Luật hóa hình thức kỷ luật 'xóa tư cách'?

Có đại biểu đề nghị cân nhắc luật hóa hình thức xử lý kỷ luật xóa tư cách chức vụ mà cán bộ, công chức đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm

Chiều 10-6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Theo đại biểu (ĐB) Tô Văn Tám (Kon Tum), quá trình đánh giá cán bộ, công chức thời gian qua chưa đáp ứng như mong đợi. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tổng hợp từ các địa phương, chỉ có 0,59% công chức và 0,38% viên chức không hoàn thành nhiệm vụ.

"Dư luận đang nghi ngờ về tính chính xác của số liệu này... Cử tri còn nhớ Thủ tướng đã có lần nói rằng khoảng 30% cán bộ, công chức ở tình trạng "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Điều đó cho thấy công tác đánh giá cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa bám vào kết quả cụ thể, các tiêu chí đánh giá còn nặng định tính nên chung chung, chưa định lượng được" - ĐB Tám nêu.

ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) thống nhất cao việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Song ban soạn thảo cần xem xét, bổ sung quy định công chức có nhiệm vụ thống kê số lượng đầu công việc đã xử lý trong năm, bao gồm cả công việc chuyên môn gắn với vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và các nhiệm vụ khác được lãnh đạo giao. Việc này nhằm mang tính định lượng, góp phần xác định hiệu quả công tác của công chức, qua đó xác định hiệu quả sử dụng công chức của cơ quan, đơn vị. "Có như vậy mới khắc phục được tình trạng làm nhiều sai nhiều, không làm không sai" - ĐB Linh nói.

Phát biểu góp ý, ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) đồng thuận với việc bỏ hình thức kỷ luật "giáng chức" như đề xuất của Chính phủ và việc xử lý kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu khi phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, theo ĐB Hằng, kỷ luật cán bộ, công chức về hưu với hình thức "xóa tư cách" thì chưa phù hợp. Phạm vi, đối tượng xử lý như dự thảo luật đưa ra quá rộng bởi luật chỉ nên nhắm vào việc "xóa tư cách" là người có chức vụ, còn với cán bộ, công chức thường không có gì để xóa.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng bày tỏ đồng tình với việc bổ sung quy định xử lý cán bộ đã nghỉ hưu khi phát hiện vi phạm. Luật cần quy định rõ ràng hơn, đồng thời giải thích các trường hợp người nghỉ hưu bị thi hành kỷ luật cách chức lúc đương chức vi phạm thì các văn bản do người đó ký lúc đương chức nay có giá trị không.

ĐB Mong Văn Tình (Nghệ An) cho rằng quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện hành vi vi phạm trong thời gian công tác về bản chất là xử lý hồi tố. ĐB này đề nghị cân nhắc luật hóa với hình thức xử lý kỷ luật "xóa tư cách" chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm. Ngoài ra, việc xóa tư cách đã đảm nhiệm còn ảnh hưởng đến quyết định, văn bản do cán bộ, công chức đó ký trong thời điểm cán bộ, công chức đó vi phạm. "Nếu luật hóa quy định này đồng nghĩa với việc tính pháp lý của những văn bản của cán bộ, công chức đó ký không còn hiệu lực".

ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng nếu quy định hình thức kỷ luật giáng chức sẽ xung đột với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm, bởi giáng chức thực chất là bổ nhiệm vào vị trí chức vụ thấp hơn trong khi vị trí đó đã xác định đủ số lượng lãnh đạo quản lý. Hơn nữa, người bị kỷ luật giáng chức mà vẫn công tác trong cơ quan cũ hay trong lĩnh vực chuyên môn cũ sẽ gây khó khăn cho người lãnh đạo mới trong thực thi nhiệm vụ và tham mưu.

Chưa đồng thuận giảm cấp phó HĐND

Trước đó, sáng cùng ngày, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Vấn đề thảo luận "nóng" nhất là quy định cắt giảm phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện.

ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng việc giảm một chức danh phó chủ tịch HĐND tỉnh, thành cần cân nhắc thận trọng. Phương án của Chính phủ là sẽ giảm ở tất cả địa phương, kể cả TP HCM, Hà Nội và các chức danh phó chủ tịch HĐND huyện, quận cũng giảm cào bằng, theo ĐB này, là không hợp lý. Nếu không xét điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đơn vị mà chỉ giảm cơ học thì không hiệu quả, dẫn đến việc phải sửa luật thường xuyên.

Từ thực tế địa phương, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (nguyên chủ tịch HĐND TP HCM) đề nghị QH, Chính phủ, ban soạn thảo đánh giá toàn diện, khách quan, sát thực tiễn khi áp dụng luật "để tránh chủ quan và duy ý chí trong quá trình sửa luật".

Bà Quyết Tâm cũng cho rằng HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương có vị trí rất quan trọng, đại diện cho ý chí nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, có chức năng giám sát... Do đó, QH có trách nhiệm tổ chức ra một HĐND như thế nào ở các cấp cho phù hợp, "chứ không thể nhắm vào mục tiêu phải giảm biên chế rồi đặt ra những vấn đề đi ngược lại với mục đích mà chúng ta xây dựng luật".

"Giảm một phó chủ tịch HĐND tỉnh, huyện, theo tôi không nên cứng nhắc mà phải tùy điều kiện, tình hình, quy mô, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ từng giai đoạn mà yêu cầu bố trí từ 1-2 phó chủ tịch cho phù hợp" - ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nêu.

V.Duẩn

NGUYỄN THẾ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/luat-hoa-hinh-thuc-ky-luat-xoa-tu-cach-2019061022282018.htm