Luật quy định ra sao về việc bồi thường thay?

Trước ngày xét xử phúc thẩm Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm, có một người bạn làm ăn chung tên Lê Viết An đồng ý thay các bị cáo bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại gần 2500 tỉ đồng

Trong phiên xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Thái Luyện (CEO Công ty CP Địa ốc Alibaba) cùng đồng phạm có một tình tiết là có người chấp nhận nộp thay cho bị cáo Nguyễn Thái Luyện gần 2500 tỉ đồng để bồi thường cho các bị hại trong vụ án này.

Nhân vật “bí ẩn” này tên Lê Viết An. Ông An có đơn đề nghị cấp phúc thẩm xem xét để ông thay thế Luyện khắc phục hậu quả. Đổi lại, quyền sở hữu bất động sản của Alibaba đang bị kê biên trong vụ án sẽ được chuyển cho ông. Tuy nhiên, dù tòa đã có thư mời nhưng ông An không có mặt. Mới đây, ông Lê Viết An đã rút đơn đề nghị bồi thường thay.

Liên quan đến vấn đề này, theo pháp luật Việt Nam và trong thực tiễn xét xử, việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại là do tự bị can, bị cáo nộp hoặc tác động, nhờ gia đình hay bạn bè nộp thay.

CEO Alibaba Nguyễn Thái Luyện. Ảnh: Ngọc Nga

CEO Alibaba Nguyễn Thái Luyện. Ảnh: Ngọc Nga

Việc này vẫn được xem xét khi lượng hình đối với bị can, bị cáo, có thể áp dụng tình tiết "đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả" khi mức sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả chiếm một tỉ lệ đáng kể so với toàn bộ thiệt hại mà họ đã gây ra.

Khi điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải căn cứ vào ý thức, thái độ tự nguyện của người phạm tội, hiệu quả của việc sửa chữa, khắc phục hậu quả cũng như thiệt hại thực tế, mức độ bồi thường thiệt hại để xem xét việc giảm hoặc miễn trách nhiệm hình sự cho họ.

Ở đây, Nguyễn Thái Luyện bị điều tra, truy tố và xét xử, về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là tội không phải khởi tố dựa theo yêu cầu của bị hại và loại tội này là cấu thành vật chất, tức là cấu thành tội phạm có dấu hiệu, hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Tội phạm hoàn thành là khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản.

Cho nên, tội phạm của các bị cáo trong vụ án này đã hoàn thành, việc bồi thường, khắc phục hậu quả cho các bị hại, chỉ được xem xét khi đã thực hiện xong, trước khi nghị án, tuyên án; để được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 51 BLHS.

Trong phiên xét xử, chủ tọa thông báo trước ngày xét xử phúc thẩm có một người bạn làm ăn chung với Luyện là ông Lê Viết An đồng ý thay các bị cáo bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại gần 2500 tỉ đồng trong vụ án cho tất cả các bị hại.

Điều kiện ông An đưa ra là tòa phải công nhận thỏa thuận này và giải tỏa kê biên các bất động sản giao lại cho ông.

Bị cáo Luyện cũng đã có văn bản đồng ý với các nội dung trên với điều kiện phải chịu trách nhiệm toàn bộ thiệt hại của những người đã mua đất, đầu tư vào Alibaba.

Vấn đề này, HĐXX cho biết đã làm việc với ông An, đồng ý cho ông khắc phục thiệt hại thay cho các bị cáo. Tuy nhiên, việc công nhận thỏa thuận của các bên là một quan hệ dân sự nằm ngoài phạm vi vụ án. Do đó, văn bản thỏa thuận này chỉ là thỏa thuận giữa 2 bên và chưa có giá trị pháp lý với người bị thiệt hại trong vụ án này.

Đã rút đề nghị

Liên quan đến "bạn làm ăn" tên Lê Viết An có đơn đề nghị thay vợ chồng Nguyễn Thái Luyện khắc phục gần 2.500 tỉ đồng thiệt hại trong vụ án, bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) xác nhận có quen biết với ông An. Theo bị cáo Mai, người này vừa là bạn vừa là nhà đầu tư của Công ty Alibaba.

Tuy nhiên, đến nay ông Lê Viết An đã rút đơn đề nghị trả thay gần 2.500 tỉ đồng. Bị cáo Mai khai với tòa lý do ông An rút đơn vì cảm thấy số tiền phải ra số tiền phải bỏ ra để khắc phục hậu quả thay vợ chồng bị cáo lớn trong khi rủi ro lại rất cao.

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phap-luat/luat-quy-dinh-ra-sao-ve-viec-boi-thuong-thay-20230511120008981.htm