Luật Thủ đô tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Hà Nội

Trong Luật Thủ đô sửa đổi đã phân cấp rõ đối với dự án nào thì TP Hà Nội được quyền quyết định, và đặc biệt là vấn đề tự chủ thu - chi ngân sách đã được thể hiện rõ rệt. Đây là điều kiện rất thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô.

Sáng 25/9, báo Kinh tế & Đô thị, Sở Thông tin và Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững”.

TS Nguyễn Đức Kiên chia sẻ tại Tọa đàm.

TS Nguyễn Đức Kiên chia sẻ tại Tọa đàm.

Chia sẻ tại tọa đàm, TS Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng trong nhiều năm qua, Trung ương đã luôn quan tâm, ưu tiên dành cho Hà Nội nhiều điều kiện thuận lợi.

Đơn cử như năm 2008, Quốc hội khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-TW về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Đây là tiền đề giúp Hà Nội có được một không gian rộng mở để lập quy hoạch tổng thể, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong nhiệm kỳ 2011 - 2015, Quốc hội cũng đã ban hành Luật Thủ đô với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả Luật, mới đây Quốc hội tiếp tục có những sửa đổi và thông qua Luật Thủ đô năm 2024; tiếp tục thêm một điều kiện rất thuận lợi để Hà Nội phát triển.

TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Hà Nội cũng được Trung ương rất quan tâm, bố trí đầy đủ. Điều này là bởi Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế lớn của cả nước, đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Kinh tế Hà Nội đang có những bước phát triển vượt bậc.

Kinh tế Hà Nội đang có những bước phát triển vượt bậc.

Đội ngũ trí thức của Hà Nội không chỉ tập trung nhiều nhất, mà còn rất đa dạng về trình độ và lĩnh vực, không chỉ về kinh tế mà còn khoa học cơ bản, công nghệ kỹ thuật… Nguồn nhân lực dồi dào là cơ sở để Hà Nội phát triển đa ngành, đa lĩnh vực kinh tế.

Với những lợi thế về địa lý, nguồn nhân lực, cải cách hành chính, Hà Nội đã trở thành một trong 5 địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất trong hàng chục năm qua; cũng là 1 trong những nơi đi đầu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện, đội ngũ các DN có thể đáp ứng công nghiệp phụ trợ cho các DN FDI đã tăng vượt trội

Chia sẻ thêm liên quan đến Luật Thủ đô sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Luật đã khác biệt hóa được những vấn đề Hà Nội thí điểm đã thành công, và cả chưa thành công thì cũng giúp Hà Nội có đủ pháp lý.

“Trong Luật Thủ đô sửa đổi đã phân cấp rõ đối với dự án nào thì TP Hà Nội được quyền quyết định, và đặc biệt là vấn đề tự chủ thu - chi ngân sách đã được nâng lên rõ rệt” - TS Nguyễn Đức Kiên nhìn nhận.

Trong thảo luận để sửa Luật Thủ đô, các đại biểu rất quan tâm đến việc đặt con người vào hệ thống phát triển. Do đó, dù là phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số thì cũng đặt ra yêu cầu tạo điều kiện tối đa cho công dân…

Cũng theo TS Nguyễn Đức Kiên: “Chúng ta có thể thấy, trong đợt mưa lũ và bão số 3 vừa qua, cán bộ nhiều ngành Thủ đô đã năng động, linh hoạt hơn trong thực hiện nhiệm vụ, tự chịu trách nhiệm nhờ có hệ thống pháp lý giúp họ có thể vận dụng hiệu quả”.

Nói về phát triển bền vững, trên cở sở Luật Thủ đô sửa đổi, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng TP Hà Nội cần đưa ra được những quy định mà nếu muốn ở Thủ đô thì cần phải đáp ứng. Ví dụ, đơn giản như việc phân loại rác tại nguồn, tại chung cư thì cần đặt ra quy định cụ thể, không thể tùy tiện. Phải quản lý được từ những vấn đề nhỏ nhất để hướng đến phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.

Tùng Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/luat-thu-do-tao-dong-luc-thuc-day-phat-trien-kinh-te-ha-noi.html