Luật Hóa chất (sửa đổi): Cơ hội để kinh tế Việt Nam bứt phá
Góp mặt trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nên việc sửa đổi Luật Hóa chất được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội bứt phá cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Hóa chất - ngành công nghiệp quan trọng
Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), hóa chất có mặt trong đa số các lĩnh vực của đời sống xã hội, ngành công nghiệp hóa chất đã tạo ra rất nhiều sản phẩm, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển công nghiệp và kinh tế của mỗi quốc gia. Đặc biệt, cuộc sống ngày càng phát triển, càng văn minh thì vai trò, vị trí của ngành công nghiệp hóa chất ngày càng trở nên quan trọng.
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp hóa chất đã hình thành và phát triển từ những năm 50 của thế kỷ trước, bắt đầu với những nhà máy phân bón, hóa chất tiêu dùng tại miền Bắc do Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ với mục đích cung cấp phân bón và một số loại hóa chất phục vụ tiêu dùng. Trải qua các giai đoạn phát triển, ngành hóa chất đã có những bước phát triển mạnh mẽ với diện mạo thay đổi đáng kể so với ban đầu.
Đặc biệt từ khi có Luật Hóa chất 2007 đến nay, ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam ngày càng phát triển và khẳng định vai trò quan trọng, từng bước hiện đại hóa, làm chủ công nghệ, chủ động sản xuất nguyên liệu, sản phẩm cho ngành sản xuất trong nước, tiến tới xuất khẩu…
Theo bà Nguyễn Thị Thêu - Phòng Phát triển Công nghiệp hóa chất (Cục Hóa chất - Bộ Công Thương), ngành công nghiệp hóa chất là công nghiệp nền tảng, chiếm tỷ lệ 2-5% GDP toàn ngành công nghiệp với tốc độ tăng trưởng 10-11%/ năm. Lực lượng lao động trong ngành hóa chất chiếm 2,7 triệu người, chiếm 10% lực lượng lao động của toàn ngành công nghiệp. Năng suất lao động của ngành công nghiệp hóa chất chiếm 1,36 lần năng suất lao động trung bình của toàn ngành công nghiệp.
Đặc biệt, thực hiện chủ trương đường lối của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII, hóa chất được xác định là một trong những ngành công nền tảng, phát triển ngành công nghiệp hóa chất là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Như vậy có thể khẳng định, hóa chất đóng vai trò quan trọng, mang tính chất “nền tảng” cho các ngành công nghiệp khác, và “nếu không có ngành công nghiệp hóa chất thì sẽ chẳng có ngành công nghiệp nào cả”.
Mặc dù đóng vai trò quan trọng, nhưng theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, ngành hóa chất của Việt Nam thời gian qua vẫn phát triển dưới tiềm năng. Thực tế những số liệu thống kê cũng cho thấy, về tổng thể, nền công nghiệp hóa chất Việt Nam tuy đã phát triển, đã ứng dụng nhiều thành tựu, có nhiều dự án, dây chuyền sản xuất ứng dụng các công nghệ, thiết bị, phần mềm quản lý, vận hành hiện đại, song đại đa số vẫn còn nhiều nhà máy ở quy mô nhỏ, công nghệ chưa thực sự cao, tỷ lệ lao động phổ thông vẫn còn khá cao, một số nơi chưa làm chủ được công nghệ. Nguyên nhân là bởi khoa học công nghệ chưa cao, chưa có công nghệ nguồn, thiếu vốn, các nhà máy hiện đại với công nghệ cao, hiện đại đòi hỏi chi phí rất lớn mà tư nhân khó có thể đầu tư; trình độ quản lý, cơ chế chính sách… và một số bất cập, tiêu cực chưa được giải quyết triệt để.
