LUẬT HÓA QUY ĐỊNH TẠI CÔNG ƯỚC VỀ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN VIỆT NAM

Tại dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, để bảo đảm tính tương thích với các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, cơ quan soạn thảo đã rà soát, nội luật hóa quy định trong Công ước Vienna năm 1968 về Giao thông đường bộ; tham khảo có chọn lọc pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của các quốc gia trên thế giới bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam...

Hoàn thiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Hoàn thiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Dự thảo Luật Đường bộ gồm 08 chương, 62 điều, quy định về quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn gia thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, việc xây dựng Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đánh giá tính tương thích của dự thảo Luật với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh cho biết, qua rà soát cho thấy các quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, như: Công ước quốc tế năm 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước quốc tế năm 1968 về Biển báo - Tín hiệu đường bộ; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1989...

Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an

Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an

Liên quan tới quy định về quy tắc giao thông đường bộ (Chương II – dự thảo), trên cơ sở nội luật hóa quy định trong Công ước Viên năm 1968 về Giao thông đường bộ phù hợp với điều kiện Việt Nam, kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, luật hóa một số quy định ở các văn bản dưới luật, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung, mô tả lại một số quy định phù hợp với thực tiễn.

Bình luận về nội dung này, Chánh Văn phòng Ủy an An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh kiến nghị cần rà soát, hoàn thiện quy định về: chấp hành báo hiệu đường bộ; chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách giữa các xe; sử dụng làn đường; chuyển hướng xe;… đảm bảo khả thi và phù hợp với các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Đối với quy định về chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách giữa các xe, Chánh Văn phòng Ủy an An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh đề xuất bổ sung khoản 4, Điều 11: “Trên đường có biển hạn chế tốc độ: Tốc độ giới hạn quy định trên biển áp dụng cho loại xe nhanh nhất là xe con. Tốc độ tối đa của xe khách thấp hơn tốc độ tối đa cho phép của xe con 10 km/h, tốc độ tối đa của xe tải thấp hơn tốc độ tối đa cho phép của xe khách 10 km/h”.

Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh

Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh

Lý giải về đề xuất này, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh cho biết, nguyên tắc này được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Việt Nam tham gia công ước Viena và cam kết thực hiện đầy đủ trừ điều 52: “Bất cứ tranh chấp nào giữa hai hoặc nhiều Bên tham gia về việc giải nghĩa hoặc áp dụng Công ước này mà các nước này không thể giải quyết bằng thương lượng hoặc những cách thức giải quyết khác có thể đệ trình lên Tòa án Tư pháp Quốc tế để quyết định.”

Xe khách và xe tải là loại phương tiện có khối lượng lớn, chở nhiều người bởi vậy tốc độ giới hạn cần thấp hơn xe con để giảm thiểu rủi ro gặp tai nạn và giảm hậu quả khi có tai nạn.

Ngoài ra, Chánh Văn phòng Ủy an An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh cũng lưu ý, quy định bao quát đầy đủ tình huống trong thực tế, tránh gây tranh cãi khi áp dụng; đề nghị bổ sung người điều khiển, người ngồi trên xe đạp phải đội mũ bảo hiểm đúng loại cho người đi xe đạp, và cài quai đúng quy cách; đi xe đạp từ 18h tối tới 6h sáng phải có đèn báo hiệu phía trước và phía sau;.../.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75971