Luật Kinh doanh bất động sản mới: Chấm dứt tranh cãi về quy định mọi giao dịch phải qua sàn

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với nhiều quy định mới so với Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

Theo đó, Luật Kinh doanh bất động sản mới đã loại bỏ quy định giao dịch bất động sản thông qua sàn. Thay vào đó, các bên tự lựa chọn giao dịch qua sàn nếu thấy có lợi ích.

Như vậy, tranh cãi có nên bắt buộc giao dịch bất động sản thông qua sàn đã chính thức kết thúc.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Trung Tuấn, chuyên gia bất động sản cho rằng: Trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã đề xuất mọi giao dịch bất động sản phải thông qua sàn.

 Luật Kinh doanh bất động sản mới đã loại bỏ quy định giao dịch bất động sản thông qua sàn. Thay vào đó, các bên tự lựa chọn giao dịch qua sàn nếu thấy có lợi ích. (Ảnh: RT)

Luật Kinh doanh bất động sản mới đã loại bỏ quy định giao dịch bất động sản thông qua sàn. Thay vào đó, các bên tự lựa chọn giao dịch qua sàn nếu thấy có lợi ích. (Ảnh: RT)

Theo ông Tuấn, việc Bộ Xây dựng đưa ra đề xuất này là có cơ sở. Bởi, khi giao dịch qua sàn, các sàn sẽ có nhiệm vụ thẩm định, thẩm tra tính pháp lý dự án. Như vậy, người mua đất, mua nhà có thể an tâm hơn, quyền lợi được đảm bảo, tránh mua nhầm "dự án ma", không đầy đủ pháp lý.

Tuy nhiên, việc giao dịch qua sàn cũng nảy sinh ra bất cập, như việc giá bất động sản sẽ tăng, vì phải giao dịch qua bên thứ 3. Quy định này được thông qua cũng vô tình trao “quyền lực” cho các sàn giao dịch.

“Tôi cho rằng, việc Luật Kinh doanh bất động sản mới loại bỏ đề xuất giao dịch bất động sản qua sàn là hợp lý”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh quy định nêu trên, Luật Kinh doanh bất động sản còn có nhiều quy định mới so với Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

Đơn cử như trong thanh toán kinh doanh bất động sản, Luật quy định chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhận tiền thanh toán phải thông qua ngân hàng; cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ, tổ chức, cá nhân bán nhà ở, công trình xây dựng không nhằm mục đích kinh doanh hoặc dưới mức quy mô nhỏ thì không bắt buộc qua ngân hàng.

Quy định này nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW: Hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản.

Luật Kinh doanh bất động sản mới còn siết chặt điều kiện chuyển nhượng toàn bộ/một phần dự án bất động sản.

Cụ thể, điều kiện chuyển nhượng toàn bộ/một phần dự án bất động sản: Chủ đầu tư chuyển nhượng phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các loại thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai của dự án, phần dự án chuyển nhượng.

Như vậy, luật mới siết chặt điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản, quy định bên chuyển nhượng phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; không ghi nhận việc các bên thỏa thuận để bên nhận chuyển nhượng tiếp tục hoàn thành nghĩa vụ tài chính như kiến nghị của nhiều chuyên gia.

Ngoài ra, Luật Kinh doanh bất động sản mới còn đề cập tới thủ tục đất đai nếu bên nhận chuyển nhượng dự án bất động sản là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Trường hợp bên nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, sau khi có quyết định cho phép chuyển nhượng và các bên đã ký hợp đồng chuyển nhượng thì thực hiện thủ tục về đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điểm này khắc phục được nhược điểm của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 là bên chuyển nhượng phải trả lại đất cho Nhà nước để Nhà nước giao đất cho bên nhận chuyển nhượng.

Chỉnh lý dự thảo dẫn chiếu đến Luật Đất đai (sửa đổi) để bảo đảm đồng bộ. Luật Đất đai (sửa đổi) đang dự thảo theo hướng bên nhận chuyển nhượng được kế thừa các quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng, không phải thu hồi/giao đất, tính lại tiền sử dụng đất...

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/luat-kinh-doanh-bat-dong-san-moi-cham-dut-tranh-cai-ve-quy-dinh-moi-giao-dich-phai-qua-san-post275037.html