Lực bán mạnh quay lại thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV, ngày giao dịch hôm qua (28/8), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đứng trước áp lực bán mạnh.

Trên thị trường năng lượng, giá của 4 trên 5 mặt hàng đồng loạt giảm, trong đó giá dầu nối dài đà suy yếu trong bối cảnh số liệu tồn kho của Mỹ giảm ít hơn so với kỳ vọng. Sắc đỏ cũng xuất hiện trên bảng giá nguyên liệu công nghiệp ở mặt hàng đường thô, bông và ca cao. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm 1,04% xuống 2.136 điểm.

Thị trường năng lượng “rực đỏ”, giá dầu tiếp tục suy yếu

Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/8, ngoại trừ khí tự nhiên, toàn bộ mặt hàng còn lại trong nhóm năng lượng đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, giá dầu thế giới nối dài đà suy yếu trong bối cảnh số liệu tồn kho của Mỹ giảm ít hơn so với kỳ vọng cùng với áp lực trong bài toán tăng trưởng nhu cầu. Kết phiên giá dầu thô Brent giảm 1,13%, xuống 78,65 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giảm 1,01 USD, tương đương 1,34%, xuống mức 74,52 USD.

Cụ thể, theo báo cáo đến từ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô thương mại của nước này trong tuần kết thúc ngày 23/8 giảm 846.000 thùng, mức giảm thấp hơn so với kỳ vọng giảm 2,3 triệu thùng của thị trường. Bên cạnh đó, tồn kho xăng giảm 2,2 triệu thùng, ở chiều ngược lại tồn kho nhiên liệu chưng cất tăng nhẹ 275.000 thùng.

Trước đó, báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ (API) đã chỉ ra rằng tồn kho của Mỹ trong cùng thời điểm thậm chí còn giảm 3,4 triệu thùng. Số liệu từ EIA thấp hơn kỳ vọng của thị trường cũng như công bố trước đó của API qua đó đã gây ra áp lực lên thị trường.

Hơn nữa, lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm của Trung Quốc làm giảm nhu cầu cũng tiếp tục đè nặng lên giá dầu. Dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế nước này đang gặp khó khăn và nhu cầu dầu của các nhà máy lọc dầu không cao. Bức tranh ảm đạm từ Trung Quốc tiếp tục xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư trên thị trường.

Thêm vào đó, theo dữ liệu theo dõi tàu do Bloomberg tổng hợp, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga đã tăng trở lại mức cao nhất trong gần hai tháng, được thúc đẩy bởi sự phục hồi trong các chuyến hàng từ dự án Sakhalin. Xuất khẩu dầu thô trung bình 4 tuần của nước này đã tăng lên 3,26 triệu thùng/ngày trong tuần tính đến ngày 25/8, tăng 60.000 thùng/ngày so với giai đoạn trước. Tính theo tuần, xuất khẩu bằng đường biển của Nga đã tăng 390.000 thùng mỗi ngày đạt 3,35 triệu thùng, mức cao nhất trong ba tuần.

Bất chấp sản lượng giảm, giá đường thô thế giới vẫn đi xuống

Ngày giao dịch hôm qua, thị trường nguyên liệu công nghiệp diễn biến giằng co. Kết phiên, nhiều mặt hàng giảm giá. Trong đó, giá đường thô quay đầu giảm 0,41% sau 5 phiên tăng liên tiếp dù cho sản lượng đường giảm so với cùng kỳ. Tập đoàn công nghiệp mía đường UNICA báo cáo sản lượng đường trong nửa đầu tháng 8 tại Trung Nam - vùng sản xuất lớn nhất của Brazil đạt 3,11 triệu tấn, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trước đó, khảo sát do S&P Global Commodity Insights thực hiện cho thấy sản lượng đường ở mức 3,29 triệu, giảm 5,2% so với nửa đầu tháng 8/2023.

Giá bông giảm phiên thứ ba liên tiếp, chủ yếu do sự khởi sắc của chỉ số Dollar Index và sự suy yếu của giá dầu thô trong phiên hôm qua. Trong thời gian bông giao dịch, chỉ số Dollar Index tăng mạnh gần 1%, đồng USD mạnh lên và giá bông đắt đỏ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí tăng làm hạn chế lực mua trên thị trường.

Bên cạnh đó, giá dầu giảm hơn 1%, khiến giá Polyester, sản phẩm thay thế của bông tự nhiên được sản xuất từ dầu thô rẻ hơn. Điều này cũng kéo theo giá bông đi xuống, góp phần vào đà giảm trong phiên hôm qua.

Sau khi chạm mốc cao kỷ lục trong vòng hơn hai tháng, giá ca cao đã hạ nhiệt vào hôm thứ Ba (27/8). Đóng cửa ngày hôm qua, giá mặt hàng này tiếp tục giảm hơn 1%.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/luc-ban-manh-quay-lai-thi-truong-hang-hoa-nguyen-lieu-the-gioi-20240829080423213.htm