Luật sư kiến nghị xem xét lại kết luận thanh tra vụ góp vốn 'chui' vào Saigon Co.op

Mới đây, luật sư Lưu Văn Tám (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), đại diện cho hợp tác xã (HTX) thành viên của Saigon Co.op đã gửi kiến nghị lên lãnh đạo TP. HCM về những bất hợp lý trong việc quy kết sai phạm của các HTX thành viên.

Trước đó, chủ tịch UBND quận 8 và quận 11 (TP. HCM) ký kết luận thanh tra, chuyển cơ quan điều tra 2 quận này để làm rõ việc góp vốn "chui" gần 600 tỷ đồng vào Liên hiệp HTX thương mại TP. HCM (Saigon Co.op) năm 2020 của HTX tiêu dùng phường 14, quận 8 và của HTX thương mại và dịch vụ quận 11 (HTX quận 11).

HTX thành viên huy động, góp vốn có đúng luật?

Tại các bản Kết luận thanh tra, hầu hết đều có nội dung nhận định và kết luận cho rằng mặc dù có các cá nhân không làm việc cho HTX, không có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX nhưng các HTX vẫn kết nạp làm thành viên là không đúng quy định và chưa đúng mục tiêu hoạt động của HTX.

Song, căn cứ Điều 7, Điều 8 Luật Hợp tác xã, luật sư Lưu Văn Tám cho rằng các HTX, liên hiệp HTX được quyền kết nạp rộng rãi thành viên. Đồng thời, thành viên khi tham gia vào các HTX đều có đủ điều kiện để kết nạp và HTX kết nạp các cá nhân làm thành viên HTX là đúng quy định tại điều 13 Luật Hợp tác xã.

Về việc góp vốn của HTX, theo kết quả thanh tra, một số HTX khi tổ chức Đại hội thành viên bất thường để thông qua việc góp vốn vào Saigon Co.op chưa thực hiện đúng quy định của Luật hợp tác xã. Số khác lợi dụng tư cách HTX, tư cách thành viên HTX để góp vốn điều lệ vào Saigon Co.op trái quy định của pháp luật

Theo luật sư Tám, Khoản 7 điều 32 Luật HTX năm 2012 về quyền hạn và nhiệm vụ của đại hội thành viên, đã chỉ rõ HTX có quyền "tăng giảm vốn điều lệ, vốn góp tối thiểu, thẩm quyền quyết định và phương thức huy động vốn”.

Cạnh đó, Khoản 6 điều 8 Luật HTX năm 2012 quy định quyền của HTX, Liên hiệp HTX được “tăng, giảm vốn điều lệ trong quá trình hoạt động; huy động vốn và hoạt động tín dụng nội bộ theo quy định của pháp luật”.

Điều 8. Quyền của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

6. Tăng, giảm vốn điều lệ trong quá trình hoạt động; huy động vốn và hoạt động tín dụng nội bộ theo quy định của pháp luật.

7. Liên doanh, liên kết, hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để thực hiện mục tiêu hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Luật sư Lưu Văn Tám cho rằng, hồ sơ thể hiện, mục đích các HTX góp vốn vào Saigon Co.op là để đầu tư. Hoạt động đầu tư cũng là hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX với mục tiêu chung là góp vốn điều lệ của Saigon Co.op theo đúng Thông báo số 660 ngày 12/12/2019 của Saigon Co.op.

Theo luật sư, toàn bộ các nguồn vốn góp từ các HTX thành viên đều đảm bảo được tiêu chí của Saigon Co.op là "các nguồn vốn góp này không phải là vốn vay, hoặc huy động từ nguồn vốn của đối thủ cạnh tranh”.

Có dấu hiệu của việc hình sự hóa quan hệ pháp luật hành chính, dân sự?

Theo luật sư Lưu Văn Tám, đề xuất chuyển hồ sơ cho Cơ quan Công an điều tra theo Kết luận thanh tra là không đúng theo quy định của Luật Thanh tra.

Bởi, toàn bộ quá trình góp vốn vào HTX và huy động vốn để tăng vốn điều lệ vào Saigon Co.op, bao gồm: Nguồn gốc nguồn vốn, động cơ, mục đích góp vốn, danh nghĩa HTX tham gia góp vốn, huy động vốn đều rõ ràng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, theo quy định của Luật Hợp tác xã, tổ chức Đại hội thành viên là việc nội bộ của HTX. Đây là quan hệ dân sự, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các thành viên HTX. Cơ quan nhà nước không can thiệp vào các quan hệ dân sự có tính chất nội bộ của HTX khi họ không có yêu cầu.

Trong trường hợp phát sinh tranh chấp, các thành viên HTX có quyền khởi kiện, yêu cầu TAND có thẩm quyền xem xét, tuyên xử các Nghị quyết đại hội thành viên là vô hiệu toàn bộ hay vô hiệu một phần nếu có căn cứ.

"Vì vậy, thẩm quyền giải quyết tranh chấp Nghị quyết đại hội thành viên HTX là của tòa án, không phải là thẩm quyền của các Cơ quan hành chính (UBND, Cơ quan Thanh tra, Công an…)", luật sư Tám nêu quan điểm.

Luật sư còn cho rằng, theo quy định của Bộ Luật hình sự, về chủ thể, các HTX là tổ chức kinh tế tập thể, nguồn vốn góp là của các cá nhân, HTX hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước… nên HTX cũng không phải là chủ thể bị xem xét, xử lý về hình sự theo quy định tại điều 359 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như nhận định tại một số Kết luận thanh tra đã nêu.

"Việc một số kết luận thanh tra chuyển hồ sơ cho Cơ quan Công an là có dấu hiệu của việc hình sự hóa quan hệ pháp luật hành chính, dân sự", luật sư Tám nhấn mạnh.

Theo kết luận thanh tra, việc chấp hành các quy định pháp luật về HTX đối với HTX tiêu dùng phường 14, quận 8 của Thanh tra quận 8, HTX này đã góp vốn "chui" 283 tỷ đồng vào Saigon Co.op.

Tương tự, trường hợp của HTX quận 11 có sai phạm trong việc góp 306 tỷ đồng vào Saigon Co.op.

Cụ thể, tháng 1/2020, HTX quận 11 đã góp 306 tỷ đồng vào Saigon Co.op. Theo cơ quan thanh tra, việc huy động vốn trên nhằm mục đích góp vào Saigon Co.op, không phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trực tiếp tại HTX quận 11. HTX quận 11 đã lợi dụng danh nghĩa là thành viên HTX để góp vốn nhằm mục đích tăng vốn điều lệ cho Saigon Co.op.

17 HTX thành viên khác của Saigon Co.op cũng bị thanh tra quận kết luận tương tự. Cũng theo kết luận thanh tra, hàng loạt HTX bị “bêu tên” là kinh doanh kém hiệu quả, vốn điều lệ thấp nhưng vẫn nộp số tiền khá lớn để bổ sung vốn điều lệ cho Saigon Co.op.

Chính từ những kết luận thanh tra, toàn bộ vốn huy động đóng góp vào Saigon Co.op của các HTX thành viên bị phong tỏa, thêm vào đó là tác động của đại dịch Covid-19 khiến nhiều HTX lâm vào “khó khăn kép”.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/luat-su-kien-nghi-xem-xet-lai-ket-luan-thanh-tra-vu-gop-von-chui-vao-saigon-coop-post148036.html