Luật sư Nguyễn Thành Nam: Tự hào hai tiếng Việt Nam

Tôi may mắn khi sinh ra trên quê hương không còn tiếng súng và lớn lên trong niềm tự hào của một dân tộc kiên cường. Trên đất nước hình chữ S thân thương, mỗi tấc đất đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của đồng bào. Tôi biết ơn sự hy sinh của bao thế hệ anh hùng, để thế hệ của chúng tôi được góp phần vào sự thịnh vượng hôm nay và mai sau.

Luật sư Nguyễn Thành Nam

Luật sư Nguyễn Thành Nam

1.

Nếu phải dùng lời để diễn tả cảm xúc trong những ngày tháng Tư lịch sử này, tôi e rằng, ngôn ngữ cũng sẽ trở nên quá nhỏ bé. Bởi cảm xúc ấy không còn là thứ dễ gọi tên, mà đã thành dòng chảy lặng lẽ nuôi dưỡng tâm hồn từ thuở thơ bé, thành máu thịt, thành hơi thở, thành ánh nhìn tự hào mỗi khi nghe hai tiếng “Việt Nam”.

Những ngày này, tôi cảm nhận được cả dân tộc đang rạo rực chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại, lòng lại dâng lên một niềm tự hào khôn tả. Trên quảng trường lớn, dưới ánh nắng chói chang, những người lính của thời bình vẫn ngày đêm miệt mài tập luyện cho lễ diễu binh, diễu hành. Mồ hôi thấm đẫm lưng áo, nhưng bước chân dứt khoát vang đều nhịp, ánh mắt rắn rỏi, kỷ luật và đầy tự tin.

Họ không phải đang ra trận, nhưng họ mang trong mình khí thế của bao thế hệ đã từng ra trận sẵn sàng cống hiến, bảo vệ bình yên của Tổ quốc bằng tinh thần và ý chí thép.

Và tôi lại nghĩ, họ tập không chỉ để chuẩn bị cho một buổi diễu binh long trọng. Họ đang tập để nhắc chúng ta rằng, đất nước này vẫn luôn được gìn giữ bằng sự can trường, bằng tinh thần thép và lòng yêu nước bất diệt. Đứng giữa đất trời thanh bình, nghe âm vang của bước chân ấy vọng lại như tiếng nhịp tim của dân tộc, tôi bỗng thấy mình nhỏ bé, mà đầy tự hào.

Nửa thế kỷ đã đi qua kể từ ngày đất nước liền một dải, nhưng những giá trị của hòa bình, của độc lập, của lòng yêu nước và sự hy sinh vẫn luôn là ngọn lửa cháy mãi trong tim mỗi người Việt.

- Luật sư Nguyễn Thành Nam

Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một cột mốc lớn lao. Với tôi, đó không chỉ là một dịp để tưởng nhớ, mà là khoảnh khắc để lắng lại, để chạm sâu vào lòng mình, tìm thấy ở đó lòng biết ơn không bao giờ vơi cạn.

Tôi sinh ra trên mảnh đất mà tiếng súng đã lùi vào dĩ vãng, nhưng câu chuyện về chiến tranh, về những hy sinh không tên thì vẫn sống động từng ngày qua lời kể của bà nội, bà ngoại, qua ánh mắt của ba - người lính già vẫn mang trong mình những mảnh đạn từ thời chiến tranh, qua từng vết thương chưa bao giờ lành hẳn mỗi khi trái gió, trở trời.

Nội ngoại hai bên đều một lòng theo Đảng, theo Cách mạng, cống hiến và chiến đấu vì Tổ quốc. Không ít người thân trong dòng họ đã ngã xuống để bảo vệ độc lập, tự do cho hôm nay. Có người không kịp trở về, có người mang trên cơ thể những vết thương chiến tranh như một phần của ký ức...

