Luật Thủ đô 2024: phát triển giao thông thông minh trên địa bàn Hà Nội
Đại diện Trường Đại học Giao thông vận tải đề xuất, cần xây dựng cơ chế điều phối thống nhất giữa các sở, ban, ngành và các đơn vị quản lý vận hành đường sắt đô thị (ĐSĐT), Hệ thống giao thông thông minh (ITS), xe buýt... để bảo đảm triển khai hiệu quả hệ thống giao thông công cộng tích hợp; xây dựng kiến trúc tổng thể và bộ tiêu chuẩn cho hệ thống ITS của TP, bảo đảm tính liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các thiết bị và trung tâm điều hành hiện có.

Ảnh: Tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: N.M.
Phê duyệt đề án giao thông thông minh trên địa bàn TP
Ngày 11/12/2024, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn đã ký ban hành Quyết định số 6369/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn TP Hà Nội". Theo đó, Đề án nhằm mục tiêu định hướng phương án hình thành hệ thống giao thông thông minh cho TP Hà Nội theo từng giai đoạn cụ thể, trong đó có việc hình thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông chung của TP vào năm 2025; xác định được khung kiến trúc chung cho hệ thống giao thông thông minh, các chức năng chính cơ bản của hệ thống giao thông thông minh, chiến lược, nhiệm vụ và lộ trình phát triển hệ thống; định hướng các cơ chế chính sách trong quản lý, đầu tư, khai thác, vận hành hệ thống; phân công trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện.
Đối tượng nghiên cứu của đề án là Hệ thống giao thông vận tải TP Hà Nội, tập trung trước mắt vào loại hình giao thông đường bộ và ĐSĐT, đồng thời tích hợp từng bước các thông tin giao thông được cung cấp từ cảng hàng không, thủy nội địa trên địa bàn TP. Thời gian từ năm 2024 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu của từng giai đoạn: giai đoạn 1 (2025-2027): hình thành Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp vào năm 2025 với 09 chức năng: giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông (ứng dụng Hanoi Maps); điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý đỗ xe; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng. Lắp đặt thiết bị giao thông thông minh ngoại vi tại 55 nút và vị trí trên các tuyến vành đai 1,2,3 và các trục xuyên tâm bên trong vành đai 3. Vận hành thử nghiệm hệ thống giao thông thông minh.
Giai đoạn 2 (2028-2030): bổ sung thêm 03 chức năng Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp, gồm: quản lý vận tải; quản lý nhu cầu; mô phỏng giao thông. Mở rộng phạm vi triển khai lắp đặt các thiết bị của Hệ thống giao thông thông minh ITS (Intelligent Transport System - ITS) ngoại vi cho 150 nút và vị trí, bao phủ toàn bộ các tuyến vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, và các tuyến chính, trong đó số lượng camera là 1600 chiếc, 100VMS, 50 tủ điều khiển tín hiệu thích ứng. Nâng cao hiệu quả hệ thống giao thông thông minh.
Giai đoạn 3 (từ sau 2030): hoàn thiện, nâng cấp, mở rộng 12 chức năng của Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp đã hình thành trong giai đoạn trước. Mở rộng phạm vi lắp đặt các thiết bị của Hệ thống ITS ngoại vi cho toàn TP cho 300 nút và vị trí, bao phủ toàn bộ mạng lưới giao thông TP với 3000 camera, 100 tủ đèn tín hiệu thích ứng, 200 VMS.
Cơ sở pháp lý vững chắc để ứng dụng chuyển đổi số trong giao thông đô thị
Chia sẻ về phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông thông minh tại TP Hà Nội, đại diện Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, Hà Nội – trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, đồng thời là đô thị đặc biệt với quy mô dân cư và phương tiện lớn đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải phát triển hệ thống giao thông đô thị hiện đại, hiệu quả và bền vững. Trong đó, ĐSĐT và Hệ thống ITS được xác định là hai trụ cột chủ lực nhằm nâng cao năng lực vận tải công cộng, giảm thiểu ùn tắc, cải thiện môi trường và từng bước hình thành đô thị xanh – thông minh.
