Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Trí thức - vốn quý xã hội và nguồn lực phát triển quan trọng
Hồi nhỏ, học sử cũ, tôi luôn thắc mắc: vì sao mỗi lần xâm lược Việt Nam, giặc phương Bắc đều ra sức hủy hoại các công trình văn hóa, đốt sách, bức hại hoặc cướp đoạt người tài? Càng lớn lên, tôi càng ngộ ra một điều: trí thức Việt Nam không chỉ là lực lượng lãnh đạo đất nước trong thời bình mà đặc biệt luôn đóng vai trò cốt tử trong đấu tranh chống xâm lược. Theo tôi, đây là điều riêng có của dân tộc ta.
Trí thức Việt - lực lượng tinh nhuệ trong lịch sử chống ngoại xâm
Việt Nam là một nước nhỏ yếu, nhưng đã lập nước và giữ nước thành công suốt hơn hai thiên niên kỷ, cho dù có lúc đã phải sống dưới ách nô dịch và dã tâm đồng hóa trong gần 1.000 năm Bắc thuộc. Nhỏ và yếu, nhưng là một nước văn hiến, yêu văn hóa, trọng trí tuệ, và đó chính là bí quyết tồn tại và phát triển của dân tộc này.
Một dân tộc nhỏ yếu nếu không biết dùng mưu trí, dụng hiền tài thì làm sao đánh thắng được những đội quân xâm lược hùng mạnh đẳng cấp châu lục, thậm chí toàn cầu, từ Hán, Đường, Tống, Nguyên, đến Pháp, Nhật, Mỹ, và giữ vững một dải non sông thống nhất như ngày nay.
Nhà Trần ba lần đánh thắng quân Nguyên là nhờ lòng yêu nước của nhân dân, nhưng cũng nhờ có Trần Hưng Đạo đúc kết mưu thuật quân sự của cha ông, nghiên cứu kẻ thù, soạn thành sách để huấn luyện tướng sĩ, phải đâu cứ cảm tử đánh liều, đánh càn mà thắng được. Hịch Tướng Sĩ viết: “Nay ta soạn hết các binh pháp của các nhà danh-gia hợp lại làm một quyển gọi là "Binh-thư yếu-lược". Nếu các ngươi biết chuyên-tập sách này, theo lời dạy-bảo, thì mới phải đạo thần-tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời dạy-bảo, thì tức là kẻ nghịch-thù.”
Mỗi lần dẹp tan giặc ngoại xâm, đất nước thanh bình, ông cha ta luôn dốc lòng khôi phục văn hóa, chấn hưng học vấn. Như Triều Lý, nước vừa thoát ách đô hộ ngàn năm, bận lập kinh đô mới, vẫn cho xây Văn Miếu Quốc Tử Giám để tôn vinh sự học và đào tạo người tài ra dựng nước.
Các đời Trần, Lê, vừa dạy học, vừa tổ chức thi tuyển quan lại cho cả con em quý tộc và thường dân. Vua cũng phải học để làm vua, quan phải thi đậu mới làm quan, thường dân có thực tài thì cũng có cơ trở thành trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Suốt thời phong kiến Việt Nam, triều đại nào biết trọng dụng hiền tài, khuếch trương học vấn thì cường thịnh, thái bình; vua chúa nào ham bạo quyền, tham vật chất, chà đạp văn hóa, coi thường trí thức thì sớm muộn gì cũng sụp đổ thảm hại.
Hàng vạn khách nước ngoài từ mọi miền trái đất đến Văn Miếu chắc không khỏi bâng khuâng niềm cảm phục một dân tộc hàng ngàn năm luôn phải đổ xương máu chống ngoại xâm mà vẫn giữ vững nền nếp tôn sư trọng đạo, trân quí hiền tài, dứt khoát lựa chọn cách cai trị đất nước bằng văn hóa và pháp luật chứ không bằng bạo quyền hay ngu dân. Một dân tộc biết gìn giữ và thấm nhuần những triết lý sâu sắc như “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, “không thầy đố mày làm nên” và “con hơn cha là nhà có phúc” là một dân tộc biết đề cao giá trị của giáo dục, luôn trân trọng tài năng và trí tuệ.
Đáp lại, trí thức Việt Nam mọi thời đại đều đã luôn sống và hành xử xứng đáng với truyền thống văn hiến của dân tộc. Trí thức Việt Nam có một đặc điểm nổi trội không phải ở nước nào cũng có: đó là thấm đượm lòng yêu nước, canh cánh nỗi thương dân. Khi đất nước lâm nguy, bao giờ cũng có những người trí thức sát cánh với những người lính ở tuyến đầu mặt trận, da ngựa bọc thây. Trong thời bình, trí thức là người luôn cố gắng sống trung thực, trong sạch và đem hết tài năng cống hiến cho xã hội, cho dù không ít người đã phải hy sinh tính mạng hay bị dè biếm vì đấu tranh với cái ác, bênh vực người ngay, như Nguyễn Trãi, Chu Văn An; hay chỉ vì nhìn xa, thấy trước người khác, như Nguyễn Trường Tộ.
