Luật Thủ đô 2024: phát huy tính đầu tàu của Thủ đô

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, nội dung rất quan trọng của Luật Thủ đô 2024 là phát huy tính đầu tàu của Thủ đô - nội dung về liên kết vùng, cho phép Thủ đô được sử dụng ngân sách của mình hỗ trợ các tỉnh có liên quan…

Thu hút các nguồn lực phát triển

Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh cho biết, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 28/6 và ngày 23/7 vừa rồi, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh công bố của Chủ tịch nước về Luật Thủ đô và một số luật khác.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, nội dung rất quan trọng của Luật Thủ đô 2024 là phát huy tính đầu tàu của Thủ đô - nội dung về liên kết vùng, cho phép Thủ đô được sử dụng ngân sách của mình hỗ trợ các tỉnh có liên quan… Ảnh: Lại Tấn

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, nội dung rất quan trọng của Luật Thủ đô 2024 là phát huy tính đầu tàu của Thủ đô - nội dung về liên kết vùng, cho phép Thủ đô được sử dụng ngân sách của mình hỗ trợ các tỉnh có liên quan… Ảnh: Lại Tấn

Luật Thủ đô được xây dựng trong bối cảnh Luật Thủ đô năm 2012 chưa giải quyết, đáp ứng được nhu cầu xây dựng, phát triển của Thủ đô, vùng Thủ đô. Do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung những cơ chế chính sách đặc thù. Các cơ chế chính sách đặc thù này được Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu ra và Luật Thủ đô lần này đã thể chế được toàn bộ yêu cầu của Nghị quyết 15 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Đáng lưu ý, trong Luật Thủ đô 2024 có rất nhiều nội dung phân quyền của các cơ quan T.Ư cho TP Hà Nội. Ví dụ như: cơ chế đầu tư, xây dựng đường sắt đô thị theo định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng, phát triển nông thôn. Trong khi, Luật Thủ đô năm 2012 không có nội dung phát triển nông thôn.

"Cùng đó, Luật Thủ đô 2024 quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc cấp phép có thời hạn. Đây là quy định mới hệ thống luật pháp hiện hành chưa đề cập đến” - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh thông tin.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Công Anh, Luật Thủ đô 2024 tiếp tục bổ sung các cơ chế đã có sẵn về tài chính như: huy động nguồn lực về tài chính và quy hoạch phát triển đô thị, phát triển giao thông. Đây là những nội dung đã được Luật Thủ đô năm 2012 đề cập nhưng lần này tiếp tục bổ sung và làm rõ hơn để có các điều kiện để phát triển.

Một góc TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Một góc TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Một nội dung rất quan trọng của Luật Thủ đô 2024 là phát huy tính đầu tàu của Thủ đô - nội dung về liên kết vùng, quy định cho Thủ đô được sử dụng ngân sách của mình hỗ trợ các tỉnh có liên quan và đầu tư ra các tỉnh xung quanh. Đây là những nội dung thể hiện rõ chính sách Thủ đô là đầu tàu của vùng cũng như cả nước để thu hút các nguồn lực phát triển.

Để các quy định của Luật Thủ đô đi vào cuộc sống

“Để triển khai Luật Thủ đô 2024, ngay từ khi diễn ra Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã quan tâm, chỉ đạo Sở Tư pháp - cơ quan được UBND TP Hà Nội giao tham mưu, đề xuất và tổng hợp các nội dung về Luật Thủ đô. Từ đó, đơn vị đã xây dựng kế hoạch chi tiết gửi lấy ý kiến các sở, ngành” - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Công Anh chia sẻ.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Công Anh, Luật Thủ đô 2024 có rất nhiều cơ chế, chính sách vượt trội so với các thể chế hiện hành, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển. Tuy nhiên, nếu chúng ta không thể chế hóa, không nỗ lực trong tổ chức thực hiện thì không phát huy được nhiều. Rút kinh nghiệm Luật Thủ đô 2012 quy định quá nhiều chính sách chung chung, mang tính định khung, khó áp dụng; tuy nhiên Luật Thủ đô lần này quy định rất cụ thể.

Chính vì vậy, trong kế hoạch có nội dung quán triệt các cơ quan Nhà nước trên địa bàn Thủ đô, công chức, người dân Thủ đô hiểu rõ các quy định của Luật Thủ đô, nỗ lực cùng nhau chung tay góp sức để hiện thực hóa vào chương trình của TP. Việc thể chế hóa các nội dung Luật Thủ đô được giao cho Chính phủ, các bộ, ngành, HĐND, UBND. Cùng đó, rà soát các văn bản của TP Hà Nội ban hành trước khi thi hành Luật Thủ đô 2024.

“Tất cả các sở, ngành phải rà soát, nếu chưa phù hợp phải điều chỉnh ngay hoặc ban hành mới. Khi các văn bản được ban hành, thực hiện thì hàng năm phải đánh giá để kịp thời điều chỉnh, làm sao để các quy định của Luật Thủ đô đi vào cuộc sống. Nếu chưa phù hợp, chúng ta phải đề xuất điều chỉnh ngay, nhất là các quy định chi tiết” - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh thông tin.

Với nhiều điểm mới và tiến bộ, Luật Thủ đô 2024, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, được đánh giá là hành lang pháp lý quan trọng để Hà Nội trở thành đầu tàu phát triển của cả nước. Việc Luật Thủ đô 2024 được thông qua không chỉ là tin vui lớn với chính quyền và Nhân dân Thủ đô, mà còn mang đến những kỳ vọng, mong mỏi về sự thay đổi mạnh mẽ, đáp ứng kỳ vọng của cả nước về một Thủ đô phát triển xứng tầm trong tương lai.

Bởi những cơ chế đột phá, đặc thù, vượt trội trong Luật sẽ góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế phát sinh trong thực tiễn, tạo cơ sở xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/luat-thu-do-2024-phat-huy-tinh-dau-tau-cua-thu-do.html