Luật Thủ đô (sửa đổi): Kiểm soát ô nhiễm, phát triển tỉ lệ xanh đô thị

Các chuyên gia cho rằng, quỹ đất của các cơ quan đơn vị sau di dời nên chỉnh sửa thành ưu tiên sử dụng để phục vụ mục đích công cộng. Đồng thời, cần ưu tiên bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư vào các dự án xử lí chất thải sinh hoạt, xử lí ô nhiễm môi trường. Xây dựng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, phát triển tỉ lệ xanh trong xây dựng đô thị trên địa bàn Thủ đô.

Hình ảnh dòng nước ở sông Tô Lịch xanh mát hai bên bờ sông. Ảnh: Khánh Huy

Hình ảnh dòng nước ở sông Tô Lịch xanh mát hai bên bờ sông. Ảnh: Khánh Huy

Ưu tiên sử dụng để phục vụ mục đích công cộng

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS. Vương Quang Lượng, Trưởng phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho biết, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013.

Sau 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những cơ chế đặc thù được quy định trong Luật đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của TP Hà Nội, giúp TP chủ động trong công tác quy hoạch, xây dựng, thúc đẩy việc thu hút các nguồn lực, phát huy các tiềm năng, thế mạnh để khẳng định vị thế đầu tàu của cả nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, còn nhiều khó khăn vướng mắc, đòi hỏi phải sớm sửa đổi Luật này cho phù hợp điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Thủ đô. Bên cạnh đó, để thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là đưa Hà Nội phát triển văn hiến, văn minh, hiện đại, có chất lượng cuộc sống cao ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới, công tác xây dựng quy hoạch phát triển Thủ đô là hết sức cần thiết và giữ vị trí quan trọng.

Liên quan đến nội dung Chương III của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về công tác quy hoạch Thủ đô, TS. Vương Quang Lượng có một số góp ý. Trong đó, theo Điều 3 phần giải thích từ ngữ “Khu vực nội đô lịch sử” cơ bản bao gồm các khu vực thuộc quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Tây Hồ.

Do đó, tại khoản 1 Điều 20 có đưa ra “Trong khu vực nội đô lịch sử … không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp,….” nên loại bỏ đoạn này vì không cần thiết, trên thực tế 05 quận này chưa bao giờ có khu công nghiệp theo đúng nghĩa và hiện cũng không thể có trường hợp mở mới Khu công nghiệp trên địa bàn 05 quận này.

TS. Vương Quang Lượng đề nghị sắp xếp lại như sau: “1. Trong khu vực nội đô lịch sử không mở rộng diện tích sử dụng đất hiện có của các bệnh viện, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trụ sở chính hoặc địa điểm đào tạo ở khu vực nội đô lịch sử trước thời điểm Luật này có hiệu lực thì không được đặt địa điểm đào tạo trong khu vực nội đô lịch sử”.

Về khoản 3 Điều 20, có nêu quỹ đất của các cơ quan đơn vị sau di dời sẽ được ưu tiên sử dụng để xây dựng không gian công cộng. TS. Vương Quang Lượng cho rằng nên cân nhắc thêm ý này, vì nhiều cơ quan sau di dời sẽ còn các trụ sở, công trình xây dựng trên đất,… sẽ rất khó để hình thành các khu vực không gian như dự thảo.

Do đó, có thể điều chỉnh thành “ưu tiên sử dụng để phục vụ mục đích công cộng” sẽ phù hợp hơn. Còn về khoản 4 Điều 20, quy định về việc tổ chức thu hồi đất vùng phụ cận để sử dụng theo quy hoạch, có nên bổ sung quy định nhằm xóa bỏ tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo sau thu hồi?

Xây dựng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm

Cùng góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Nguyễn Quốc Phi, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng, tại Điều 33 về vấn đề đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kĩ thuật, cần ưu tiên bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư vào các dự án xử lí chất thải sinh hoạt, xử lí ô nhiễm môi trường sông, suối, hồ, ao, đầm có công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Xây dựng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, phát triển tỉ lệ xanh trong xây dựng đô thị trên địa bàn Thủ đô. Luật Bảo vệ môi trường (Điều 78. Xử lí chất thải rắn sinh hoạt) có quy định Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lí chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích đồng xử lí chất thải rắn sinh hoạt.

Về vấn đề phát triển và quản lí hạ tầng giao thông, cần hướng đến việc xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi và lộ trình thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng; lượng sạch; sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông; hỗ trợ cơ sở sản xuất trong khu dân cư, làng nghề khi thực hiện chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời ra khỏi khu dân cư, làng nghề; các yêu cầu riêng về bảo vệ môi trường làng nghề, làng nghề du lịch; biện pháp ưu đãi đầu tư thu gom, xử lí rác thải liên xã, liên huyện trên địa bàn Thủ đô và Vùng Thủ đô. Định hướng sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp Quốc gia và quy hoạch vùng. Trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 56, Điều 57) đã có quy định biện pháp bảo vệ môi trường ở đô thị, làng nghề...

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/luat-thu-do-sua-doi-kiem-soat-o-nhiem-phat-trien-ti-le-xanh-do-thi-371228.html