Trong bối cảnh đó, ngày 19/02/2025, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 188/2025/QH15 về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới ĐSĐT tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Luật Thủ đô 2024 đã được ban hành và các nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính Phủ về khoa học công nghệ (KHCN), chuyển đổi số và đường sắt đang tạo ra cơ sở pháp lý rất vững chắc để ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông đô thị, đặc biệt là ĐSĐT và giao thông thông minh tại TP Hà Nội.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ được phép bố trí vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, tối đa không vượt 215.350 tỷ đồng cho Hà Nội trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và 2031 – 2035. Việc phân bổ vốn có thể sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác. Cùng với đó, dự án ĐSĐT và dự án theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) được thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư (thiết kế FEED) mà không phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật liên quan.
Nghị quyết cho phép phát triển đô thị theo mô hình TOD, tức là quy hoạch, đầu tư cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị lấy điểm kết nối giao thông ĐSĐT làm trung tâm, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giảm phương tiện giao thông cơ giới cá nhân. Đây cũng là tinh thần được nêu rõ trong Luật Thủ đô 2024. Bên cạnh đó, Nghị quyết đề ra các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho việc vận hành và phát triển hệ thống ĐSĐT; trong đó ĐSĐT là lĩnh vực được đầu tư trọng tâm như lĩnh vực công nghệ cao.
Tiếp đó, Luật Thủ đô 2024 đã mở rộng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng KHCN. Luật cho phép TP được chủ động ban hành cơ chế khuyến khích, ưu đãi riêng để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển công nghệ, thiết bị, phần mềm điều khiển, hệ thống tín hiệu cho giao thông thông minh và ĐSĐT. Đồng thời, Hà Nội được phép thực hiện các mô hình thí điểm trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, kể cả khi chưa có quy định cụ thể của Trung ương, qua đó tạo "không gian thể chế" linh hoạt để đổi mới sáng tạo.
Đại diện Trường Đại học Giao thông vận tải đề xuất với UBND TP Hà Nội một số giải pháp như: xây dựng cơ chế điều phối thống nhất giữa các sở, ban, ngành và các đơn vị quản lý vận hành ĐSĐT, ITS, xe buýt... để bảo đảm triển khai hiệu quả hệ thống giao thông công cộng tích hợp; xây dựng kiến trúc tổng thể và bộ tiêu chuẩn cho hệ thống ITS của TP, bảo đảm tính liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các thiết bị và trung tâm điều hành hiện có.
Đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng ITS bao gồm camera giám sát, cảm biến, đèn tín hiệu thông minh, mạng truyền dẫn tốc độ cao, trung tâm dữ liệu và nền tảng phân tích dữ liệu giao thông theo thời gian thực. Mở rộng ứng dụng đèn tín hiệu thông minh theo cụm nút giao, thay vì thử nghiệm riêng lẻ, có đánh giá hiệu quả và lộ trình nhân rộng. Xây dựng nền tảng bản đồ số giao thông chuyên biệt, phục vụ điều hành giao thông, phát triển ứng dụng đô thị thông minh và hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin về giao thông công cộng.
"Phát triển giao thông đô thị bền vững, hiện đại là một yêu cầu tất yếu đối với Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn tới. Hệ thống ĐSĐT và giao thông thông minh, nếu được đầu tư đồng bộ, tích hợp hiệu quả và quản lý chuyên nghiệp, sẽ trở thành xương sống của mạng lưới giao thông công cộng, giúp thay đổi căn bản diện mạo giao thông đô thị, góp phần nâng cao năng lực thực thi, hiệu quả đầu tư và chất lượng sống cho người dân Thủ đô" - đại diện Trường Đại học Giao thông vận tải chia sẻ.
Luật Thủ đô 2024 tạo ra nhiều thuận lợi cho việc phát triển hệ thống ĐSĐT tại Hà Nội. Luật đã dành riêng Điều 31 để quy định về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), bao gồm các nội dung như quy hoạch hệ thống ĐSĐT và khu vực TOD, đầu tư phát triển ĐSĐT và các cơ chế thu phí giá trị thặng dư từ đất trong khu vực TOD. Tôi đặt rất nhiều kỳ vọng đối với chính sách phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn trong Luật Thủ đô 2024. Cơ chế này giao quyền cho TP Hà Nội được làm chủ, quyết định toàn bộ dự án ĐSĐT, giúp đẩy nhanh tiến độ.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đặng Huy Đông