Luật sư 'hiến kế' làm rõ ồn ào từ thiện của Phạm Thoại và mẹ bé Bắp
Chuyên gia pháp lý có những phân tích liên quan đến tính minh bạch trong hoạt động kêu gọi từ thiện của TikToker Phạm Thoại, mẹ bé Bắp được dư luận quan tâm.
Trục lợi từ thiện có thể bị xử lý hình sự
Bàn về vấn đề pháp lý vụ việc TikToker Phạm Thoại và chị Lê Thị Thu Hòa (27 tuổi, trú tại Bình Thuận) kêu gọi ủng hộ tiền chữa bệnh ung thư cho bé Bắp (con chị Hòa) đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm về sao kê, tính minh bạch của việc kêu gọi trong hoạt động từ thiện, phóng viên Báo Công Thương đã có trao đổi với luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin Công lý (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Ma Văn Giang cho rằng, việc kêu gọi từ thiện nhằm mục đích hỗ trợ cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người bị mặc bệnh hiểm nghèo hay những người bị thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do thiên tai, dịch bệnh là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc kêu gọi từ thiện, phân phối hàng, quà từ thiện cần tuân theo các quy định của pháp luật.
Nếu hành vi lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo để kêu gọi từ thiện sau đó sử dụng tiền và các vật phẩm kêu gọi được không đúng mục đích, không đúng đối tượng là hành vi đáng lên án và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào từng hành vi cụ thể.
Trường hợp sử dụng, phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, không đúng đối tượng được hỗ trợ là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại điều 5 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021.

Dư luận quan tâm đến tính minh bạch về hoạt động kêu gọi từ thiện, tính minh bạch của Phạm Thoại dành cho bé Bắp. Ảnh: Thy Huệ
Với hành vi này, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm điều này được quy định tại Điều 10 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/13/2/2021.
“Trường hợp, nếu cá nhân, tổ chức kêu gọi quyên góp từ thiện, ủng hộ, cứu trợ không có mục đích chiếm đoạt tài sản nhưng khi có được tài sản thông qua việc kêu gọi ủng hộ không chuyển đủ số tiền nhận được nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù”, luật sư Ma Văn Giang phân tích.
Cần đề nghị công an vào cuộc
Luật sư Ma Văn Giang dẫn chứng thêm, theo quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ quy định khi vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.
Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 41/2022/TT-BTC cũng có quy định cá nhân người vận động phải mở riêng tài khoản cho mục đích xã hội, từ thiện tại ngân hàng theo quy định, không được nhận tiền tài trợ cho mục đích xã hội, từ thiện vào chung tài khoản sử dụng chi tiêu cá nhân của người vận động.
“Như vậy, theo quy định trên thì mỗi cuộc vận động thì cá nhân phải mở tài khoản ngân hàng riêng tại ngân hàng thương mại để tiếp nhận số tiền đóng góp đồng thời có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết”, luật sư Ma Văn Giang nhấn mạnh.

Luật sư Ma Văn Giang – Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Ảnh: NVCC
Cũng theo luật sư Ma Văn Giang, khi kêu gọi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, với tư cách là cá nhân thì cá nhân phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP như có đủ năng lực hành vi dân sự đồng thời có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận, địa điểm tiếp nhận, thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu thông báo ban hành kèm theo Nghị định số 93/2021/NĐ-CP.
Để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc kêu gọi đóng góp tự nguyện người kêu gọi từ thiện cần phải có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày.
Đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện khác tại Điều 19 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, để làm rõ đến tính minh bạch của sự việc này, luật sư Ma Văn Giang cho rằng, cần đề nghị cơ quan công an vào cuộc để xác minh, làm rõ mới có căn cứ xử lý theo quy định.
Mẹ con bé Bắp được biết đến qua hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư. Ngày 4/11/2024, Tiktoker Phạm Thoại kêu gọi quyên góp cho bé Bắp, cần 6-7 tỷ đồng chữa trị tại Trung Quốc, thông qua ứng dụng gây quỹ có thể kiểm tra giao dịch online. Đến 24/2/2025, tổng số tiền thu được hơn 16,7 tỷ đồng, nhưng hiện trong tài khoản chỉ còn hơn 54,7 triệu đồng và số tiền này chưa được công khai, minh bạch sử dụng vào mục đích gì?