Luật sư Đỗ Đức Dục: Nhà trí thức cách mạng
NGUYỄN TÚC - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt NamLuật sư Đỗ Đức Dục là người thầy, nhà trí thức cách mạng, nhà báo, nhà lý luận, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam. Những tác phẩm dịch của dịch giả Đỗ Đức Dục là món ăn tinh thần quý giá và mang ý nghĩa to lớn đối với nhận thức xã hội. Những cống hiến của nhà văn Đỗ Đức Dục trong quá khứ luôn vẹn nguyên giá trị trong nghiên cứu, dịch thuật, sáng tác, tuyên truyền, giáo dục và sự tiếp biến văn hóa.
Trí thức yêu nước, cách mạng với hiểu biết uyên thâm trên nhiều lĩnh vực
Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận họp tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 31.1 đến 4.2.1977 đã quyết định thống nhất các tổ chức Mặt trận hai miền thành một Mặt trận chung lấy tên là MTTQ Việt Nam. Đại hội thông qua Cương lĩnh, điều lệ và chương trình hành động, trong đó có đề ra một nhiệm vụ là xây dựng bộ sử về Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.
Để triển khai công việc, Ban Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quyết định thành lập Tiểu ban biên soạn với yêu cầu: Trong khi chờ đợi có một nghiên cứu đầy đủ, có luận cứ khoa học về vị trí, vai trò, tính chất của Mặt trân dân tộc thống nhất cũng như những chiến công của Mặt trận từ ngày được thành lập đến nay, trước mắt cần xây dựng cuốn “Sơ lược lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam”.
Thực hiện quyết định trên, dưới sự chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận - Mặt trận Trung ương Xuân Thủy và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Quốc Việt, tiểu ban biên soạn được thành lập gồm nhiều nhà sử học có tên tuổi, cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ. Trong đó có Luật sư Đỗ Đức Dục, người có thâm niên trong công tác Mặt trận, từng giữ chức Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Ủy viên Ủy ban toàn quốc Mặt trận Liên Việt và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Với vai trò là “người trong cuộc”, “một nhân chứng lịch sử”, một nhà báo thuộc thế hệ tiền bối từng viết nhiều về hoạt động của Mặt trận Việt Minh và Liên Việt, Luật sư Đỗ Đức Dục đã có những đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành cuốn “Sơ lược lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất”. Và cũng qua một thời gian dài cùng làm việc, chúng tôi có điều kiện hiểu thêm về ông cũng như tài năng, đức độ của một trí thức yêu nước và cách mạng với sự hiểu biết uyên thâm trên nhiều lĩnh vực.
Đỗ Đức Dục sinh ngày 15.8.1915 tại xóm Trung, làng Xuân Tảo, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay là phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Sớm mồ côi cha, ông được người chú là Đỗ Uông - Y sĩ Đông Dương, từng là Giám đốc Nhà thương Cống Vọng, nay là Bệnh viện Bạch Mai, nuôi cho ăn học. Thuở nhỏ, ông học tại Trường Albert Sarraut - trường dành riêng cho con Tây và những gia đình giàu có, sau đó ông chuyển sang học tại Trường Bưởi, tức Trường Chu Văn An hiện nay. Tốt nghiệp tú tài, ông vào học khoa Luật thuộc Viện Đại học Đông Dương khóa 1935-1938 và tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu. Ra trường, ông chọn nghề dạy học làm nguồn kiếm sống. Lúc đầu ông dạy cho trường tư thục Thăng Long Hà Nội cùng Đặng Thái Mai, Võ Nguyên Giáp... Trường lúc đó do Giáo sư Hoàng Minh Giám làm Hiệu trưởng. Do trường trung học Vinh thiếu thầy, ông được nhà trường cử đi tăng cường cho trường Vinh. Khi tìm được người thay thế, ông trở lại giảng dạy tại trường tư thục Thăng Long.
