Luật phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi: Thanh niên là đối tượng trọng tâm

Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật trước kỳ họp Quốc hội khóa XV của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, đa số các đại biểu đều đồng tình với các nội dung trong dự thảo Luật phòng, phống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Bên cạnh đó, một số quy định liên quan đến các giải pháp giáo dục người trong gia đình kiểm soát được các hành vi bạo lực của mình; trách nhiệm của cơ quan tố tụng, trách nhiệm người có hành vi bạo lực gia đình, các thành viên trong gia đình được các đại biểu góp ý bổ sung hoàn thiện.

Trong quy định hành vi bạo lực gia đình, các đại biểu đề nghị cần giải thích rõ hành vi cưỡng ép thành viên trong gia đình “học tập, lao động quá sức” và hành vi “kiểm soát thu nhập của các thành viên trong gia đình”; đồng thời mở rộng thêm chủ thể như người nước ngoài cư trú tại Việt Nam và người quan hệ đồng giới. Bên cạnh đó, việc xây dựng các chương trình tư vấn giáo dục hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, tư vấn pháp lý về hôn nhân gia đình cũng cần được đẩy mạnh song song với luật.

Ông ĐỖ MẠNH TUẤN - Khoa Sư Phạm - Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương: "Nguyên tắc của luật này là phòng quan trọng hơn chống nên chúng ta phải nâng cao sự hiểu biết, trách nhiệm của những người sắp kết hôn; nâng cao nhận thức của cả cộng đồng và chúng ta xác định luôn thanh niên là đối tượng trọng tâm".

Theo Phòng Cảnh sát Hình sự, công an tỉnh Bình Dương, việc ngăn chặn, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình là điều cần thiết. Do đó, cần giao thẩm quyền cho công an xã có trách nhiệm đưa người vi phạm đến trụ sở, thay vì cho thời gian người bạo lực đến trụ sở trình diện trong 6 tiếng.

Thiếu tá VÕ VĂN SƠN, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương: "Cơ quan công an yêu cầu mà người này có thời gian quá dài, nếu họ không chấm dứt ngay thì họ có thể tái diễn lại hành vi bạo lực. Điều này tạo nên sự khó khăn trong việc mời, ngăn chặn, chấm dứt hành vi bạo lực. Thậm chí người đang bị bạo hành sẽ tiếp tục bị bạo hành".

Ngoài trách nhiệm giáo dục, thực hiện các biện pháp về phòng chống bạo lực gia đình, các thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm báo tin với cơ quan chức năng khi xảy ra hành vi bạo lực.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/luat-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-sua-doi-thanh-nien-la-doi-tuong-trong-tam