn bản của cơ quan cấp tỉnh, 13 văn bản của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, 26 văn bản của các hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động điện lực và 1 ý kiến bằng văn bản của chuyên gia về thị trường điện) và 1 ý kiến trên cổng thông tin điện tử.
"Dấu mốc" đáng chú ý phải kể tới đó là ngày 5/7/2024, Bộ Công Thương trình Chính phủ Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và các tài liệu kèm theo hồ sơ xây dựng dự án Luật. Ngày 23/7/2024, Chính phủ tổ chức phiên họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về Luật Điện lực (sửa đổi).
Ngày 8/8/2024, Bộ Công Thương đã thực hiện thủ tục gửi hồ sơ cho Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội để thực hiện thẩm tra.
Liên tiếp trong các ngày 5, 6, 9/8/2024, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)”; ngày 4/10/2024, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức họp thẩm tra về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)…
Sau các hội thảo, cuộc họp này Bộ Công Thương tiếp tục gửi ý kiến tham luận của các đại biểu tại hội thảo đến các Cục, Vụ để thực hiện tiếp thu, giải trình và hiệu chỉnh vào dự thảo Luật theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), có 104 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến ở Tổ và 32 lượt đại biểu Quốc hội có ý kiến (25 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội trường và 7 lượt góp ý bằng văn bản gửi qua Tổ Thư ký).
Trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi cũng như các ý kiến thảo luận tại Quốc hội, nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật Điện lực là vấn đề mang tính cấp bách và cần sớm được thông qua nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội theo những mục tiêu chiến lược mà Đảng và Chính phủ đã đề ra, đồng thời phù hợp với định hướng Zero carbon toàn cầu mà Việt Nam đã cam kết.
Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng nâng cao
Việc ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) được kỳ vọng là một bước đột phá về chính sách để ngành điện phát triển mạnh mẽ, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế của đất nước, đủ lực để vươn mình, cất cánh trong kỷ nguyên mới.

Để GDP Việt Nam tăng trưởng 1%, điện phải tăng trưởng 1,8-2%
Luật Điện lực năm 2024 đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn đã tồn tại trong thời gian dài, như cơ chế thực hiện các dự án điện khẩn cấp; làm rõ cơ chế xử lý, thay thế đối với các dự án điện chậm tiến độ.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên nhấn mạnh, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng các cơ quan của Quốc hội, cơ quan có liên quan của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công Thương đã dày công nghiên cứu dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Theo đại biểu đoàn Điện Biên, cái được lớn nhất khi sớm ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) là giúp khơi thông các điểm nghẽn, các vướng mắc về chính sách, pháp luật để cải cách, đổi mới ngành điện hiệu quả hơn, sát với thực tiễn hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển - một nhiệm vụ “vô cùng cấp bách hiện nay”.
Đóng vai trò tối quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, ngành điện cần phải “đi trước một bước”. Để GDP Việt Nam tăng trưởng 1%, điện phải tăng trưởng 1,8-2%. “Với tinh thần đầu tư cho phát triển điện lực phải “đi trước một bước” trong phát triển kinh tế - xã hội, việc hoàn thiện thể chế về phát triển điện lực là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là cơ sở để phát triển mọi lĩnh vực, ngành kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống nhân dân” - đại biểu nhấn mạnh.
Còn nhận định về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật của Bộ Công Thương, đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, Bộ Công Thương đã trình Quốc hội ban hành nhiều dự án Luật quan trọng như: Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Nhìn chung, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công Thương trình, ban hành ngày càng được nâng cao, nội dung bảo đảm tính hợp hiến, cơ bản bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
“Nhiều văn bản có tính đột phá về thể chế cho phát triển ngành, lĩnh vực, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc, bất cập trên thực tiễn; góp phần trước mắt và lâu dài hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế trong kỷ nguyên mới” - đại biểu Trương Xuân Cừ nói.
Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2025, gồm 9 Chương, 81 Điều là dự án Luật quan trọng, có tác động lớn đến nền kinh tế, đảm bảo cho các mục tiêu tăng trưởng, phát triển của đất nước cũng như an ninh năng lượng quốc gia trong trước mắt và lâu dài.