Luật hóa hộ kinh doanh: Cần đánh giá kỹ tác động

Thảo luận ở tổ về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều đại biểu băn khoăn đặt vấn đề luật hóa 5 triệu hộ kinh doanh là để quản lý hay là để hỗ trợ họ phát triển tốt hơn. Trong khi đó với Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau…

Hộ kinh doanh là một thành tố quan trọng của nền kinh tế

Hộ kinh doanh là một thành tố quan trọng của nền kinh tế

Luật hóa để minh bạch và hỗ trợ tốt hơn

Nhất trí với dự thảo Luật bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng quy định như vậy đã khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia vào thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước; việc hoàn thiện các khung khổ pháp lý để thúc đẩy sự phát triển các DN siêu nhỏ đang trở thành yêu cầu đối với mọi quốc gia…

“Theo số liệu thống kê trong khu vực tư nhân, các loại hình DN tư nhân chỉ chiếm khoảng 10%, còn khu vực hộ kinh doanh chiếm tới 30% GDP. Một khu vực lớn như vậy, nhưng hiện nay quy định pháp lý đối với khu vực này chỉ dừng lại ở tầm nghị định là chưa đúng với tinh thần của Hiến pháp là quyền, nghĩa vụ của công dân, trong đó có quyền tự do kinh doanh phải được quy định trong luật chứ không phải nghị định”, ông Lộc cho biết.

Hơn nữa bản chất hộ kinh doanh chính là một loại hình DN, “họ là DN hay không là do pháp luật của chúng ta quy định. Với các nước trên thế giới thì các hộ kinh doanh đều được coi là DN”, ông Lộc phân tích. Từ lập luận này, ông Lộc cho biết, việc luật hóa hộ kinh doanh không chỉ quản lý minh bạch mà còn phải thiết kế các chính sách để hỗ trợ và thúc đẩy họ lớn mạnh hơn để vươn ra biển lớn.

Đồng tình với quan điểm này, song đại biểu Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) cho rằng, phải làm rất rõ tính mục đích của việc này là để quản lý hay để cho nó phát triển.

“Cảm giác như là chúng ta phải tính lại GDP như vừa qua là bởi vì trong đó có những cái chúng ta không tính đúng, tính đủ, trong đó có những hộ kinh doanh này. Nhưng dù anh có đưa vào luật hay nghị định thì cuối cùng cũng là đưa họ vào lồng. Đưa vào mà nuôi dưỡng tốt để họ phát triển thì hay quá. Nhưng nếu chỉ nhìn một chiều mà đưa để quản lý, ràng buộc họ mà không giúp họ phát triển được hơn thì chưa chắc đã tốt, bởi một khi được xem là DN thì hộ kinh doanh sẽ phải xây dựng tổ chức, tuân thủ chế độ kế toán, bảo hiểm, báo cáo… điều này sẽ tạo gánh nặng cho họ”, ông Quân lưu ý.

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ?

Trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Về vấn đề này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, trên thực tế nhu cầu về dịch vụ đòi nợ thuê là có, đã được thể chế hóa thành Nghị định 104 của Chính phủ từ năm 2007. Tuy nhiên vị đại biểu nhấn mạnh, hoạt động của các DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đã biến tướng, gây nhiều hệ lụy. Qua đánh giá gần đây của các địa bàn nở rộ loại dịch vụ này ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương thì diễn biến rất phức tạp.

"Chiêu trò của các nhóm đòi nợ này là sử dụng xã hội đen, xăm trổ, lực lưỡng, rần rần đến nhà con nợ. Con nợ chỉ nhìn thấy thôi đã sợ chứ chưa cần thiết phải đe dọa hay hành hung. Thậm chí họ còn sử dụng các chiêu khác như đe dọa người thân hay nắm bắt các bí mật rồi đe dọa công khai nếu không trả nợ. Trong khi đó, vai trò quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước chưa sát, chỉ khi nào xảy ra vụ việc thì mới can thiệp. Nhiều địa phương rất đồng lòng cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ, bản thân tôi cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc cấm loại dịch vụ này" đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho hay.

Làm rõ thêm về nội dung cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là vấn đề còn có rất nhiều ý kiến khác nhau. Bộ trưởng cũng thừa nhận trên thực tế, nhu cầu đòi nợ thuê là có và phân chia ra 2 loại, tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực của dịch vụ này là bảo vệ được quyền lợi của bên cho vay, giúp thu hồi được các khoản nợ.

Về mặt tiêu cực, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng rất phức tạp, nhiều biến tướng khi tín dụng đen nở rộ, sử dụng xã hội đen để đòi nợ. Từ thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ Công an đã đề nghị cấm dịch vụ này nếu không sẽ rất phức tạp cho xã hội.

Không đồng tình với quan điểm không quản được thì cấm, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, kinh doanh dịch vụ đòi nợ vừa qua có việc lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Ví dụ tín dụng đen, qua các tổ chức đòi nợ thuê, đứng sau là các nhân vật cộm cán, dẫn đến bắt bớ, gây mất trật tự. Cái đó rõ ràng phải nghiêm trị, nhưng dịch vụ đòi nợ cũng là dịch vụ của cơ chế thị trường, luật phải quy định cụ thể ai được làm và làm thì cần tuân thủ cái gì, vi phạm thì xử lý ra sao chứ cấm là không hợp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Trong thực tiễn hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh cùng tồn tại với các loại hình công ty và DN khác và người dân có quyền lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp. Hộ kinh doanh là đối tượng cần có sự quản lý của nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của nhà nước để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, tuân thủ pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh). Ông đề nghị Chính phủ cân nhắc nghiên cứu xây dựng một nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.

Dương Công Chiến

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/luat-hoa-ho-kinh-doanh-can-danh-gia-ky-tac-dong-94829.html