Luật kiểm soát súng đạn tại Nhật Bản

Cả thế giới chấn động trước tin cựu Thủ tướng Abe Shinzo qua đời sau khi bị hung thủ ám sát bằng súng tự chế tại thành phố Nara. Điều đó phần nào cho thấy lỗ hổng trong việc kiểm soát súng tại Nhật Bản.Luật sử dụng súng được nới lỏngCảnh sát hiếm khi sử dụng súng, các băng đảng giữ sự cẩn trọngHung thủ ám sát ông Abe bằng súng tự chế

Nhật áp dụng quy trình cấp phép khắt khe và trừng phạt nặng tội tàng trữ, sử dụng súng trái phép, nhưng không ngăn được hoàn toàn các vụ nổ súng.

Iain Overton, Giám đốc điều hành của Tổ chức Hành động về Bạo lực Vũ trang (AOAV), cho rằng: "Kể từ khi súng xuất hiện tại Nhật Bản, đất nước này luôn có quy định chặt chẽ về quyền kiểm soát súng. Đây là nước đầu tiên áp dụng luật về súng trên toàn thế giới. Tôi nghĩ luật pháp đã đặt ra nền tảng rằng súng thực sự không đóng một vai trò nào trong xã hội dân sự tại Nhật".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chính sách kiểm soát súng đạn của Nhật liên quan mật thiết đến lịch sử nước này. Sau Thế chiến II, chủ nghĩa hòa bình nổi lên là một trong những triết lý chủ đạo trên toàn quốc. Cảnh sát Nhật chỉ bắt đầu mang súng vào năm 1946 theo yêu cầu của Mỹ vì lý do an ninh. Luật Kiểm soát Súng và Kiếm của nước này từ năm 1958 quy định "không ai được sở hữu các loại súng và dao kiếm".

Chính phủ Nhật Bản hiện đã nới lỏng luật, song các quy định kiểm soát súng theo lập trường "cấm" vẫn được duy trì. Theo đó, nếu người Nhật muốn sở hữu súng, họ sẽ phải tham gia khóa học cả ngày, vượt qua bài kiểm tra viết, đạt độ chính xác ít nhất 95% trong bài kiểm tra bắn súng.

Sau đó, họ tiếp tục phải kiểm tra tâm lý, xét nghiệm ma túy tại bệnh viện và thẩm tra lý lịch. Trong quá trình này, giới chức sẽ điều tra về hồ sơ tội phạm của họ, đồng thời phỏng vấn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp người muốn sở hữu súng.

Nếu chủ sở hữu qua đời, người thân phải giao nộp súng cho chính phủ. Nhật Bản quan niệm càng ít súng được lưu hành thì tỷ lệ phạm tội, tử vong càng thấp. Mỗi quận có quy mô từ nửa triệu người đến 12 triệu người ở Tokyo không được có nhiều hơn 3 cửa hàng súng. Những nơi này chỉ có thể mua các băng đạn mới sau khi tiêu thụ hết số băng đạn cũ.

Không chỉ người dân, ngay cả cảnh sát Nhật Bản cũng hiếm khi sử dụng súng. Những án mạng tại đất nước “Mặt trời mọc” cũng ít liên quan đến súng. Hung thủ chủ yếu dùng dao trong các vụ giết người, gây thương tích hàng loạt. Đơn cử vào tháng 7/2016, một người đàn ông đã đâm chết 19 người tại trung tâm chăm sóc người khuyết tật thành phố Sagamihara, tỉnh Kanagawa.

Luật Kiểm soát Súng và Kiếm của Nhật Bản quy định khung hình phạt đối với tội sở hữu súng trái phép lên đến 10 năm tù, trong khi người tàng trữ nhiều hơn một khẩu súng có thể đối mặt mức án 15 năm tù. Án phạt sẽ nặng hơn nếu người đó sở hữu súng kèm đạn. Hình phạt nặng nhất cho tội nổ súng nơi công cộng là tù chung thân.

Luật pháp nghiêm ngặt đến mức ngay cả Yakuza, tổ chức tội phạm khét tiếng tại Nhật, cũng phải dè chừng. Nếu người nổ súng là yakuza, họ thường sẽ phải chịu mức án nặng hơn. "Những kẻ thông minh đều bỏ súng từ lâu, bởi khung hình phạt quá nặng, có thể ngồi tù suốt đời chỉ vì nổ một phát súng", một thành viên cấp thấp thuộc Kobe Yamaguchi, băng yakuza hoạt động tại Osaka, Nhật Bản, cho biết.

Theo thông tin mới cập nhật, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã qua đời sau khi bị nghi phạm Yamagami Tetsuya dùng khẩu súng hai nòng tự chế bằng ống thép quấn băng dính ám sát.

Masahiro Okuda, nhân chứng tại hiện trường, cho biết nghi phạm cầm vật thể màu đen dài khoảng 20 cm, có hình dáng giống ống kính máy ảnh khi tiếp cận ông Abe từ phía sau, rồi bắn liên tiếp hai phát, tạo ra đám khói lớn màu trắng và khiến cựu thủ tướng gục xuống dường.

Masahiko Morioka, một nhân chứng khác, cho biết nghi phạm làm rơi súng trong lúc vật lộn với các sĩ quan cảnh sát, thêm rằng khẩu súng tự chế có phần tay cầm như súng ngắn và được bọc băng dính đen.

Dựa trên hình ảnh tại hiện trường, các chuyên gia về vũ khí nhận định khẩu súng tự chế này dường như sử dụng cơ chế khai hỏa bằng cò điện, nhiều khả năng được nghi phạm tự chế tạo hoặc in 3D tại nhà.

Yohei Sasaki, chủ tịch Hiệp hội Săn bắn Toàn Nhật, cho rằng âm thanh từ khẩu súng của nghi phạm khác nhiều so với súng săn, nhận định đây là mẫu súng ngắn tự chế kiểu thô sơ. Ông nói thêm rằng khẩu súng tạo ra đám khói trắng lớn, trong khi súng ngắn và súng săn thông thường có rất ít khói.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/the-gioi/luat-kiem-soat-sung-dan-tai-nhat-ban-164291.html