Bà vẫn thường nhắc với con cháu về sự kiên cường và trung thành với lý tưởng cách mạng khi kể về bác, về cậu, về cô đã chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc. Nhìn bà lau tấm bằng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng hay Tổ quốc ghi công, mà lòng tôi như thắt lại.

Tôi hiểu, tự do mà tôi đang có hôm nay không đến từ may mắn, mà đến từ máu xương của biết bao thế hệ từ thuở mang gươm đi mở cõi, giữ gìn từng mảnh đất quê hương, chống thù trong, giặc ngoài.

Tôi biết ơn những anh hùng đã ngã xuống cho Tổ quốc trường tồn. Biết ơn những người đã âm thầm xây dựng đất nước trong những năm tháng khốn khó. Biết ơn cả gia đình, dòng họ - những người đã lựa chọn con đường đầy chông gai mà cho đến giờ, tôi tin rằng, lựa chọn ấy chưa bao giờ là sai. Tôi cúi đầu trước màu cờ Tổ quốc được tô thắm bởi dòng máu kiên cường.

Có những ngày, tôi lặng lẽ nhìn lại thời thơ ấu, điện chưa có, đi lại khó khăn, muốn gọi một cuộc điện thoại cũng phải đi bộ cả chục cây số đến bưu điện và đặt hẹn từ trước. Vậy mà, trong những lúc thiếu thốn đó, trẻ con chúng tôi vẫn được đến trường. Sự quyết tâm, dù nghèo cũng không để dân mù chữ, đã gieo trong lòng tôi sự kính trọng vô bờ với những người lãnh đạo và những thế hệ đã không ngừng vun đắp cho tương lai của đất nước.

Từ chỗ phải chờ hàng giờ để qua một chuyến phà, giờ đây, ta có những cây cầu dây văng nối đôi bờ chỉ trong vài phút. Từ nơi từng thiếu ánh sáng, giờ đây, mọi ngõ ngách đều sáng đèn. Từ những con đường đầy ổ gà, giờ đây, ta có mạng lưới giao thông hiện đại, những khu đô thị sầm uất, những nhà máy, công nghệ kết nối toàn cầu. Tất cả là thành quả của quá trình phấn đấu bền bỉ không mệt mỏi.

Và tôi tin, cội nguồn làm nên một đất nước vững mạnh vẫn là lòng biết ơn và sự tiếp nối truyền thống. Lịch sử không chỉ để tưởng nhớ, mà là để hiểu, để biết ta là ai, từ đâu đến và phải sống thế nào cho xứng đáng. Đó là lý do tôi vẫn thường đưa con cháu về thăm những chiến trường xưa, để chúng được chạm vào lịch sử, không phải chỉ qua sách vở, mà bằng trái tim.

2.

Khi đất nước bước qua dấu mốc 50 năm ngày thống nhất, chúng ta không chỉ nhìn lại bằng niềm tự hào, mà còn nhìn về phía trước bằng một tầm nhìn rõ ràng và niềm tin vững chắc. Sau những năm tháng khó khăn của thời kỳ hậu chiến, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, sẵn sàng “cất cánh” với bệ phóng vững vàng là hòa bình, với “nhiên liệu” là trí tuệ, niềm tin và ý chí của cả dân tộc.

Ở vai trò là một công dân, và hơn thế là một luật sư, tôi cảm nhận rõ, đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, một thời kỳ không chỉ đòi hỏi sự đồng lòng, mà còn cần những con người bản lĩnh, sáng suốt và luôn giữ vững niềm tin.

Luật sư trong kỷ nguyên này, không chỉ là người được hưởng những thành quả của phát triển, mà còn là một phần không thể tách rời trong quỹ đạo ấy. Chúng tôi phải hòa mình vào dòng chảy đổi mới đó, không thể đứng ngoài hay đi sau. Bởi vai trò của luật sư không dừng lại ở việc tư vấn hay bảo vệ quyền lợi riêng lẻ, mà còn là người kết nối giữa Nhà nước và Nhân dân.

