Luật sư nói về vụ lập biên bản người dân không cho con tiêm vaccine
Theo luật sư, chính quyền phường lập biên bản xử phạt hành chính người dân không cho con tiêm vaccine ngừa Covid-19 là cứng nhắc.
Ngày 4/9, UBND phường Trần Phú (TP Móng Cái, Quảng Ninh) lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông K. (38 tuổi, trú phường Trần Phú) do phụ huynh này không cho con tiêm vaccine Covid-19.
Sau đó, dư luận cho rằng việc chính quyền lập biên bản xử phạt hành chính đối với ông K. là quá cứng nhắc, ép buộc trẻ phải tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Chính quyền phường viện dẫn luật chưa đúng
Chị Hoàng Bảo Anh (trú TP Hạ Long) cho biết việc học sinh đến trường trong ngày khai giảng năm học mới là quyền lợi của trẻ và học sinh. Việc một số địa phương ở Móng Cái lập biên bản cha mẹ phụ huynh không đồng ý cho con tiêm vaccine là vi phạm quy định.
Chị Bảo Anh cho rằng từ trước đến nay chưa có văn bản nào yêu cầu phụ huynh phải tiêm vaccine cho trẻ, nếu không sẽ không được đến trường.
Trao đổi với Zing, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Tinh Thông Luật, cho biết việc phường Trần Phú, TP Móng Cái lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông K. viện dẫn theo điểm a, khoản 2, Điều 9 Nghị định số 01/VBHN-BYT của Bộ Y tế quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế là chưa đúng.
Theo quy định trên, người dân bị lập biên bản do có hành vi cản trở việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, tháng 10/2021, Chính phủ có ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về việc Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phân cấp 4 vùng tương ứng với phạm vi đánh giá cấp độ dịch.
Tại thời điểm phường Trần Phú, TP Móng Cái lập biên bản xử phạt, thì địa phương này đang ở vùng xanh, nguy cơ thấp (bình thường mới), không phải là vùng có dịch.
Ngoài ra, hiện nay chưa có quy định cụ thể việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa Covid-19 bao gồm cả trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 18 tuổi.. Việc tiêm phòng được thực hiện theo cơ chế khuyến khích, vận động người dân.
“Covid-19 là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A có nguy cơ đại dịch toàn cầu trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, hiện nay Covid-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc”, luật sư Diệp Năng Bình nói.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết việc lập biên bản xử phạt của UBND phường Trần Phú không có căn cứ vì tại điểm a, khoản 2 Nghị định 01/VBHN-BYT chỉ áp dụng hành vi không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vaccine đối với vùng có dịch bệnh truyền nhiễm.
"Việc tiêm vaccine ở trường học chưa được công bố vùng dịch, thì không có căn cứ để lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính", luật sư Anh Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, theo luật sư Diệp Năng Bình và Tạ Anh Tuấn, chính quyền phường Trần Phú nên có những cách thức tuyên truyền, vận động người dân về tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 đối với trẻ em, không nên áp dụng luật cứng nhắc dẫn đến người dân có tâm lý hiểu sai, hiểu không đúng về vaccine.
Nếu việc người dân không tiêm vaccine phòng bệnh truyền nhiễm có thể sẽ dẫn đến hậu quả gia đình có người mắc Covid-19 hoặc làm lây lan dịch bệnh, thì họ có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
“Thực tế đã cho thấy tiêm vaccine vẫn luôn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh. Nhà nước đang khuyến khích người dân cho trẻ độ tuổi từ 5 đến dưới 18 tuổi để phòng bệnh cho trẻ”, luật sư Diệp Năng Bình chia sẻ.
Móng Cái là địa bàn đặc thù, giáp biên giới
Người đứng đầu UBND thành phố Móng Cái cho biết thành phố chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 17 tuổi trên địa bàn.
Giải thích về lý do trên, đại diện chính quyền thành phố cho rằng Móng Cái là địa bàn đặc thù vùng cửa khẩu, giáp biên giới và có nhiều hoạt động thông thương. Để giữ đà phát triển kinh tế theo kế hoạch, đảm bảo phòng chống dịch, thì việc tiêm phòng là việc làm rất quan trọng.
Nếu chỉ cần vùng cửa khẩu ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, cả hệ thống thông thương bị đình trệ, để lại hậu quả khôn lường.
“Nhận thức là cả quá trình, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động người dân chấp hành chủ trương của Đảng, Chính phủ trong việc tham gia tiêm phòng Covid-19”, đại diện UBND thành phố Móng Cái chia sẻ.
Quay lại vụ việc UBND phường Trần Phú, người đứng đầu chính quyền TP Móng Cái, cho biết những ngày qua, chính quyền địa phương cùng các ngành, đoàn thể đã nhiều lần đến tận nhà để vận động, thuyết phục phụ huynh cho con em được tiêm vaccine phòng Covid-19. Việc này cũng nhằm bảo vệ sức khỏe của con em và cộng đồng trước thềm năm học mới.
Hiện nay phần lớn các phụ huynh đã cho con đi tiêm phòng, số còn lại không tiêm do các cháu bị Covid-19 gần đây. Thế nhưng, không ít phụ huynh nhận thức kém, kiên quyết không cho con em mình tiêm chủng, trong khi các trường này đủ điều kiện tiêm theo quy định.
“Chính quyền vận động rồi nhưng người dân không chấp hành, vậy phải làm thế nào nếu chẳng may dịch lây lan, thì hậu quả khôn lường, sức khỏe bản thân các cháu nữa. Chúng ta phải bảo vệ cái đúng, lên án hành vi sai trái. Có thể văn bản chưa chuẩn chỉnh, nhưng mới chỉ là biên bản, chứ không phải quyết định xử phạt. Đây là 2 khái niệm khác nhau hoàn toàn”, lãnh đạo TP Móng Cái chia sẻ.
Theo số liệu của Quảng Ninh, tính đến hết tháng 8, độ bao phủ mũi một vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 100%; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 99,88%; mũi 3 đạt 85,90%. Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, độ bao phủ mũi 1 đạt 97,06%.
Cả tỉnh còn khoảng 5.000 trẻ chưa đủ điều kiện tiêm mũi một, đang được thống kê quản lý để tiêm vét ngay khi đủ điều kiện; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 71,16%.