Luật Thanh tra cần đảm bảo nguyên tắc ở đâu có quản lý, ở đó có thanh tra

Chiều nay 26-5, Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Trong phần thảo luận, vấn đề nên hay không bỏ thanh tra cấp huyện được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Về mô hình tổ chức thanh tra huyện, quá trình thảo luận còn có 2 ý kiến. Ý kiến thứ nhất tán thành việc tiếp tục duy trì mô hình tổ chức thanh tra huyện và ý kiến thứ hai là không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện.

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Điểu Huỳnh Sangcho rằng, huyện là một cấp chính quyền quan trọng. Cơ quan thanh tra hiện nay không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp UBND thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổ chức thanh tra cấp huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài, tính đến nay gần 12 tuổi. Việc duy trì củng cố cơ quan thanh tra ở cấp huyện rất cần thiết, đảm bảo nguyên tắc chặt chẽ, ở đâu có quản lý ở đó có thanh tra. Cấp huyện cũng là cấp thực hiện công tác quản lý nhà nước và cấp của ngân sách. Đồng thời đảm bảo được sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh, cấp trung ương và bảo đảm sự phù hợp và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao cho thanh tra cấp huyện.

Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang

Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang đề nghị quy định rõ về biên chế tối thiểu và số phòng chuyên môn, nghiệp vụ của thanh tra cấp tỉnh. Vì thực tế hiện nay, số biên chế của thanh tra tỉnh mỗi nơi mỗi khác, như Bình Phước là rất thấp, chỉ 27 người không đảm bảo được những yêu cầu quy định trong Luật Thanh tra.

Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang phát biểu thảo luận dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) chiều 26-5

Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang phát biểu thảo luận dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) chiều 26-5

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ cơ cấu tổ chức hiện nay, tên cụ thể các phòng, ban của thanh tra tỉnh, tương xứng với chức năng, nhiệm vụ.

Theo các đại biểu, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã kế thừa các quy định hiện hành về tổ chức các cơ quan thanh tra nhà nước và thiết kế mô hình các cơ quan thanh tra cho phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên quy định chưa đủ mạnh, dễ chồng chéo.

Lần sửa đổi này, để chống chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, luật quy định mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có một kế hoạch thanh tra hằng năm do bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành. Kế hoạch thanh tra của bộ, ngành, địa phương được xây dựng trên cơ sở định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

Về chống chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước, dự thảo luật quy định cụ thể về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước phải có đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán hằng năm để có căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán hằng năm phải có sự trao đổi, thống nhất giữa Tổng thanh tra Chính phủ và Tổng kiểm toán Nhà nước.

Trần Thể

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/133487/luat-thanh-tra-can-dam-bao-nguyen-tac-o-dau-co-quan-ly-o-do-co-thanh-tra