Luật Tư pháp người chưa thành niên: Tinh thần vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn

Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, nên xác định trẻ em là đối tượng giáo dục là chính chứ không phải trừng phạt là chính.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại tổ.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại tổ.

Nỗ lực của dự án Luật này là bằng mọi cách cứu các cháu ra khỏi trại giam, hạn chế tối đa các cháu phải vào trại, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói khi Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, sáng 8/6.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Công ước khuyến cáo tất cả các quốc gia thành viên phải có bộ luật riêng về tư pháp người chưa thành niên.

Ông Bình cho hay ASEAN chỉ còn 2 nước chưa có đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên, trong đó có Việt Nam.

“Mấy chục năm nay chúng ta chưa có luật này. Chúng ta đang có khoảng 10 đạo luật khác nhau đề cập đến việc này. Cách tiếp cận này cũng có ở nhiều quốc gia, nhưng người ta nhận thấy việc lấy hình phạt cho người lớn, quy trình tố tụng cho người lớn điều chỉnh một chút để áp dụng cho trẻ em là cách làm không hiệu quả”- Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu.

Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành luật, Chánh án Nguyễn Hòa bình cho hay thế giới quan niệm trẻ em chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, kinh nghiệm cuộc sống chưa có, kiến thức pháp luật chưa có, bộ não chưa hình thành một cách đầy đủ. Về mặt hành vi, khả năng kiểm soát các hành vi của trẻ kém hơn người trưởng thành, thường bốc đồng, thậm chí có lúc manh động.

Ông Bình phân tích, các cháu nhiều khi muốn thử nghiệm một hành vi nào đó, với kiến thức pháp luật chưa đầy đủ, có thể dẫn đến phạm tội. “Ở lớp cãi nhau một cái, lấy gậy đánh nhau, các cháu không ý thức được mình đang phạm tội. Hay như đua xe gây rối trật tự, vào siêu thị bốc cái nọ cái kia ăn mà không biết mình đang phạm tội trộm cắp”.

Vẫn theo phân tích của Chánh án, do kiến thức pháp luật không có nên khi phạm tội đối mặt với hệ thống tư pháp nặng nề, các cháu dễ bị tổn thương.

“Điều một số cơ quan băn khoăn, chúng ta nhân văn quá với các cháu thì có phải thả tội phạm ra đường không”, Chánh án nêu vấn đề và nói tiếp: nhiều nước nghiên cứu nếu các cháu phạm tội cho vào trại luôn chỉ làm các cháu chai sạn với nhà tù, dễ tái phạm. Nhiều nước áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, với tinh thần cứu các cháu khỏi nhà tù, tỷ lệ phạm tội giảm khoảng 85%.

Theo người đứng đầu ngành tòa án việc xử lý các cháu về mặt tư pháp phải sử dụng tới 10 đạo luật thì rất khó khăn cho các cơ quan tư pháp, do đó rất cần tích hợp vào một đạo luật riêng để xử lý chuyên biệt, “vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn”.

Đáng chú ý, Chánh án thông tin, đạo luật quán triệt tinh thần với một số tội phạm như tội phạm xâm phạm nghiêm trọng về tính mạng như giết người, hay sản xuất ma túy không được khoan hồng.…

Những chính sách nhân văn cũng được thể hiện trong đạo luật, như với các cháu không được tuyên tử hình, chung thân, mức án ít hơn nhiều so với người trưởng thành khi phạm cùng một tội danh, hay thời hạn điều tra với các cháu ngắn hơn so với người lớn.

Phát biểu thêm sau khi nghe ý kiến thảo luận, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu lại, nhiều nước khi đưa luật tư pháp người chưa thành niên vào thi hành, tội phạm hình sự người chưa thành niên giảm xuống chứ không tăng.

Giải thích “cái lý” tại sao tội phạm người chưa thành niên giảm, Chánh án cho rằng nên xác định trẻ em là đối tượng giáo dục là chính chứ không phải trừng phạt là chính.

“Không phải cốt sao phạt thật là nặng, đó không phải mục tiêu. Chúng ta cứ coi như là con cháu chúng ta, nếu hư, chúng ta dỗ dành. Nhà tù không bao giờ được coi là môi trường giáo dục tốt cả. Con cháu chúng ta, chúng ta đưa vào trường chuyên, lớp chọn; nhưng nếu các cháu hơi có lỗi gì đấy thì sử dụng biện pháp nhà tù, đấy không phải cách làm của chúng ta”- Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Ông Bình cho rằng không nên coi trừng phạt thật nặng với các cháu để bảo đảm tính răn đe. Với người trưởng thành, quan điểm này có thể đúng, nhưng người lớn lấy quan điểm này ra áp dụng với trẻ em là sai lầm.

Nỗ lực của dự án Luật này là bằng mọi cách cứu các cháu ra khỏi trại giam, thay vào đó là áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng (cảnh cáo, xin lỗi, đi học tập…), để hạn chế mức tối đa các cháu không phải vào trại, theo Chánh án.

“Khi vào trại, tâm lý rất nặng nề, phần đời còn lại rất khó khăn. Nếu bị giam chung với người lớn thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Roi vọt, trại giam sẽ làm các cháu trở lên chai sạn với hình phạt. Từ việc làm quen như vậy, các cháu sẽ không còn sợ nữa”- ông Bình nêu lý do thế giới chứng minh vì sao tội phạm (người chưa thành niên) không tăng khi có đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên.

“Chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt đưa vào nhà tù khi không còn giải pháp nào khác. Đó là biện pháp cuối cùng. Đừng có hy vọng tù thật nhiều, phạt thật nhiều các cháu thì tình hình tội phạm sẽ giảm. Đừng có nghĩ xử thật nhiều, thật nghiêm sẽ làm cho tình hình tốt hơn. Không nên nghĩ như thế. Đó là quan niệm sai”, Chánh án tỏ rõ quan điểm.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/luat-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-tinh-than-vua-nghiem-khac-vua-nhan-van-d217163.html