Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo động lực cho nông nghiệp phát triển theo hướng đô thị sinh thái

Thời gian qua, nông nghiệp giữ vai trò 'trụ đỡ' nền kinh tế Thủ đô, nhưng thực tế sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Vì vậy, khi dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, thành phố sẽ ban hành chính sách, cơ chế riêng cho ngành Nông nghiệp nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để nông nghiệp Hà Nội phát triển theo hướng đô thị sinh thái.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànôịmới có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường.

- Nông nghiệp Hà Nội có vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế Thủ đô như thế nào, thưa ông?

- Thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp như: Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn như: 35 vùng trồng lúa, 104 vùng trồng rau, 56 vùng trồng cây ăn quả, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 162 vùng chăn nuôi trọng điểm.

Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho giá trị kinh tế lớn. Một số nông sản của Hà Nội như: Nhãn chín muộn, gạo hữu cơ Đồng Phú (Chương Mỹ)... không những tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ... Nhờ đó, giá trị nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng mạnh, khoảng 3-3,5%/năm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường (áo trắng đứng giữa) tham quan mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp tại huyện Chương Mỹ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường (áo trắng đứng giữa) tham quan mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp tại huyện Chương Mỹ.

Ngoài ra, Hà Nội còn có vai trò chủ đạo trong vùng Thủ đô với 10 tỉnh, thành phố, quy mô không gian 24.000km2, dân số 20 triệu người, phần lớn sống ở khu vực nông thôn. Với kinh tế nông nghiệp là chính, nông nghiệp Thủ đô có ý nghĩa hạt nhân, là động lực lan tỏa trong vùng và toàn quốc.

- Bên cạnh kết quả đã đạt, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hà Nội tồn tại không ít hạn chế, cụ thể ra sao?

- Hiện nay, với gần 50% dân số sống ở ngoại thành, sản xuất nông nghiệp đang đáp ứng 20-70% nhu cầu lương thực, thực phẩm cho thành phố.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, năng suất, chất lượng, giá trị chưa cao, đầu tư sản xuất chưa đúng hướng; cơ cấu sản xuất chưa bền vững, chưa phù hợp điều kiện, đặc điểm tự nhiên của thành phố.

Cùng với đó, thiếu chính sách, pháp luật mở đường cho đổi mới và phát triển các mô hình tổ chức kinh tế nông thôn, đặc biệt là các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại huyện Thanh Oai cho giá trị kinh tế cao.

Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại huyện Thanh Oai cho giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, pháp luật về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp còn nhiều rào cản đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tổ chức sản xuất theo mô hình hiện đại, thông minh; sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi cung ứng.

Tình trạng nông dân bỏ hoang ruộng đất, không sản xuất... có chiều hướng gia tăng dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai; thiếu chính sách thu hút, huy động nguồn lực xã hội cho phát triển nông nghiệp sinh thái, bảo vệ môi trường nông thôn; việc ứng dụng công nghệ cao còn khiêm tốn; hạ tầng kinh tế - kỹ thuật cho nông nghiệp còn yếu kém...

- Để tháo gỡ khó khăn cho Hà Nội trong phát triển nông nghiệp, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề ra nhiều nhóm giải pháp nổi trội, đặc thù, trong đó có chính sách xây dựng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông thôn văn minh... Những điều kiện này dự báo tác động đến nông nghiệp, nông thôn Hà Nội như thế nào, thưa ông?

- Như tôi đã phát biểu tại nhiều cuộc họp về lấy ý kiến Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội cần xây dựng nông nghiệp theo hướng sinh thái, nhưng nông nghiệp sinh thái phải mang bản sắc riêng, vì là Thủ đô nên không giống các địa phương sản xuất nông nghiệp.

Do đó, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) ban hành về phát triển nông nghiệp sẽ mở ra “cánh cửa” mới cho nền nông nghiệp Thủ đô phát huy tiềm năng, lợi thế về nhân lực, khoa học công nghệ, vốn đầu tư, tạo bước đột phá, hướng vào mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn...

Hà Nội hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch.

Hà Nội hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch.

Đặc biệt, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra loạt giải pháp nhằm khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn lực từ đất đai cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, dự thảo Luật đề xuất giao Hà Nội được quyết định sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông để sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm.

Hà Nội cũng được phép chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và hoạt động sản xuất nông nghiệp khác.

Hà Nội cũng sẽ được quyền quyết định việc góp quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các trường hợp tập trung đất nông nghiệp để thực hiện sản xuất nông nghiệp; cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp các công trình phụ trợ bán kiên cố phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.

Nếu như Luật thông qua sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này; nông nghiệp Hà Nội sẽ phát triển, mang bản sắc riêng theo hướng liên kết, nâng cao giá trị sản phẩm; tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội xây dựng, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp.

Hơn nữa, bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hà Nội sẽ thay đổi rõ nét và sớm trở thành hình mẫu lý tưởng về phát triển nông nghiệp nông thôn, tạo môi trường sống lý tưởng...

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/luat-thu-do-sua-doi-tao-dong-luc-cho-nong-nghiep-phat-trien-theo-huong-do-thi-sinh-thai-647894.html