Hồ Chí Minh - tấm gương trọng dụng và ứng xử với trí thức
Theo tôi, có một tính cách rất nhất quán của Hồ Chí Minh rất cần được noi gương bởi những người lãnh đạo các cấp hiện nay. Đó là tầm nhìn và ứng xử của Cụ Hồ đối với trí thức. Hồ Chí Minh là một lãnh tụ thấu hiểu sâu sắc vai trò hệ trọng của trí thức trong sự nghiệp kháng chiến cũng như xây dựng hòa bình, là một mẫu mực trong quan hệ và ứng xử với nhiều nguồn trí thức khác nhau về cảnh ngộ, xuất thân hay quốc gia, chủng tộc.
Trong nhiều năm bôn ba tìm cách cứu nước, Hồ Chí Minh phải lao động chân tay để kiếm sống. Trong kháng chiến chống Pháp, Cụ Hồ sống trong rừng núi, được nuôi nấng, bảo vệ bởi những người lao động nghèo khổ. Là người cộng sản, lẽ tất nhiên, Hồ Chí Minh thấu hiểu và gắn bó sâu sắc với công nông. Nhưng khi bắt tay xây dựng chính quyền, lãnh đạo quốc gia, Hồ Chí Minh đã kiên quyết bố trí các trí thức yêu nước nắm giữ những cương vị cao, phù hợp với tài và đức của mỗi người. Thành phần của Chính phủ Hồ Chí Minh năm 1945, 1946 là minh chứng cho điều này.
Cụ Hồ là người rất sớm đã đề ra mối liên minh công - nông - trí, mà mãi đến Hiến pháp 1992 mới được hiến định. Hồ Chí Minh đánh giá trí thức - hay lao động trí óc - cùng với công nông là những lực lượng của cách mạng, có vai trò quan trọng và vẻ vang, và kêu gọi “công, nông, trí cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối” (1). Hồ Chí Minh quan niệm đội ngũ văn hóa, trí thức là lớp “tiên tri, tiên giác”, là “vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà" (2).
Tháng 11 năm 1945, Cụ Hồ đăng bài “Nhân tài và kiến quốc”, mời những người tài đức ra giúp nước nhà. Tháng 11 năm 1946, Hồ Chí Minh lại cho đăng báo văn bản “Tìm người tài đức”, nhận khuyết điểm “nghe không đến, thấy không khắp, đến nổi những bực tài đức không thể xuất thân”, và yêu cầu “các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức… thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.
Không chỉ kêu gọi, với những bậc đạo cao, trí cả, Người viết thư mời đích danh, cho người đón rước, chăm lo cho cả gia đình, thân nhân, và bổ nhiệm những chức vụ rất quan trọng mà không hề kỳ thị thành phần xuất thân hay hoạt động trong quá khứ.
Từ năm 1945, khi chính quyền còn trứng nước, và cả trong những năm kháng chiến đầy gian khổ và ác liệt, có biết bao nhiêu vị đại quan, đại trí thức đã nghe theo và cảm phục Hồ Chí Minh mà rời bỏ cả dinh cơ, điền sản, sự nghiệp, chấp nhận gian khổ, hy sinh, như Bùi Bằng Đoàn, Bùi Kỷ, Vi Văn Định, Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hòe, Vũ Đình Hòe, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Tố, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Vũ Trọng Khánh, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Ca Văn Thỉnh, Thái Văn Lung, Kha Vạng Cân, Phạm Ngọc Thạch, Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Trịnh Đình Thảo, và nhiều người khác nữa. Nhiều trí thức đương sức trẻ, đổ đạt cao, công danh đang lên, sự nghiệp đang mở, vậy mà vẫn dấn thân bằng tài năng, sức lực và cả xương máu, góp phần không nhỏ trong hai cuộc kháng chiến kéo dài suốt ba mươi năm, cho công cuộc xây dựng kinh tế sau năm 1954 và 1975, tận đến ngày nay.
Từ cách ứng xử với trí thức của Hồ Chí Minh có thể rút ra bài học này: một người yêu nước chân chính phải luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của đảng phái, của phe nhóm, của dòng tộc và cá nhân. Đó cũng là cách ứng xử đúng với truyền thống trọng vọng trí thức của dân tộc ta, một dân tộc đã thấu hiểu trong năm mối họa mất nước thì có đến hai mối họa liên quan đến thân phận trí thức, đó là “trò không trọng thầy” và “sỹ phu ngoảnh mặt” (lời nhà bác học Lê Quí Đôn).
Biết trân quý và trọng dụng trí thức - một phẩm chất của người lãnh đạo
Đất nước ta đang mở cửa và hội nhập sâu rộng với thế giới, một thế giới đang phát triển dựa trên kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp 4.0 và các mối liên kết thương mại, tài chính, công nghệ tinh vi phức hợp toàn cầu, liên tục thay đổi, liên tục điều chỉnh, nâng cao và cập nhật. Hơn bao giờ hết, nguồn nhân lực nói chung và lực lượng trí thức nói riêng là yếu tố then chốt để cạnh tranh và phát triển thành công, cũng là đối tượng của sự săn lùng, mua chuộc hay lôi kéo, theo cả hai nghĩa tích cực và tiêu cực.
