LUẬT SƯ GIANG VĂN QUYẾT: QUY ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM GIÁM SÁT, THANH TRA, KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG ĐẤU THẦU
Quan tâm đến dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật sư Giang Văn Quyết - Giám đốc Công ty Luật TNHH Tôi Yêu Luật nêu quan điểm: Trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần có quy định rõ trách nhiệm, trình tự thủ tục trong việc giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động đấu thầu.
DỰ THẢO LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI): RÀ SOÁT, ĐẢM BẢO THỐNG NHẤT, ĐỒNG BỘ VỚI CÁC LUẬT CHUYÊN NGÀNH
Dự kiến, dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ tiếp tục được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và nếu đủ điều kiện cũng sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023.
Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Luật sư Giang Văn Quyết - Giám đốc Công ty Luật TNHH Tôi Yêu Luật nhấn mạnh: Để đảm bảo, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về đấu thầu, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đối với hoạt động đấu thầu, trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần có quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở từng cấp; Trách nhiệm, trình tự thủ tục trong việc giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động đấu thầu.
Phóng viên: Thưa Luật sư, trong quá trình thực hiện cho thấy Luật Đấu thầu còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc. Luật sư có đánh giá như thế nào về việc sửa đổi Luật này trong bối cảnh hiện nay?
Luật sư Giang Văn Quyết: Tôi cho rằng, sau gần 9 năm áp dụng, Luật Đấu thầu năm 2013 đã có nhiều điểm không còn phù hợp với tình hình, bối cảnh mới, sự phát triển chung của xã hội.
Quá trình triển khai thi hành Luật Đấu thầu đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được Luật này quy định hoặc quy định chưa đầy đủ. Một số quy định của Luật Đấu thầu đã phát sinh vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải có quy định sửa đổi, bổ sung tháo gỡ kịp thời.
Bên cạnh đó, sau khi Luật Đấu thầu được ban hành, một số Luật liên quan đã sửa đổi hoặc có quy định khác so với Luật Đấu thầu. Điều đó đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Luật đầu thầu nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn, xung đột trong quá trình thi hành Luật này.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, góp phần công khai, minh bạch, tiết kiệm trong chống tiêu cực, sử dụng ngân sách Nhà nước. Đồng thời, đảm bảo hành lang pháp lý cho người thực hành luật, việc sửa đổi Luật đấu thấu theo tôi là cần thiết.
Phóng viên: Việc sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị triển khai hoạt động đấu thầu. Theo Luật sư, những nội dung sửa đổi nào đáng lưu ý, cần có sự điều chỉnh kịp thời trong dự án Luật lần này?
Luật sư Giang Văn Quyết: Việc xây dựng Luật Đấu thầu phải hướng tới sự kết hợp hài hòa giữa quản lý Nhà nước và quyền lợi của nhà thầu, nhà đầu tư. Xây dựng luật tạo cơ chế ngăn ngừa tham nhũng, hạn chế và loại trừ được tình trạng thất thoát, lãng phí vốn ngân sách nhà nước. Nhưng cũng phải đảm bảo cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân triển khai thực hiện hoạt động đấu thầu yên tâm trong công tác thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ, tránh tâm lý “sợ làm”; “không làm thì không vi phạm”.
Tôi cho rằng, các nội dung sửa đổi Luật đấu thầu lần này là rất rộng, gồm nhiều nhóm vấn đề. Tuy nhiên, một số nội dung đáng lưu ý, cần điều chỉnh kịp thời, trong dự thảo Luật lần này:
Thứ nhất, quy định chi tiết, rõ ràng các tiêu chí về hồ sơ mời thầu; đảm bảo tính cạnh tranh, tránh hiện tượng “cài cắm; đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào hoạt động đấu thấu để đảm bảo tính công khai, minh bạch, bao gồm cả việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu – đấu thầu.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu. Đặc biệt, trong trường hợp áp dụng đối với các gói thầu có các điều kiện đặc thù hoặc cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ví dụ như mua sắp trang thiết bị y tế, thuốc men như trường hợp dịch bệnh Covid -19 vừa qua.
Thứ ba, Luật sửa đổi lần này cần hướng đến việc đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu.
Ngoài ra, để đảm bảo, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đối với hoạt động đấu thầu, trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần có quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở từng cấp; Trách nhiệm, trình tự thủ tục trong việc giám sát thanh tra, kiểm tra hoạt động đấu thầu.
Phóng viên: Luật sư có kiến nghị, đề xuất như thế nào đối với cơ quan soạn thảo và thẩm tra trong việc hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới?
Luật sư Giang Văn Quyết: Tôi cho rằng, bất kỳ quy phạm pháp luật nào muốn đem lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội thì đều phải “mang hơi thở” từ chính cuộc sống. Do đó, cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần lắng nghe ý kiến góp ý, trao đổi của không chỉ từ các nhà làm luật, các chuyên gia mà còn cả từ những người hàng ngày đang thừa hành, chịu tác động trực tiếp từ các quy định pháp luật ấy.
Khi chúng ta xây dựng luật dựa trên cơ sở trả lời cho các câu hỏi giải quyết vướng mắc gì trong thực tiễn? khả năng thực hiện như thế nào? dự liệu phát sinh trong tương lai ra sao? Như vậy, luật đó mới trở nên chất lượng, tồn tại lâu dài trong cuộc sống. Thực tế, đã có quy định pháp luật ban hành không giải quyết vấn đề gì hoặc ban hành để giải quyết vướng mắc nhưng không quy định đó lại không thể thực hiện được.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=73117