Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi góp phần thúc đẩy sự sáng tạo

Sáng 16/6, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã có cuộc trao đổi riêng với phóng viên báo Tin tức xung quanh việc thực hiện Luật đã sửa đổi này.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN

Thưa Bộ trưởng, những điểm sửa đổi nổi bật trong Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) lần này là gì? Tại sao lại sửa đổi như vậy?

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Luật sửa đổi, bổ sung 102 Điều của Luật SHTT hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT được thể hiện qua 7 nhóm chính sách lớn, với một số quy định cụ thể như sau:

Chính sách 1: Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan. Điểm nổi bật của Luật là quy định cho phép chuyển quyền sử dụng một số quyền nhân thân theo thỏa thuận (ví dụ thỏa thuận đặt tên tác phẩm) phù hợp với đặc thù của lĩnh vực quyền tác giả nhằm giải quyết những vướng mắc tồn tại trong thực tiễn thời gian qua như trường hợp có nhu cầu thay đổi tên tác phẩm, sửa đổi, nâng cấp chương trình máy tính...

Chính sách 2: Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ ngân sách Nhà nước. Luật quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì trực tiếp tại Luật (và trở thành chủ sở hữu khi các đối tượng này được cấp văn bằng bảo hộ); đồng thời bổ sung các quy định để Nhà nước vẫn kiểm soát để đảm bảo việc khai thác có hiệu quả và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa tổ chức chủ trì và lợi ích của nhà nước với tư cách là “chủ đầu tư” và lợi ích xã hội.

Có thể thấy các quy định liên quan đến việc xác định quyền sở hữu, quyền khai thác đối với các nghiên cứu khoa học do Nhà nước đầu tư vốn được quy định rõ ràng và chi tiết hơn, nhằm mục đích khuyến khích, biến các kết quả nghiên cứu thành các tài sản được bảo hộ quyền SHTT (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí), tạo tiền đề để khai thác thương mại đối với các tài sản này trên thị trường được hiệu quả hơn.

Chính sách 3: Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Theo đó, dù là quyền được xác lập tự động mà không qua đăng ký (trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan) hay phải đăng ký (lĩnh vực sở hữu công nghiệp), thì các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ... tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch để khuyến khích, gia tăng hoạt động đăng ký, xác lập quyền SHTT nhằm tạo cơ sở, bằng chứng vững chắc trong việc xác định chủ thể quyền và đối tượng được bảo hộ, làm tiền đề cho việc khai thác quyền cũng như thực thi quyền sau này.

Chính sách 4: Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền SHTT. Các nội dung sửa đổi liên quan đến cả 3 lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng, trong đó phải kể đến việc bổ sung một số trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, các giới hạn quyền tác giả, quyền liên quan nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ thể quyền tác giả với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ tiếp cận tác phẩm; việc bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát sáng chế có sử dụng nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen; bổ sung một số căn cứ chấm dứt hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ; xử lý xung đột giữa nhãn hiệu với tên giống cây trồng, với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan...

Chính sách 5: Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT. Các nội dung sửa đổi nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hệ thống SHTT (bao gồm hoạt động đại diện, giám định), cụ thể là sửa đổi, bổ sung một số quy định theo hướng mở hơn nhằm tạo tính cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ đại diện (phân chia đại diện theo lĩnh vực; nới lỏng điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề đại diện tùy theo lĩnh vực); sửa đổi quy định về giám định theo hướng xác định rõ phạm vi giữa giám định SHTT với giám định tư pháp về SHTT; làm rõ ý nghĩa mang tính chứng cứ của kết luận giám định SHTT.

Chính sách 6: Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT. Các quy định liên quan đến bảo vệ quyền được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền SHTT được hiệu quả hơn, trong đó đáng chú ý là quy định bổ sung thẩm quyền chủ động áp dụng biện pháp kiểm soát tại biên giới nếu trong quá trình kiểm tra, giám sát và kiểm soát cơ quan hải quan phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất, nhập khẩu là hàng giả mạo SHTT.

Chính sách 7: Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập. Một số quy định sửa đổi, bổ sung cần quan tâm là quy định liên quan đến biện pháp công nghệ bảo vệ quyền và thông tin quản lý quyền để đảm bảo thực thi trong môi trường số; về quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường mạng internet và mạng viễn thông; về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; về cơ chế bảo đảm thông tin cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường đối với dược phẩm; nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu bí mật trong đơn xin cấp phép nông - hóa phẩm; cơ chế đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm;...

Một trong những vấn đề lớn mà Chính phủ xin ý kiến Quốc hội là việc thu hẹp hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử phạt vi phạm hành chính. Xin Bộ trưởng cho biết việc không thu hẹp hành vi bị xử phạt sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì trong thời gian tới?

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Bảo vệ quyền SHTT hiệu quả là một trong các mục tiêu quan trọng của hệ thống pháp luật SHTT của bất kỳ nước nào trên thế giới. Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia gần đây như CPTPP, EVFTA, RCEP ngày càng có nhiều các cam kết cao hơn về bảo vệ quyền SHTT.

Dự thảo Luật SHTT do Chính phủ trình Quốc hội xin ý kiến có đề xuất 2 phương án, trong đó có phương án thu hẹp hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử phạt vi phạm hành chính. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan soạn thảo đã đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành và không thu hẹp hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử phạt hành chính. Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, việc không thu hẹp hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử phạt hành chính sẽ không làm ảnh hưởng đáng kể đến thực tiễn bảo vệ quyền SHTT của các chủ thể có quyền SHTT cũng như không gây xáo trộn hoặc thay đổi hệ thống bảo vệ quyền SHTT do hiện nay phần lớn các hành vi xâm phạm quyền SHTT được xử lý bằng biện pháp hành chính.

Với những điều trong Luật được thông qua, ở trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có kế hoạch thực hiện ra sao và sẽ có hướng dẫn cụ thể gì trong thời gian tới để Luật được áp dụng một cách hiệu quả nhất?

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT được Quốc hội thông qua, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai một số hoạt động để phổ biến, hướng dẫn thi hành Luật, cụ thể là:

Tuyên truyền, phổ biến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hội thảo, tọa đàm đến các nhóm chủ thể liên quan như cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội, doanh nghiệp...

Thực hiện các thủ tục để xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo kế hoạch mà trước mắt là việc sửa đổi một số Nghị định của Chính phủ như Nghị định số 103/2006/NĐ-CP về sở hữu công nghiệp, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP về quản lý nhà nước và bảo vệ quyền SHTT...

Bộ Khoa học và Công nghệ kỳ vọng rằng Luật SHTT sau khi được sửa đổi, bổ sung sẽ mang lại những thay đổi tích cực hơn nữa, góp phần tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy các tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các đối tượng quyền SHTT, qua đó thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp nói riêng và cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Lê Vân (thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/luat-so-huu-tri-tue-sau-khi-sua-doi-gop-phan-thuc-day-su-sang-tao-20220615233127874.htm