Luật Nhà giáo: Gieo chữ bằng pháp quyền

Luật Nhà giáo không chỉ lấp đầy khoảng trống pháp lý, mà còn đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tiến trình chuyên nghiệp hóa nghề giáo tại Việt Nam.

Việc thực hiện tốt Luật Nhà giáo là bước đi thiết thực để nâng cao chất lượng giáo dục. (Ảnh: Phạm Thanh Thủy)

Việc thực hiện tốt Luật Nhà giáo là bước đi thiết thực để nâng cao chất lượng giáo dục. (Ảnh: Phạm Thanh Thủy)

Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, việc kiến tạo một môi trường pháp lý minh bạch, hiện đại và đầy đủ cho đội ngũ nhà giáo là lời cam kết mạnh mẽ của Nhà nước đối với những người gánh vác sứ mệnh “trồng người”.

Trước năm 2025, dù vai trò của nhà giáo luôn được nhấn mạnh trong các văn bản pháp luật, Việt Nam vẫn chưa có một đạo luật chuyên biệt điều chỉnh toàn diện về nhà giáo. Vì vậy, việc Quốc hội khóa XV thông qua Luật Nhà giáo (6/2025) là cột mốc quan trọng trong tiến trình thể chế hóa chiến lược phát triển con người. Đây không chỉ là đạo luật về nghề nghiệp, mà còn là sự khẳng định sâu sắc về giá trị và vai trò của người thầy trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Chuyên nghiệp hóa nghề giáo

Luật Nhà giáo không chỉ bổ sung khoảng trống pháp lý lâu nay, mà còn mở ra kỷ nguyên mới cho sự chuyên nghiệp hóa nghề giáo tại Việt Nam.

Trước hết, luật khẳng định vị thế pháp lý độc lập của nhà giáo. Lần đầu tiên, nhà giáo được đưa ra khỏi “cái bóng” của Luật Viên chức và Luật Giáo dục để trở thành đối tượng điều chỉnh riêng biệt. Đây là bước tiến lớn về mặt thể chế, thể hiện cách nhìn nhận giáo dục không chỉ là dịch vụ công, mà là lĩnh vực đặc thù đòi hỏi chuẩn mực cao về đạo đức, năng lực và tinh thần cống hiến. Nhà giáo không đơn thuần là “người truyền đạt kiến thức”, mà là chủ thể trung tâm của hệ sinh thái phát triển con người.

Thứ hai, luật thể hiện bước đột phá trong chính sách bảo vệ và đãi ngộ nhà giáo. Trong bối cảnh nghề giáo ngày càng đối mặt với áp lực từ xã hội, truyền thông và kỳ vọng cộng đồng, việc quy định rõ trách nhiệm bảo vệ danh dự, nhân phẩm của nhà giáo là điểm nhấn nhân văn sâu sắc. Đồng thời, luật mở rộng chính sách phụ cấp theo đặc thù nghề nghiệp, vùng miền, điều kiện làm việc và hoàn cảnh gia đình. Việc xác lập vị trí lương cao nhất cho nhà giáo trong khối hành chính - sự nghiệp là sự khẳng định mạnh mẽ rằng: Tôn vinh người thầy không thể chỉ dừng ở lời nói.

Thứ ba, Luật Nhà giáo đặt trọng tâm vào phát triển nghề nghiệp liên tục, thay vì mô hình “học một lần cho cả đời” trước đây. Chuẩn nghề nghiệp không còn mang tính hình thức mà được định hình như công cụ quản trị chất lượng đội ngũ. Nhà giáo được quyền học tập suốt đời, khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và đổi mới phương pháp giảng dạy. Qua đó, hình thành đội ngũ giáo viên chủ động học hỏi, sáng tạo và thích ứng.

Thứ tư, luật phần nào tiệm cận các chuẩn mực quốc tế về nghề giáo. Giáo viên giờ đây không những “đứng lớp” mà còn dẫn dắt học sinh khám phá thế giới, hình thành nhân cách, nuôi dưỡng khát vọng.

Vượt qua thách thức, tạo dựng niềm tin

Tuy nhiên, quá trình đưa luật vào thực tiễn vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức.

Thứ nhất, nhiều quy định trong luật gắn chặt với các chính sách về tiền lương, ngân sách và tài chính công – vốn hiện nay đang chịu sự điều chỉnh của các hệ thống pháp luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Viên chức và các quy định về cải cách tiền lương chưa hoàn thiện. Điều này khiến cho một số chính sách đãi ngộ và hỗ trợ trong luật khó triển khai trong thực tiễn.

Thứ hai, năng lực tổ chức thực thi luật tại nhiều địa phương còn chưa đồng đều, nhất là ở cấp xã – nơi trực tiếp quản lý các trường học phổ thông và mầm non. Nếu không có hướng dẫn cụ thể, tập huấn đầy đủ và cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ, luật có nguy cơ rơi vào tình trạng “trên nóng - dưới lạnh” .

Cuối cùng, một số nội dung quan trọng như quy trình đánh giá chuẩn nghề nghiệp, chính sách bồi dưỡng chuyên môn hay cơ chế điều động, luân chuyển nhà giáo vẫn còn mang tính khung và cần được cụ thể hóa bằng các nghị định, thông tư hướng dẫn.

Để Luật Nhà giáo thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Đầu tiên, cần sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các nghị định về chế độ lương, tuyển dụng, đánh giá chuẩn nghề nghiệp và bồi dưỡng chuyên môn.

Song song với đó, cần tổ chức tập huấn sâu rộng, bài bản cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, hiệu trưởng, giáo viên và cơ quan quản lý cấp huyện, xã, nhằm nâng cao nhận thức về tinh thần cải cách mà luật hướng tới: đặt nhà giáo ở vị trí trung tâm, phát triển năng lực nghề nghiệp, tăng cường tính tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.

Một giải pháp nền tảng là xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa toàn diện về đội ngũ nhà giáo, từ hồ sơ chuyên môn, kết quả đánh giá định kỳ đến quá trình bồi dưỡng, thuyên chuyển. Dữ liệu cần được cập nhật thường xuyên, kết nối liên thông, bảo đảm tính minh bạch, hiện đại và hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò phản biện, giám sát chính sách từ các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đặc biệt là hiệp hội nhà giáo. Thực tiễn từ đội ngũ giáo viên sẽ giúp chính sách tiệm cận hơn với nhu cầu thực tế.

Cuối cùng, việc thực thi luật cần gắn với lộ trình cải cách tiền lương và cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên. Chính sách sẽ khó phát huy nếu nhà giáo vẫn đối mặt với thu nhập thấp, thiếu nhà công vụ, áp lực nghề nghiệp lớn mà chưa có cơ chế hỗ trợ phù hợp. Cần có ưu tiên đặc biệt đối với giáo viên mầm non, giáo viên vùng sâu, vùng xa – nơi đang gặp khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân nhân lực có chất lượng.

Việc thực hiện tốt Luật Nhà giáo là bước đi thiết thực để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo dựng niềm tin xã hội và truyền cảm hứng cho những thế hệ thầy cô tương lai.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/luat-nha-giao-gieo-chu-bang-phap-quyen-319772.html