Luật Thủ đô xây dựng cơ chế vượt trội, mở đường để phát triển Hà Nội
Chiều 25/7, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Quốc hội đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội và việc xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo một số Bộ ngành Trung ương.
Theo Chủ tịch UBND Thành phồ Hà Nội Trần Sỹ Thanh, ngay sau khi Quốc hội ban hành các Nghị quyết, Thành ủy Hà Nội đã chủ động, tích cực tổ chức triển khai với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo. Sau 1,5 năm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố đã triển khai bố trí 1.500 tỷ đồng hỗ trợ người dân, người lao động; thực hiện Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, thành phố đã thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy tại 175 UBND phường với 2.452 người.
Về xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, dự thảo Luật bám sát 9 nhóm chính sách, nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Hà Nội cần đẩy nhanh việc thực hiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Đồng thời, các chính sách trong dự thảo Luật đảm bảo kế thừa, phù hợp với các Nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng.
Làm rõ thêm các vấn đề mà lãnh đạo Quốc hội, các bộ, ngành quan tâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội sẽ tạo động lực mới nhằm giải quyết những vấn đề hiện nay Thủ đô đang vướng mắc.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định, việc thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) trong giai đoạn này là "thời cơ vàng" để Hà Nội phát triển khi thành phố đang Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và lập Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hoàng Hương -
Quang Sỹ