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, chất xám Việt Nam sẽ không ở lại hay quay về tổ quốc nếu vẫn bị đối xử rẻ rúng hay tùy tiện, bị sử dụng chứ không phải được trọng dụng. Nhiều ví dụ cho thấy: khi có môi trường và cơ chế thích hợp, trí thức Việt Nam, kể cả những người rất trẻ, sẽ phát huy được tài năng không thua bất kỳ dân tộc nào.
Vị trí và vai trò của trí thức ở Việt Nam trong xã hội cũng đã có những bước ngoặt về pháp lý: Hiến pháp Việt Nam đã xác lập mối liên minh công-nông-trí, và Đảng Cộng sản cầm quyền đã đề ra thêm một tiêu chí phù hợp với xu thế của thời đại: Đảng phải là đảng của trí tuệ. Quyết sách đã đúng, cái còn lại là đưa nó từ trang giấy vào cuộc sống. Nói phải đi đôi với làm.
Việc “học và làm theo Hồ Chí Minh” đang được phát động rộng rãi chỉ thực sự có ý nghĩa khi người học thấu hiểu cái cần học và chí tâm thực hành cái học được. Theo đó, với những người đang giữ các chức vụ lãnh đạo từ cấp thấp đến cấp cao nhất, tấm gương trọng dụng và văn hóa ứng xử với trí thức của Cụ Hồ là một bài học cần được nhận thức sâu sắc và tự giác noi theo. Không ai yêu cầu một người lãnh đạo phải giỏi về chuyên môn như hoặc hơn những chuyên gia dưới quyền. Cũng không cần bắt buộc một nhà lãnh đạo phải thông thạo ngoại ngữ đến mức không cần phiên dịch. Nói một cách dễ hiểu, không ai đòi hỏi huấn luyện viên bóng đá phải có sức khỏe và tài năng như các học trò của mình. Bởi vì, nhiệm vụ của người lãnh đạo là “lãnh đạo”, là một thứ lao động đòi hỏi những kỷ năng và phẩm chất đặc thù.
Một trong những kỷ năng của người lãnh đạo là “biết dùng người”, cụ thể là biết phát hiện đúng người có tài, đức, biết bố trí công việc phù hợp và biết điều phối công việc của các chức vụ, vị trí để bộ máy hoạt động trơn tru, ổn định và hiệu quả. Công việc của trí thức là “lao động trí óc”, tức là suy nghĩ, tìm tòi, đào sâu, phát hiện, tưởng tượng, dự đoán, trái với “lao động chân tay“ là lặp đi, lặp lại, là thói quen, là quy trình, quy định nghiêm ngặt, hiện hữu. Hơn nữa, trong nền kinh tế tri thức, với sự phát triển rộng khắp của trí tuệ nhân tạo và công nghệ số hóa, lao động trí thức đã thâm nhập sâu, chi phối rộng khắp nền kinh tế, còn “lao động chân tay” truyền thống đang dần bị xóa bỏ hoặc thay thế bằng “người máy”. Ranh giới giữa lao động trí óc và chân tay đã và đang được xóa nhòa.
Vì vậy, trong xã hội đương đại và tương lai, một trong những phẩm chất cực kỳ quan trọng của đội ngũ lãnh đạo quốc gia là biết trọng dụng, tạo điều kiện cho những trí thức có tài, có đức phát huy năng lực, kiến thức và phản biện; biết lắng nghe, học hỏi để thấu hiểu và tiếp thu những ý kiến khác biệt,những nhận định “tiên tri, tiên giác” có khi trái chiều của trí thức; biết ứng xử, thuyết phục và thu phục những trí thức chân chính. Không có phẩm chất này, người lãnh đạo sẽ có nguy cơ bị những “sỹ phu” chân chính “ngoảnh mặt”; trái lại sẽ “được” ca tụng, huyễn hoặc, ve vuốt, phục dịch, rồi từ đó bị chi phối bởi những ngụy-trí-thức, những “quan cách mạng” coi thường pháp luật, bức hiếp dân lành, dùng chức quyền để xây dựng vây cánh và tham nhũng.
Khi đó, vô tình hay cố ý, những người lãnh đạo ấy và những “cận thần” của họ sẽ gieo họa cho dân, cho nước và cho chính mình.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa
________________________
(1) Bài nói chuyện tại Lớp Nghiên cứu Chính trị khóa I, trường Đại học Nhân dân Việt Nam
(2) Thư Gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ, 25.5.1947
>> Nguyễn Thục Quyên: Khoa học gia trong top quyền lực của thế giới
>> TS. Vũ Duy Thức: Ấn tượng trí tuệ Việt ở thung lũng silicon
>> Trò chuyện với người được Google “tam cố thảo lư”
>> Dương Ngọc Thái: Từ Xóm Đẻ quận 4 đến Silicon Valley
>> Đặng Văn Lâm và niềm hạnh phúc lặng lẽ
>> Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều): “Giữ mình tự do làm điều mong muốn”