Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Tiếp tục cân nhắc để giảm thủ tục, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp
Dự thảo nêu bật được các vấn đề vướng mắc, bất cập của Luật Doanh nghiệp 2020. Các giải pháp thực hiện chính sách cơ bản là hợp lý, phù hợp với các kiến nghị của doanh nghiệp...
![Một thay đổi khá lớn của Dự thảo là quy định về chủ thể kinh doanh là cá nhân.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_3_51442307/07e28260b62e5f70063f.jpg)
Một thay đổi khá lớn của Dự thảo là quy định về chủ thể kinh doanh là cá nhân.
Góp ý dự thảo hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá các đề xuất chính sách trong Dự thảo nêu bật được các vấn đề vướng mắc, bất cập của Luật Doanh nghiệp 2020. Các giải pháp thực hiện chính sách cơ bản là hợp lý, phù hợp với các kiến nghị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hoàn thiện, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề.
ĐẢM BẢO SỰ THỐNG NHẤT VÀ ĐỒNG BỘ CỦA PHÁP LUẬT
Cụ thể, đó là cần đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ của pháp luật. Theo VCCI, dự thảo đã đề xuất bổ sung phần giải thích của một số khái niệm “người có liên quan của người quản lý doanh nghiệp”, “quyền chi phối”, “sở hữu gián tiếp”, “sở hữu gián tiếp”; “hồ sơ giả mạo”, “hồ sơ không trung thực, không chính xác”, “kê khai khống vốn điều lệ”. Đề xuất này là phù hợp, vì pháp luật doanh nghiệp hiện hành gặp khá nhiều vướng mắc, lúng túng trong quá trình thực hiện khi các khái niệm này chưa được giải thích một cách rõ ràng.
Tuy vậy, việc dự kiến định nghĩa “quyền chi phối là quyền định đoạt đối với điều lệ hoạt động, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý chủ chốt, việc tổ chức quản lý và các quyết định quản lý quan trọng khác của doanh nghiệp” còn chưa thực sự rõ ràng.
“Chức danh quản lý chủ chốt” chưa làm rõ được chức danh quản lý nào, các quyết định nào là “các quyết định quan trọng khác”. Việc giải thích một khái niệm bằng những khái niệm chưa rõ ràng khác khiến cho chính sách này là chưa cụ thể. Do đó, VCCI đề nghị quy định rõ hơn về “quyền chi phối”, có thể tham khảo khái niệm “kiểm soát, chi phối doanh nghiệp” tại Nghị định 35/2020/NĐ-CP.
Cùng với đó, VCCI cho rằng dự thảo cần hoàn thiện khung khổ thể chế gia nhập thị trường và rút khỏi kinh doanh thuận lợi, an toàn, minh bạch. Theo VCCI, các quy định về gia nhập thị trường là một trong những điểm sáng của pháp luật về doanh nghiệp trong thời gian qua và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về những quy định thuận lợi, có tính cải cách của các quy định này. Vì vậy, doanh nghiệp kỳ vọng các đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp vẫn đảm bảo tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập hoặc rút lui khỏi thị trường.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất hợp nhất tài khoản định danh của cá nhân (Vneid) với tài khoản đăng ký kinh doanh để ký số và nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh. Cần bỏ thủ tục “xác thực điện tử” để tạo thuận lợi cho thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Hơn nữa, dự thảo đề xuất bổ sung quy định “doanh nghiệp phải công khai trực tuyến thông tin tình trạng hoạt động trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp định kỳ vào ngày cuối cùng quý 2, quý 4 hàng năm”. Đây là quy định mới, bổ sung thêm nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc công khai thông tin. Song quy định này đang không rõ thông tin doanh nghiệp cần công khai là gì?
VCCI lý giải, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp phải công khai thông tin về ngành nghề đăng ký kinh doanh, danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần... Trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp… “Như vậy, với các quy định hiện hành, thông tin về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp cơ bản đã được công khai. Do vậy, đề nghị xem xét không bổ sung quy định về công khai thông tin trên để giảm về thủ tục cũng như chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp”, VCCI góp ý.
ĐỀ XUẤT THAY ĐỔI VỀ CHỦ THỂ KINH DOANH LÀ CÁ NHÂN
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất bổ sung quy định về việc cấm thành lập doanh nghiệp có thời hạn với một số đối tượng vi phạm pháp luật về thuế theo hướng: người thành lập hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị cơ quan thuế thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký thì phải hoàn thành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp trước khi tham gia thành lập hoặc làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mới.
Theo quy định tại khoản 25 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, “người thành lập doanh nghiệp là cá nhân, tổ chức thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp”. VCCI cho rằng quy định đang chưa rõ các chủ thể này có bao gồm các thành viên/cổ đông đang sở hữu phần vốn góp/cổ phần trong các doanh nghiệp hay không? Nếu các thành viên hoặc cổ đông sở hữu phần vốn góp/cổ phần được xem là “người thành lập doanh nghiệp” thì phạm vi áp dụng của quy định này quá rộng và bất khả thi, nhất là áp dụng cho công ty đại chúng.
Nếu người thành lập doanh nghiệp là các cổ đông sáng lập, trong trường hợp, sau 3 năm đã chuyển nhượng cổ phần cho chủ thể khác, không còn là cổ đông trong công ty cổ phần, nếu chịu sự ràng buộc bởi quy định này là chưa hợp lý.
Việc cấm một số chủ thể thành lập doanh nghiệp tác động lớn đến gia nhập thị trường của các chủ thể kinh doanh, vì vậy đề nghị rà soát, cân nhắc kỹ càng và thận trọng, tránh đi ngược lại tinh thần khuyến khích khởi nghiệp kinh doanh thông qua việc thành lập doanh nghiệp.
Ngoài ra, dự thảo đề xuất quy định tại Luật Doanh nghiệp về chủ thể kinh doanh là cá nhân bao gồm: doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. “Đây là đề xuất thay đổi khá lớn về chủ thể kinh doanh là cá nhân, vì vậy cần thiết phải đánh giá đầy đủ hơn về tính cần thiết, hợp lý khi bổ sung các chủ thể này vào Luật Doanh nghiệp – văn bản chủ yếu điều chỉnh tổ chức hoạt động của tổ chức là doanh nghiệp”, VCCI nhận định.
Cũng theo VCCI, trước đây, có nhiều ý kiến về việc xây dựng một luật riêng về cá nhân kinh doanh (hộ kinh doanh) để tương xứng với vị thế, tầm quan trọng, vai trò của các chủ thể này trong nền kinh tế. Việc chỉ đề xuất một số nguyên tắc chung và trao quyền cho Chính phủ quy định về đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh dường như chưa đánh giá đúng vai trò của các chủ thể kinh doanh này.
“Trong trường hợp cần thiết phải quy định hoạt động của cá nhân kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp, đề nghị bổ sung thêm nội dung về tính cần thiết và các nội dung cơ bản dự kiến sẽ quy định về chủ thể này”, VCCI góp ý.