Tăng đóng góp của ngành bằng Luật Hóa chất sửa đổi
Để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng bền vững, thân thiện hơn với môi trường, tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 3/9/2020, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2040. Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 16/6/2022.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2040 đã đưa ra định hướng, phát triển công nghiệp hóa chất Việt Nam theo hướng là một ngành công nghiệp nền tảng quan trọng, hiện đại với cơ cấu ngành tương đối hoàn chỉnh, gồm 10 phân ngành, tập trung vào chiến lược phát triển một số phân ngành trọng điểm: Hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược và phân bón. Cùng với đó, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất hiện có theo hướng tập trung, quy mô. Duy trì và phát triển các nhà máy sản xuất có công nghệ tiên tiến. Hạn chế tối đa việc hình thành mới và từng bước loại bỏ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, chất lượng sản phẩm kém, gây ô nhiễm môi trường...
Đặc biệt, để tăng đóng góp của ngành công nghiệp hóa chất vào nền kinh tế, thực hiện Nghị quyết số 41/2023/NQ-UBTVQH15 ngày 18/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ Công Thương đang tiến hành sửa đổi Luật Hóa chất năm 2007.
Về cơ sở thực tiễn sửa đổi Luật Hóa chất, theo ông Phùng Mạnh Ngọc - Cục trưởng Cục Hóa chất - Bộ Công Thương: Luật Hóa chất số 06/2007/QH12 được Quốc hội khóa XII vào năm 2007, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2008. Sự ra đời của Luật Hóa chất là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và tạo lập một hành lang pháp lý chính thức và thống nhất cho các hoạt động hóa chất trên cả nước.
Thực tế cho thấy, sau 16 năm thi hành, việc thực thi Luật Hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cụ thể, về kinh tế, kể từ khi Luật Hóa chất có hiệu lực đến nay ngành công nghiệp hóa chất đã có bước phát triển mạnh mẽ, đã hình thành được những tổ chức nghiên cứu, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực của ngành, bước đầu hình thành một số tổ hợp công nghiệp hóa dầu và một số khu, cụm công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp hóa chất.
Ngành công nghiệp hóa chất duy trì được mức tăng trưởng ổn định qua các năm (trung bình 10 – 11%/năm), sản phẩm hóa chất sản xuất trong nước đã đa dạng hơn về chủng loại, chất lượng được cải thiện, dần tiệm cận với các sản phẩm trong khu vực.
Về xã hội, Luật Hóa chất và các văn bản dưới luật đã hình thành một hệ thống quy định quản lý hóa chất tương đối toàn diện từ trung ương đến địa phương. Cùng với nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động hóa chất đã được quản lý chặt chẽ và ngày càng đi vào nền nếp, quy củ, công tác an toàn hóa chất được nâng cao vai trò và chất lượng, góp phần giảm thiểu những rủi ro và tác động tiêu cực của hóa chất đến con người, môi trường, tài sản, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sau 16 năm thi hành Luật Hóa chất năm 2007 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định. Cụ thể, về quy định chung, Luật Hóa chất 2007 chưa quy định rõ ràng và chính xác phạm vi và đối tượng áp dụng các hoạt động quản lý, chưa phân định được hóa chất và các sản phẩm hàng hóa chứa hóa chất; chưa phân định cụ thể hoạt động sản xuất hóa chất và các hoạt động phối trộn, pha loãng hóa chất; khái niệm về hóa chất độc chưa phù hợp thực tế...
Về phát triển công nghiệp hóa chất, Luật Hóa chất 2007 chỉ điều chỉnh với các hóa chất, bao gồm chất, hợp chất, hỗn hợp chất, tạm hiểu là các hóa chất cơ bản. Do đó, các quy định đối với dự án hóa chất trong Luật chỉ áp dụng với dự án hóa chất cơ bản.
Để khắc phục những bất cập đó, Luật Hóa chất sửa đổi ngoài kế thừa những mặt tích cực của Luật Hóa chất 2007 còn có thêm những nội dung mới, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho ngành hóa chất phát triển, tăng đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030.
Tại Kỳ họp thứ 8, khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); đã có 69 lượt ý kiến đại biểu quốc hội phát biểu, trong đó có 54 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ, 12 lượt ý kiến phát biểu tại Hội trường và 3 đại biểu quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản. Đa số ý kiến đại biểu quốc hội đều tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi).