Luật sư chia sẻ về tình huống pháp lý vụ nam Tiktoker tố bị chủ quán phở đuổi vì ngồi xe lăn

Câu chuyện V.M.L - một Tiktoker khá nổi tiếng tố 'bị đuổi khỏi quán vì ngồi xe lăn' khi đi ăn phở đã dậy sóng mạng xã hội những ngày qua. Theo TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ thông tin vụ việc là rất cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan, bảo vệ môi trường kinh doanh và uy tín của cơ sở kinh doanh cũng như quyền lợi của người khuyết tật theo quy định pháp luật.

Bài đăng Tiktoker V.M.L tố bị đuổi khỏi quán ăn vì ngồi xe lăn. Ảnh chụp màn hình

Bài đăng Tiktoker V.M.L tố bị đuổi khỏi quán ăn vì ngồi xe lăn. Ảnh chụp màn hình

Toàn cảnh vụ Tiktoker tố “bị đuổi khỏi quán ăn vì ngồi xe lăn”

Trong bài đăng, L. viết rằng mình đã đến hai quán ăn. Ở quán đầu tiên, một nhân viên của quán đã nói "Quán em không có nhân viên để khiêng người như anh", còn ở quán phở thứ 2 thì anh bị mắng là "Ai nhận cái ngữ này vào đây ăn?". Bài viết của nam Tiktoker đã khiến cộng đồng "dậy sóng", chỉ trích hành động miệt thị người khuyết tật của 2 quán ăn này.

Tuy nhiên, chủ của quán ăn phố Nam Ngư (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) phủ nhận chuyện mình đuổi khách. Chủ quán phân trần, ban đầu, xe lăn đến thì đi vào đằng sau lưng bà. Chủ quán mới nói giờ chật thế này làm sao bán được hàng, đồng thời đề nghị nam thanh niên sang ngồi bên kia uống cốc nước cho thoải mái và sẽ có người bê phở sang đó.

“Chỗ bán hẹp như này, cả cái xe anh ấy ngồi bên cạnh tôi làm sao tôi bán được. Mọi chuyện sau đó vẫn bình thường, vui vẻ. Chú ấy ăn rồi vẫn tươi cười đi ra mà. Trước vẫn bán cho chú ấy hay ăn tối, không có gì hết. Bao giờ chú ấy cũng ngồi đầu bàn này, con dâu tôi bán", chủ quán cho biết.

Bà cũng khẳng định mình không nói câu "Ai nhận cái ngữ này vào đây ăn?" mà Tiktoker kia nhắc đến trong bài viết.

Trong khi đó, tối 15/1, trong một video, L. tường thuật chi tiết sự việc. Theo đó, L. cho biết ở quán đầu tiên, sự việc xảy ra như mình viết. "Khi nhờ nhân viên hỗ trợ bê mình lên bậc tam cấp thì các bạn nhân viên nói rằng: "Hiện tại bên em không có người hỗ trợ khiêng mình lên trên đấy", L. kể.

Ở quán phở thứ 2, L. cho biết thêm những lần trước mình có gặp chị trẻ hơn bán phở thì các bạn nhân viên niềm nở, chị này cũng cho L. ngồi ngay chỗ bán phở vì chỗ ấy mới vừa xe lăn của anh. Nhưng lần này thì gặp cô chủ già hơn, khi đến quán thì cô bảo rằng "2 đứa ngồi quán nước đi, mua nước rồi cô cho người mang phở sang". Lúc đó, L. không muốn vì ăn phở xong cũng sẽ đi uống nước.

L. kể "cô chủ quán bắt đầu khó chịu", "quát mắng nhân viên các kiểu", rồi nói “Ngồi đây làm sao tôi có thể làm phở được”. Tuy hiên, trong đoạn video này, L. không nhắc đến hai câu nói là "quán em không có nhân viên để khiêng người như anh" (quán đầu tiên) hay "ai nhận cái ngữ này vào đây ăn?” (quán phở thứ 2) mà mình đã viết trong bài đăng.

Hình ảnh của Tiktoker V.M.L và bạn gái tại quán phở. Ảnh Facebook nhân vật

Hình ảnh của Tiktoker V.M.L và bạn gái tại quán phở. Ảnh Facebook nhân vật

Liên quan đến sự việc, sáng 15/1, đại diện Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, đơn vị đang tiến hành xác minh thông tin một Tiktoker chia sẻ trên mạng xã hội về việc đi ăn tại quán phở nhưng "bị đuổi vì… ngồi xe lăn".

Tình huống pháp lý

TS.Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng với những thông tin về việc người khuyết tật bị kỳ thị ở 2 quán phở Hà Nội đang lan truyền trên mạng xã hội thì việc cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ thông tin vụ việc là rất cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan, bảo vệ môi trường kinh doanh và uy tín của cơ sở kinh doanh cũng như quyền lợi của người khuyết tật theo quy định pháp luật, bảo đảm môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh và văn minh.

