Luật Thủ đô 2024: 'Bệ đỡ' vững chắc để ngành du lịch tiếp tục vươn mình

Luật Thủ đô 2024 đã quy định rõ về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và những ưu đãi trong lĩnh vực này. Luật được kỳ vọng sẽ trở thành điểm tựa vững chắc để phát triển du lịch Thủ đô cũng như khơi thông các nguồn lực quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Nhiều ưu đãi thúc đẩy phát triển du lịch

Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều, có nhiều quy định mang tính đột phá, đặc thù so với Luật Thủ đô năm 2012. Các chính sách của Luật đã cơ bản bám sát tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị, thể hiện được tính đặc thù, vượt trội, tạo nền tảng, cơ sở cho Thủ đô phát triển.

Riêng đối với ngành văn hóa, thể thao, du lịch, Luật Thủ đô 2024 đã dành riêng Điều 21 để quy định về phát triển các lĩnh vực này. Ngoài ra tại Điều 39, 41, 43 Luật Thủ đô 2024 cũng nêu rõ có những ưu đãi về văn hóa, thể thao, du lịch.

Cụ thể, trong luật đã nêu rõ đó ưu tiên các nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô; việc đầu tư các nguồn lực nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế từ đó thu hút, phát triển du lịch. Đồng thời phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống.

Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có nhiều quy định mang tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển du lịch Thủ đô trong đó nêu rõ những khu vực, di tích, di sản, công trình được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Cụ thể, Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các di sản văn hóa khác được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám (phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội).

Văn Miếu - Quốc Tử Giám (phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội).

Đặc biệt TP Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và các khu vực có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.

Khai thác tiềm năng văn hóa Thủ đô

Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, năm 2023, Hà Nội đã đón gần 25 triệu lượt khách du lịch (tăng 30,2% so với năm 2022; tăng 11,7% so với kế hoạch). Tổng thu từ khách du lịch đạt 93,41 nghìn tỷ đồng (tăng 142,5% so với năm 2022; tăng 13,83% so với kế hoạch).

Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt gần 14 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt 54.355 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023. Ước thực hiện cả năm 2024 ngành Du lịch Thủ đô thu hút được trên 27 triệu lượt khách.

Không dừng lại ở đó, du lịch Thủ đô ngày càng khẳng định dấu ấn đậm nét khi nhiều năm liên tiếp được vinh danh tại các giải thưởng du lịch uy tín quốc tế cũng như được truyền thông quốc tế đánh giá cao. Từ đó, giúp Hà Nội khẳng định được vị trí, vai trò và chỗ đứng của mình trên bản đồ du lịch trong nước, khu vực và quốc tế.

Trong năm 2025, Sở Du lịch đặt mục tiêu tạo bước tăng trưởng phát triển toàn diện du lịch Thủ đô Hà Nội đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và chất lượng khách du lịch đảm bảo tính bền vững.

Phấn đấu năm 2025, du lịch Hà Nội có tăng trưởng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng; giữ vững vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước; tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn; thu hút được trên 30 triệu lượt khách.

Để đạt được mục tiêu này, Luật Thủ đô 2024 được xem như “bệ đỡ” vững chắc cho ngành du lịch Thủ đô khai thác các giá trị, tài nguyên về văn hóa, cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời tạo tiền đề cho ngành du lịch xây dựng, phát triển những tour, tuyến du lịch mang tính đặc trưng của Thủ đô, qua đó thu hút du khách trong nước và quốc tế chọn Hà Nội làm điểm đến.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Sở Du lịch Hà Nội cần triển khai hiệu quả Luật Thủ đô 2024 khi Luật này có hiệu lực. Đồng thời cần cần tăng cường công tác tham mưu để UBND Thành phố đưa ra những chính sách, văn bản pháp lý vừa đúng vừa trúng nhu cầu mong muốn của ngành du lịch nói chung, doanh nghiệp nói riêng; khai thác tiềm năng văn hóa của Hà Nội phù hợp với nhu cầu du khách; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Hà Nội tới các thị trường quốc tế qua đó hút du khách đến Thủ đô.

Việt An

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/luat-thu-do-2024-be-do-vung-chac-de-nganh-du-lich-tiep-tuc-vuon-minh-444298.html