Luật Việc làm: Lao động Việt Nam từ 16 tuổi trở lên được đăng ký lao động
Luật Việc làm năm 2025 quy định, tất cả lao động Việt Nam từ 16 tuổi trở lên đều được đăng ký lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là nền tảng để xây dựng cơ sở dữ liệu lao động quốc gia.
Bổ sung quy định về phát triển sàn giao dịch việc làm quốc gia
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương, Luật Việc làm năm 2025 đã kế thừa các quy định được thực hiện có hiệu quả từ Luật Việc làm năm 2013, sửa đổi các quy định không còn phù hợp, trọng tâm là bổ sung các quy định nhằm thể chế hóa 4 nghị quyết đột phá - "bệ đỡ trụ cột" đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Luật đã thiết kế theo hướng quy định rõ ràng, thực chất, ngắn gọn, chỉ quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội, bám sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương phát biểu. Ảnh: H.Ngọc
Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực thực thi.
Không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ mà giao Chính phủ quy định theo thẩm quyền để linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết do tính chất đa dạng, phức tạp, biến đổi liên tục của việc làm. Quy định này cũng nhằm tạo thuận lợi cho việc phân cấp, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, hướng tới thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Luật đã bổ sung quy định về đăng ký lao động, làm cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, có sự kết nối, cập nhật, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết, theo Luật năm 2025, tất cả lao động Việt Nam từ 16 tuổi trở lên đều được đăng ký lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là nền tảng để xây dựng cơ sở dữ liệu lao động quốc gia.
“Đây là căn cứ để hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động. Từ đó, có thể nắm được trong 5 năm tới, nước ta có bao nhiêu lao động tham gia, bao nhiêu lao động thất nghiệp. Hệ thống dữ liệu cũng sẽ giúp phân tích, dự báo thị trường lao động”, Cục trưởng Vũ Trọng Bình nêu rõ.
Luật cũng sửa đổi các quy định hướng tới xây dựng, quản trị và vận hành hệ thống thông tin thị trường lao động tập trung, thống nhất, đa tầng, đa lĩnh vực, được cập nhật thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ.
Bổ sung quy định về phát triển sàn giao dịch việc làm quốc gia, chính sách khuyến khích phát triển kỹ năng nghề, tạo việc làm trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh… Những quy định này nhằm góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần quản lý được nguồn nhân lực quốc gia và điều tiết, kết nối cung - cầu lao động trong và ngoài nước.
Cục trưởng Cục Việc làm cũng cho biết, “Bộ Nội vụ được giao thử nghiệm vận hành sàn giao dịch việc làm quốc gia, dự kiến tháng 9 tới sẽ khai trương. Đây sẽ là cơ sở giúp doanh nghiệp kết nối với người lao động. Các doanh nghiệp dịch vụ tư nhân có dữ liệu cũng có thể kết nối với sàn này, để bảo đảm tính đồng bộ. Hiện nay, kết nối của chúng ta còn mang tính thủ công, trực tuyến qua các phần mềm chứ chưa có hệ thống kết nối hiện đại như các nước”.
Mở rộng công nhận kỹ năng nghề
Thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Luật Việc làm năm 2025 đã sửa đổi, bổ sung các quy định về cho vay giải quyết việc làm (bao gồm hỗ trợ tạo, duy trì, mở rộng việc làm trong nước và hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) theo hướng mở rộng đối tượng, đa dạng hóa cơ chế huy động nguồn lực, nhằm tạo cơ hội cho người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là người lao động, cơ sở kinh doanh nhỏ và vừa tại khu vực nông thôn, các đối tượng yếu thế, đặc thù được vay vốn duy trì, mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, thi đua làm giàu, góp phần xây dựng đất nước.
Đồng thời, sửa đổi quy định tạo thuận lợi cho khu vực tư (doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm) thành lập và hoạt động; bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh, tăng cường sự phối hợp công - tư trong hoạt động dịch vụ việc làm.
Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Luật đã sửa đổi các quy định liên quan về khung trình độ, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia... đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và cập nhật với tiêu chuẩn, trình độ kỹ năng nghề của khu vực, thế giới.
Cụ thể hóa các nội dung về phát triển kỹ năng nghề và bổ sung quy định về các đối tượng yếu thế, đặc thù được Nhà nước hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.
Cục trưởng Vũ Trọng Bình khẳng định, Luật lần này đã có thay đổi lớn về kỹ năng nghề, mỗi người lao động dù tự đào tạo, tự thực hành nhưng vượt qua sát hạch thì được công nhận kỹ năng nghề.
“Hiện có 1 triệu người lao động có thực hành rất tốt nhưng không được thừa nhận, không có chứng chỉ kỹ năng nghề. Việc mở rộng công nhận kỹ năng nghề sẽ thúc đẩy người dân tự học, doanh nghiệp đào tạo gắn với thực hành, khi có chứng chỉ thì người lao động có khả năng nâng cao mức lương, thu nhập”, Cục trưởng khẳng định.
Luật Việc làm 2025 cũng đã sửa đổi quy định nhằm tạo điều kiện cho tất cả lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài được vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề, chi trả các chi phí... góp phần thúc đẩy đưa lao động có tay nghề đi làm việc tại các thị trường có thu nhập cao, an toàn.
Luật giao Chính phủ quy định về điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức dịch vụ việc làm công nhằm tiếp tục phát triển hệ thống thiết chế về dịch vụ việc làm trong khu vực công (tổ chức dịch vụ việc làm công) bảo đảm cung cấp dịch vụ việc làm miễn phí (tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động) cho người lao động; quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; các trình tự, thủ tục thực hiện các chính sách; giao HĐND cấp tỉnh quyết định việc ủy thác nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội...
Đáng chú ý, Luật mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng cường diện bao phủ chính sách và phù hợp với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (tối đa bằng 1% tiền lương tháng).
Thực hiện đơn giản hóa điều kiện, giảm thủ tục hành chính cho người lao động và người sử dụng lao động trong tiếp cận và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (như tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động).
Luật hiệu lực thi hành ngày 1/1/2026.