Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu tiến dần hơn đến cơ chế thị trường

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, với việc để doanh nghiệp tự công bố giá, Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu đã tiến dần hơn đến cơ chế thị trường.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW: Quy định kinh doanh có điều kiện đối với xăng dầu nhằm bảo đảm việc cung ứng được liên tục, đúng thời hạn và chất lượng sản phẩm luôn đạt chuẩn. Ảnh: Hải Nguyễn

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW: Quy định kinh doanh có điều kiện đối với xăng dầu nhằm bảo đảm việc cung ứng được liên tục, đúng thời hạn và chất lượng sản phẩm luôn đạt chuẩn. Ảnh: Hải Nguyễn

Thưa ông, Nghị định kinh doanh xăng dầu là một nghị định khó, có liên quan mật thiết đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Xăng dầu lại là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi sự quản lý của nhà nước. Ông đánh giá gì về quan điểm của Bộ Công Thương trong việc vẫn giữ vai trò quản lý nhà nước, song vẫn cho doanh nghiệp được tự tính toán và định giá sản phẩm?

Tôi đồng tình với quan điểm của Bộ Công Thương! Xăng dầu là một mặt hàng đặc biệt, liên quan tới đời sống dân sinh và phát triển kinh tế, vì vậy, cần vừa nhấn mạnh vai trò của quản lý nhà nước và vẫn cho doanh nghiệp chủ động tính toán để đảm bảo việc sản xuất lưu thông.

Với mặt hàng xăng dầu, theo Khoản 2 và Khoản 3 Điều 32 Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn.

Như vậy, dự thảo sẽ tiến gần hơn với cơ chế thị trường, Nhà nước chỉ công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát. Việc này nhằm đảm bảo bình ổn giá nhưng vẫn theo định hướng thị trường, hài hòa lợi ích các bên.

Nhiều doanh nghiệp xăng dầu có ý kiến rằng doanh nghiệp phải được phép kinh doanh, mua bán hàng hóa của nhau trong các lĩnh vực pháp luật không cấm. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cần phải thực hiện đúng theo các quy định quản lý của nhà nước nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Tự do cạnh tranh và mua bán hàng hóa có thể giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa lợi nhuận, giảm chi phí và cải thiện hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, khi đặt trong bối cảnh xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, quan điểm nêu trên cần được xem xét thận trọng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty luật SBLAW

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty luật SBLAW

Xăng dầu, giống như điện, là một mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống xã hội. Do đó, việc quản lý và kiểm soát chặt chẽ thị trường xăng dầu là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, ổn định giá cả, và tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Nếu để các doanh nghiệp tự do mua bán mà không có sự quản lý chặt chẽ, có thể dẫn đến tình trạng đầu cơ, làm giá, gây bất ổn trên thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và nền kinh tế.

Ngoài ra, quy định kinh doanh có điều kiện đối với xăng dầu nhằm bảo đảm việc cung ứng được liên tục, đúng thời hạn và chất lượng sản phẩm luôn đạt chuẩn. Điều này cũng giúp ngăn chặn các doanh nghiệp nhỏ, thiếu năng lực tài chính hoặc kỹ thuật, tham gia vào lĩnh vực này mà không đảm bảo được các yêu cầu tối thiểu, có thể gây ra những rủi ro lớn cho chuỗi cung ứng xăng dầu quốc gia.

Trong trường hợp này, cần duy trì sự cân bằng giữa việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh và đảm bảo sự kiểm soát của nhà nước để bảo vệ lợi ích chung và ổn định kinh tế vĩ mô. Khi điều kiện kinh tế Việt Nam phát triển hơn, việc thay đổi phương thức quản lý hướng tới mục tiêu trên có thể được xem xét.

Ông có khuyến cáo gì với Bộ Công Thương nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng của văn bản pháp luật với mục tiêu cao nhất là đảm bảo đủ xăng dầu cho nhu cầu sử dụng của người dân, đồng thời quản lý tốt mặt hàng này?

