Luật Giáo dục đại học phải triệt tiêu cơ chế 'xin-cho'
Hiệp hội các trường Đại học-Cao đẳng Việt Nam vừa gửi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học, trong đó nhấn mạnh cần phải triệt tiêu cơ chế 'xin-cho'.
Trong văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội các trường Đại học-Cao đẳng Việt Nam cho rằng, một Luật Giáo dục đại học (GDĐH) phải đạt 4 yêu cầu quan trọng: Phải định hướng cho sự hình thành một hệ thống giáo dục đại học phân tầng, thống nhất, đa dạng, rõ ràng và hiệu quả, khai sáng, hiện đại, mang tính đại chúng; Phải khẳng định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy quyền tự chủ thực sự và hợp lý; Phải khẳng định được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cộng đồng xã hội đối với GDĐH, thể hiện quan điểm xã hội hóa toàn diện về giáo dục; Phải triệt tiêu được nạn “xin-cho” đang phổ biến hiện nay trong cơ chế quản lý GDĐH.
Từ quan điểm này, Hiệp hội các trường Đại học-Cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh, Luật GDĐH hiện hành đang nghiêng theo hướng của một luật về các cơ sở giáo dục đại học. Những nội dung rất quan trọng của một Luật GDĐH hiện đại như Hệ thống giáo dục đại học, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với giáo dục đại học hầu như không được thể hiện rõ.
Bên cạnh đó, một số nội dung đưa vào Luật lại quá chi li, không xứng tầm của một Luật về GDĐH.
Trước những bất cập này, Hiệp hội các trường Đại học-Cao đẳng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho rà soát, sửa đổi bổ sung Luật GDĐH cho phù hợp với thực tiễn. Trong đó, Hiệp hội kiến nghị bổ sung và bố cục lại một số nội dung để kết cấu thành hai chương mới trong Luật: Hệ thống giáo dục đại học và Quan hệ xã hội.
Ngoài ra, Hiệp hội các trường Đại học-Cao đẳng Việt Nam chỉ ra 4 vấn đề bất cập khi triển khai Luật GDĐH:
Thứ nhất, đang có nhận thức chưa đầy đủ về tự chủ đại học. Điều này khiến cho khi xảy ra xung đột, các nhà chức trách thường áp dụng “định chế cơ quan chủ quản” để phán xử;
Khi xây dựng các văn bản dưới luật vẫn coi cơ sở giáo dục đại học công lập như các đơn vị sự nghiệp công lập khác - không thể chế được quyền đại diện chủ sở hữu tài sản công của Hội đồng trường. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập là ví dụ.
Thứ hai, đang có những nội dung bất cập, hạn chế, mâu thuẫn, chồng chéo khiến cho việc triển khai Luật gặp Nhiều khó khăn. Xuất hiện những bất cập khi Hội đồng trường thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của mình được Luật Giáo dục đại học hiện hành quy định. Đặc biệt, những hoạt động liên quan đến đầu tư, đến quản lý sử dụng tài sản công và tổ chức nhân sự.
Theo Hiệp hội các trường đại học-Cao đẳng Việt Nam, khi nhà trường được tự chủ đồng nghĩa với việc chủ động quyết định những việc mà Luật Giáo dục đại học hiện hành cho phép (đặc biệt là các Điều 16, 66, 67...). Có những phản ánh cho là vẫn còn bất cập, hạn chế, mâu thuẫn, chồng chéo, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các việc trên. Vướng mắc nhất là không ít việc Hội đồng trường tự quyết định là đủ nhưng vẫn phải trình cơ quan chủ quản quyết định.
Ví dụ, Điều 67 Luật Giáo dục đại học hiện hành quy định: “cơ sở giáo dục đại học được sử dụng tài sản công vào việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát triển”. Không ít cơ sở giáo dục đại học đang tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ phản ánh: Khi nhà trường triển khai công việc theo Điều 67 vẫn phải trình cơ quan quản lý trực tiếp quyết định chứ không phải là Hội đồng trường; nếu không như vậy được coi là sai.
Thứ ba, những bất hợp lý thuộc cơ cấu hệ thống và mô hình trường chưa được khắc phục. Trong đó, việc trình độ cao đẳng bị loại khỏi bậc đại học, một việc làm không có tính kế thừa, thiếu khoa học và không hội nhập quốc tế; đang có những xung đột pháp lý đối với mô hình đại học quốc gia, đại học vùng; mô hình quản trị đại học địa phương chưa được quy định rõ trong luật…
Thứ tư, về vấn đề không vì lợi nhuận, theo Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, trước đây, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không lợi nhuận được hiểu là cơ sở giáo dục đại học mà phần lợi nhuận tích lũy hàng năm là tài sản không chia..; các cổ đông hoặc thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hàng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ” (Điều 4 Luật Giáo dục đại học). Tuy nhiên thực tế hiện nay, nhà nước không kiểm soát được tính “không lợi nhuận”.
Năm 2018, tại Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã định chế lại việc trên theo hướng: nhà đầu tư cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức. Luật còn quy định “chỉ chuyển đổi cơ sở giáo dục đại học tư thục sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận” (Điều 7).
Vậy như trên thực tế, một số đại học dân lập muốn chuyển thẳng sang hoạt động theo mô hình trường đại học tư thục không vì lợi nhuận đã không có cơ hội (Thông tư 45/2014/TT-BGDĐT); xuất hiện một vài trường đại học tư thục không vì lợi nhuận nhưng chủ sở hữu nó lại là doanh nghiệp lớn – những tổ chức đang theo đuổi lợi nhuận…
Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam cho rằng, những quy định về không vì lợi nhuận trong giáo dục đại học không nên dừng ở những luật hiện hành mà cần tiếp tục quy định rõ hơn nữa theo hướng thoáng mở để tạo điều kiện cho các loại trường khác có thể chuyển đổi sang không vì lợi nhuận, chỉ ra trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra xác nhận và giám sát việc thực hiện không vì lợi nhuận, cũng như các chính sách thuế và thuê đất được khuyến khích đúng tầm của vấn đề quan trọng này.
Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội XIV (ngày 19/11/2018) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019./.