Kết quả xác minh của cơ quan chức năng là căn cứ để xác định bên nào vi phạm và sẽ áp dụng chế tài cho phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy có hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật thì người thực hiện hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại khoản 1, Điều 11 Nghị định 130/2021/NĐ-CP.

Còn trường hợp kết quả xác minh cho thấy thông tin mà người khuyết tật đưa ra trên không gian mạng là không đúng sự thật thì cá nhân người đưa thông tin sai sự thật nên không gian mạng cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.

Trường hợp đưa thông tin sai sự thật gây thiệt hại đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì người đưa thông tin còn phải bồi thường thiệt hại đối với những thiệt hại đã gây ra.

Trong một số trường hợp hành vi vu khống, bịa đặt, với ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân thì người thực hiện hành vi vu khống còn có thể bị xử lý hình sự.

Ngoài ra, trong một số trường hợp nếu người nào biết rõ thông tin là không đúng sự thật nhưng vẫn loan tin, bịa chuyện, tố cáo tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến danh dự uy tín của cá nhân, uy tín kinh doanh của doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống, tội đưa thông tin trái phép trên mạng internet, tội lợi dụng quyền tự do dân chủ... tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể.

TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ảnh: NVCC

TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ảnh: NVCC

TS.Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì "người khuyết tật" là người yếu thế trong xã hội, cần có sự bảo vệ, hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, của cộng đồng xã hội.

Theo đó, Luật Người khuyết tật quy định: "Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn". Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật.

Luật Người khuyết tật cũng quy định: "Kỳ thị người khuyết tật là thái độ khinh thường hoặc thiếu tôn trọng người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó"; "Phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó".

Điều 14 Luật Người khuyết tật quy định nghiêm cấm các hành vi: Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật; Xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật; Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội; Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; Người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định của pháp luật; Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật; Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật.

“Trong nhiều năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến người khuyết tật, cơ chế chính sách pháp luật bảo vệ người khuyết tật được thực hiện rất đầy đủ và nghiêm túc. Bảo vệ người khuyết tật không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là vấn đề đạo đức xã hội. Những hiện tượng kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật rất hiếm khi xảy ra trong đời sống xã hội, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội.

Bởi vậy, thông tin về việc người khuyết tật bị từ chối phục vụ ở 2 quán phở Hà Nội là thông tin khá bất ngờ. Có lẽ nhiều người sinh sống làm việc ở Hà Nội sẽ không tin vào thông tin này, bởi người Hà Nội hiếu khách, các cửa hàng kinh doanh thì ít khi có hiện tượng chặt chém và từ trước đến nay gần như chưa có vụ việc nào là kỳ thị đối với người khuyết tật.

Tuy nhiên, người đưa thông tin là người có nhiều người theo dõi, có sức ảnh hưởng trên không gian mạng nên thông tin này đang lan tỏa nhanh chóng trên không gian mạng dẫn đến những quan điểm khác nhau. Những thông tin trên cũng đã ảnh hưởng phần nào đến uy tín và hoạt động kinh doanh của quán phở và một số cơ sở kinh doanh ở Hà Nội, ảnh hưởng đến môi trường du lịch và văn hóa ứng xử trong cộng đồng.

Gần đây thì chủ quán phở đã lên tiếng, trích xuất camera cho thấy người khuyết tật vẫn được phục vụ đầy đủ và hoàn toàn không có việc kỳ thị, phân biệt đối xử khiến dư luận lại càng quan tâm và mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để sớm làm sáng tỏ thông tin trên mạng xã hội về sự việc này…”, TS.Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Cũng theo TS.Luật sư Đặng Văn Cường, nếu thông tin này không sớm được làm sáng tỏ có thể ảnh hưởng đến nhận thức văn hóa của nhiều người, có tác động tiêu cực đến đạo đức xã hội.

"Thời gian qua xảy ra không ít trường hợp những Tiktoker, YouTuber vì muốn câu view, câu like... muốn tăng lượng tương tác, thu lợi bất chính từ các nhà mạng nên đã đưa thông tin sai sự thật bất chấp đạo đức xã hội để trục lợi làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều tổ chức cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Không ít người vì đưa thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác đã bị xem xét xử lý bằng chế tài hành chính hoặc hình sự.

Vụ việc này sẽ là bài học cho nhiều người về văn hóa ứng xử, về trách nhiệm cá nhân trên không gian mạng và hiểu biết hơn về những quy định của pháp luật có liên quan đến lĩnh vực này", TS.Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/luat-su-chia-se-ve-tinh-huong-phap-ly-vu-nam-tiktoker-to-bi-chu-quan-pho-duoi-vi-ngoi-xe-lan-367156.html