Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Cần quy định rõ nội dung cộng đồng dân cư bàn và quyết định

Ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là cần thiết nhằm cụ thể hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và phương châm 'dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng'; hướng đến xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định nội dung dân cư bàn và quyết định.

Nhấn mạnh cộng đồng dân cư là nơi tập trung của đa dạng, phong phú các trình độ nhận thức, văn hóa, chính trị, xã hội. Mỗi cá nhân đều có cách suy nghĩ, cách hiểu về luật pháp khác nhau, do vậy các đai biểu đề nghị ban soạn thảo cần quy định cụ thể các nội dung liên quan đến việc nhân dân bàn và quyết định.

Bà CHAMALEÁ THỊ THỦY - Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận: "Nếu việc quy định không rõ ràng các nội dung cộng đồng dân cư được bàn và quyết định thì khái niệm “các công việc khác” sẽ được hiểu theo cách khác nhau, dễ đi đến các quyết định trái pháp luật mà ngay cả cộng đồng dân cư cũng không nhận ra. Thực tế đã xảy ra các trường hợp "phép vua thua lệ làng", cộng đồng dân cư tự bàn và đưa ra các quyết định trái pháp luật, như lập rào chắn không cho các xe vận chuyển trong các tuyến đường thôn xóm hoặc thu các loại phí ngoài quy định, khi chính quyền cơ sở biết được thì có những sự việc đã đi quá xa, gây hậu quả cho xã hội. Do vậy, tại quy định này, tôi đề nghị cần phải nghiên cứu cụ thể về các công việc khác trong nội bộ của cộng đồng dân cư để bảo đảm cho nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp là bàn và quyết định theo Hiến pháp và pháp luật."

Các ý kiến cũng đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về cơ chế đảm bảo cho các quyết định của cộng đồng dân cư được thực thi trong thực tế, đồng thời, quy định về cơ chế xử lý mâu thuẫn về các ý kiến trái chiều trong việc biểu quyết thông qua các quyết định của cộng đồng dân cư.

Ông TRẦN QUỐC QUÂN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An: “Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu lại về tỷ lệ biểu quyết thông qua trong cộng đồng dân cư một cách phù hợp, đảm bảo đại bộ phận người dân thống nhất và cần quy định cụ thể trường hợp nào thì toàn thể cử tri, trường hợp nào thì cử tri đại diện hộ gia đình được tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương và tự nguyện thực hiện.”

Đồng thời, các ý kiến đề nghị cần quy định chế tài cụ thể đối với các hành vi sai trái, trách nhiệm của người đề xuất các vấn đề nội bộ của cộng đồng dân cư, trách nhiệm của chính quyền địa phương, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thực hiện : Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/luat-thuc-hien-dan-chu-o-co-so-can-quy-dinh-ro-noi-dung-cong-dong-dan-cu-ban-va-quyet-dinh