Cơ quan công quyền không thể mỗi ngày đến tận nhà người dân để giải thích pháp luật, nhưng người dân có thể tìm đến luật sư để hiểu luật, để hiểu quyền, để được bảo vệ và đồng hành trong một xã hội đang ngày càng văn minh hơn. Chính vì vậy, người luật sư cần có sự tỉnh táo, sáng suốt, có đủ tri thức để soi sáng đúng đắn, nhưng cũng cần có niềm tin tuyệt đối vào con đường mà đất nước đang đi.

Không thể phủ nhận rằng, trong giai đoạn hội nhập quốc tế, vai trò của những người làm nghề luật càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta không chỉ tiếp cận khách hàng hay doanh nghiệp FDI, mà còn phải là những người tiếp nối, giải thích và làm cầu nối giữa các chính sách, đường lối của Nhà nước với thế giới bên ngoài. Điều này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi quốc gia, mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Khi thế giới hiểu rõ chúng ta đang làm gì, họ sẽ ủng hộ những nỗ lực của chúng ta trong việc vươn tầm quốc tế.

Trong hành trình đó, niềm tin đóng một vai trò hết sức quan trọng. Niềm tin vào sự phát triển của đất nước, vào chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, vào sức mạnh của dân tộc. Chúng ta đã có 50 năm để chứng minh, và tôi tin rằng, nếu có niềm tin vào những gì mình làm, chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng một Việt Nam mạnh mẽ hơn trong 50 năm tiếp theo, thậm chí là hơn nữa.

Cây tre, trong văn hóa Việt Nam, không chỉ là một biểu tượng của sự bền bỉ, dẻo dai, mà còn là hình ảnh của sự linh hoạt, uyển chuyển. Dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn kiên cường, nhưng đồng thời cũng biết cách linh hoạt, thích nghi với thời cuộc để vươn mình phát triển. Niềm tin của tôi vào sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam, đến năm 2045 và xa hơn nữa, chính là niềm tin vào sức mạnh của dân tộc, vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước.

Từ góc độ cá nhân, tôi thấy rằng, mỗi người trong chúng ta đều có thể đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, và nghề luật sư, với vai trò đặc biệt của mình, sẽ tiếp tục là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình đó. Khi chúng ta hiểu đúng về pháp luật, giải thích đúng cho người dân và đồng hành cùng Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế, chúng ta đang góp phần tạo nên một xã hội công bằng, văn minh và thịnh vượng.

3.

Nửa thế kỷ đã đi qua kể từ ngày đất nước liền một dải, nhưng những giá trị của hòa bình, của độc lập, của lòng yêu nước và sự hy sinh vẫn luôn là ngọn lửa cháy mãi trong tim mỗi người Việt. Trong dòng chảy không ngừng của lịch sử, những thế hệ hôm nay không chỉ là người được thừa hưởng, mà còn là người mang trọng trách giữ gìn và phát triển.

Lòng biết ơn không chỉ nằm trong lời nói hay những cành hoa dâng lên tượng đài, mà nằm ở chính cách chúng ta sống, lao động, cống hiến như những người lính âm thầm trong thời bình. Mỗi hành động nhỏ tử tế, mỗi nỗ lực vì cộng đồng, mỗi công trình được xây lên đều là lời tri ân đẹp nhất gửi về quá khứ.

Và cũng từ lòng biết ơn ấy, tôi tin rằng, đất nước này sẽ tiếp tục vươn lên, mạnh mẽ và kiêu hãnh như cách mà ông cha ta đã từng đứng dậy từ đổ nát chiến tranh để làm nên những mùa xuân hòa bình.

(*) Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Nam Thiên SSAC

Nguyễn Thành Nam (*)

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/luat-su-nguyen-thanh-nam-tu-hao-hai-tieng-viet-nam-d275523.html