Nhà báo, nhà lý luận, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam
Cùng với đam mê làm thầy, Đỗ Đức Dục còn say mê với làm báo. Thú vui viết báo của ông thể hiện từ lúc ông còn ngồi trên ghế nhà trường. Ông viết cho nhiều tờ báo thời đó, nhưng nhiều nhất là tờ Thanh Nghị. Đề tài ông viết cũng rất đa dạng, nhưng nhiều nhất vẫn là những vấn đề về kinh tế, chính trị, văn hóa Việt Nam và toàn xứ Đông Dương. Được tòa soạn tín nhiệm, lúc đầu Đỗ Đức Dục được cử làm Biên tập viên sau bổ nhiệm làm Thư ký Tòa soạn, rồi Chủ bút tờ Thanh Nghị - một trong những tờ báo nổi tiếng thời đó.
Ông cũng là thành viên tích cực của Hội Truyền bá chữ quốc ngữ do cụ Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng. Qua hoạt động trong Hội, Đỗ Đức Dục đã đến với Đảng Dân chủ - một thành viên quan trọng của Mặt trận Việt Minh. Ông được phân công làm Chủ bút, rồi Chủ nhiệm tờ Độc Lập - cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ. Với tư cách đảng viên Đảng Dân chủ, ông được cử đi dự Đại hội Quốc dân Tân Trào.
Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia làm Thư ký Đoàn văn nghệ Bắc Bộ, rồi Phó Chủ tịch Đoàn báo chí Việt Nam - tổ chức tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam.
Ngày 6.1.1946, tại cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, ông với tư cách Ủy viên Trung ương Đảng Dân chủ ra ứng cử tại Hà Đông và trúng cử với số phiếu tín nhiệm cao, được Đảng Dân chủ giao trọng trách cùng Tôn Quang Phiệt lãnh đạo 46 đảng viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội. Riêng ông được Quốc hội cử vào Ủy ban dự thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục.
Ngày 19.12.1946, toàn quốc kháng chiến, ông lên Việt Bắc và được Tổng bộ Việt Minh bầu làm Phó Bí thư.
Năm 1949, với cương vị Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc trường viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng. Đây là trường viết báo đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông Xuân Thủy - Chủ nhiệm Báo Cứu quốc, cơ quan Trung ương của Tổng bộ Việt Minh được cử làm Phó Giám đốc, các ông Đỗ Phồn và Tú Mỡ là các Ủy viên Thường trực phụ trách lớp học.
Với trọng trách Phó Chủ tịch Đoàn báo chí Việt Nam nhiệm kỳ 1945 - 1950, rồi Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam suốt 10 năm, 1950 - 1960, bằng uy tín, trí tuệ, kinh nghiệm và tâm huyết, Đỗ Đức Dục đã cùng Chủ tịch Xuân Thủy và Tổng thư ký Nguyễn Thành Lê góp phần to lớn vào việc xây dựng, phát triển Hội Nhà báo Việt Nam. Ông thực sự là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận báo chí, đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Nhắc đến Luật sư Đỗ Đức Dục, không thể không nhắc đến sự đóng góp của ông trong việc thành lập Hội Nhà văn Việt Nam.
Năm 1957, với trách nhiệm là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, ông được trao nhiệm vụ cùng các nhà văn có tên tuổi thời đó đứng ra vận động và thành lập Hội Nhà văn Việt Nam và ông vừa là sáng lập viên, vừa là hội viên đầu tiên của Hội.
Sau năm 1960, ông chuyển sang làm chuyên viên nghiên cứu văn học Pháp thuộc phòng văn học nước ngoài thuộc Viện Văn học của Ủy ban Khoa học xã hội. Như ông từng nói về cuộc đời mình: “Khởi đầu bằng văn học và kết thúc cũng bằng văn học”.
Rời khỏi chính trường, ông tập trung cho sự nghiệp văn học và đã có nhiều tác phẩm xuất sắc về lý luận văn học cũng như dịch thuật.
Có thể thấy, Luật sư Đỗ Đức Dục là người thầy, nhà trí thức cách mạng, nhà báo, nhà lý luận, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, là cán bộ lãnh đạo Mặt trận thuộc lớp tiền bối. Ông có những đóng góp quan trọng vào việc tập hợp, động viên, cổ vũ tầng lớp trí thức tiến bộ và các nhà tư sản dân tộc đi theo cách mạng dưới ngọn cờ đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông qua đời ngày 24.9.1993. Ghi nhận công lao của Luật sư đối với dân tộc, ngoài các Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, “Vì sự nghiệp Văn hóa", “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”, ông được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2001). Tên ông được đặt cho 2 đường phố của 2 thành phố lớn là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.