Hiện các quy định quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu đã dần được hoàn thiện, góp phần giải quyết những bất cập về thị trường xăng dầu trong thời gian qua nhưng vẫn chưa đầy đủ, còn tồn tại một số hạn chế trong cơ chế, chính sách.

Vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra là xây dựng Nghị định mới thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu nhằm đáp ứng nguồn cung xăng dầu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và vận hành theo cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với thị trường.

Thứ nhất, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, nguyên tắc điều hành giá theo hướng dự báo sát tình hình cung - cầu và xây dựng kịch bản để bảo đảm nguồn cung trong các tình huống khác nhau; xây dựng nguyên tắc, giải pháp điều hành giá và giải pháp bình ổn giá theo các biến động của giá thế giới. Đồng thời, xây dựng các quy định ràng buộc, chặt chẽ với các hình thức phù hợp đối với toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu từ thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối đến các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu để tạo động lực cho các bên chủ thể trong hoạt động kinh doanh.

Thứ hai, cần xây dựng chu kỳ phù hợp, có quy định về giải pháp điều hành giá theo biên độ giá xăng dầu tăng/giảm phù hợp với thị trường; thời gian điều hành giá xăng dầu để không ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Thứ ba, trong bối cảnh nguồn cung của thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, việc điều hành, quản lý xăng dầu vừa qua cần phải có cách tiếp cận nhanh và thích ứng hơn. Đối với việc phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, cần nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tế để quy định cách thức phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp (hoặc phân giao theo tháng, quý, 6 tháng) nhằm kịp thời xử lý các phát sinh làm ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu.

Thứ tư, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế và các quốc gia có điều kiện kinh tế xã hội tương tự Việt Nam để xây dựng chính sách quản lý xăng dầu hiệu quả hơn.

Tại Hội nghị lấy ý kiến về nghị định kinh doanh xăng dầu chiều ngày 2/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định sẽ trình 2 phương án giá xăng dầu lên Chính phủ (trong đó có phương án doanh nghiệp tự định giá); sẽ báo cáo Chính phủ về việc doanh nghiệp phân phối có ý kiến đề xuất muốn được mua hàng của nhau. Luật sư đánh giá gì về sự cầu thị và tiếp thu của Bộ Công Thương trong việc xây dựng Nghị định được đánh giá là vô cùng khó này?

Hội nghị lấy ý kiến về nghị định kinh doanh xăng dầu có sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Về phía doanh nghiệp có đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu…

Việc Bộ Công Thương tổ chức hội nghị lấy ý kiến và lắng nghe đề xuất từ các bộ ban ngành cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu cho thấy tinh thần cầu thị và sẵn sàng tiếp thu các ý kiến đóng góp của Bộ. Đây là một bước đi quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Nghị định thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đang gặp phải nhiều thách thức trong việc xây dựng và hoàn thiện.

Trong hội nghị Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: "Chúng tôi cam kết tiếp thu các ý kiến của các đại biểu. Quan điểm của Ban soạn thảo là tuân thủ các chỉ đạo của Chính phủ, cố gắng thiết kế văn bản theo hướng thị trường nhiều nhất và quản lý nhà nước tốt nhất". Từ góc độ của một luật sư, sự cầu thị và tiếp thu này phản ánh cách tiếp cận chủ động và linh hoạt của Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật.

Đặc biệt, việc đưa ra hai phương án giá, trong đó có phương án để doanh nghiệp tự định giá, là một động thái nhằm cân bằng giữa việc tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Phương án cho phép doanh nghiệp phân phối mua hàng của nhau cũng cho thấy sự thấu hiểu và hỗ trợ hoạt động kinh doanh trong bối cảnh chuỗi cung ứng ngày càng phức tạp.

Việc lắng nghe và cân nhắc ý kiến từ các Bộ ngành, doanh nghiệp thể hiện nỗ lực cải thiện hệ thống pháp luật để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của thị trường, đồng thời tránh những quy định cứng nhắc có thể kìm hãm sự phát triển của ngành kinh doanh xăng dầu.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/luat-su-nguyen-thanh-ha-du-thao-nghi-dinh-kinh-doanh-xang-dau-tien-dan-hon-den-co-che-thi-truong-350270.html