Lực đẩy liên kết vùng giúp nâng tầm nông sản Việt
Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc được tổ chức tại TP Hạ Long đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023) thu hút hàng ngàn người tới tham quan, mua sắm. Cùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới, OCOP đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần tạo ra sản phẩm có chất lượng phục vụ du lịch, dịch vụ và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, mang lại thu nhập cao cho cộng đồng dân cư nông thôn.
Trong không khí tưng bừng, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023), lễ khai mạc Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra sôi động, thu hút hàng nghìn lượt người tới tham quan, mua sắm.
Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc năm nay được tổ chức với 309 gian hàng; trong đó có 110 gian hàng đến từ các doanh nghiệp, đơn vị trong tỉnh; 185 gian hàng đến từ 37 tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng tỉnh Quảng Ninh đem đến Hội chợ 334 sản phẩm OCOP, với 244 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 86 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao. Cùng với đó là không gian triển lãm các sản phẩm của ngành than, ngành điện, của các doanh nghiệp chủ lực. Qua đó, khẳng định Quảng Ninh là trung tâm sản xuất nhiệt điện, sản xuất than, trung tâm sản xuất vật liệu xây dựng của quốc gia.
Video phóng viên ghi nhận không khí Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc tại TP Hạ Long:
Để có được thương hiệu OCOP Quảng Ninh như ngày nay, phải kể đến thời điểm cách đây 10 năm (năm 2013), chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (hay còn gọi là OCOP) được khởi động tại tỉnh Quảng Ninh. Lúc này, lãnh đạo tỉnh đã xác định rõ, đây là chương trình phát triển kinh tế quan trọng theo hướng nội sinh, có sự liên kết chặt chẽ, bền vững giữa người sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Từ đó "thương hiệu" OCOP đã trở thành người bạn đồng hành của người nông dân, góp phần nâng tầm giá trị các sản phẩm truyền thống của tỉnh Quảng Ninh, tạo thêm nhiều việc làm, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ phát triển ngành du lịch.
Nâng tầm nông sản từ sự đầu tư liên kết sản xuất vùng
Tại huyện Ba Chẽ, ngay khi triển khai đề án OCOP, các hộ trồng trà đã chủ động liên kết với Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh và Hợp tác xã (HTX) Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ để xây dựng vùng trồng, chế biến, bao tiêu sản phẩm. Tính đến cuối năm 2023, diện tích trồng cây trà hoa vàng của huyện Ba Chẽ hiện đã mở rộng đến 230 ha, sản lượng thu hoạch hoa trà tươi bình quân đạt 20 tấn/năm, lá trà tươi là 65 tấn/năm. Doanh thu từ cây trà hoa vàng hàng năm mang lại cho người dân huyện Ba Chẽ hơn 20 tỷ đồng.
Việc chủ động tham gia liên kết sản xuất các tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các hộ dân kính doanh đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến, đóng gói, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu, tính cạnh tranh trên thị trường của sản phẩm.
Đại diện Công ty cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh cho biết: Từ những hộp đóng gói sản phẩm còn sơ sài, chưa bắt mắt, chúng tôi chủ động đầu tư máy móc hiện đại, thay đổi mẫu mã, tạo mã QR, logo thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử... và đưa ra những thay đổi mang tính chiến lược để sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ tạo được ấn tượng sâu sắc hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Việc hình thành liên kết sản xuất thông qua mô hình HTX đã và đang mang lại nhiều cơ hội cho thương hiệu sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui (huyện Tiên Yên). Sản phẩm này được Hội Nông dân tỉnh tôn vinh là "Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh năm 2023" và đang được xếp hạng OCOP 4 sao.
Nhớ lại thời điểm năm 2015, đứng trước nguy cơ suy giảm về chất lượng, các hộ chăn nuôi vịt biển đẻ trứng tại xã Đồng Rui đã thống nhất hình thành HTX để vực lại vị thế của thương hiệu trứng vịt biển Đồng Rui. Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến cho biết: Khởi điểm, HTX chỉ có 7 thành viên, là các hộ chăn nuôi vịt biển lấy trứng. Đến nay, HTX đã có 25 thành viên tham gia. Để trứng vịt biển đồng nhất về chất lượng, HTX đã đưa ra quy trình chăn nuôi riêng, hỗ trợ từ cung ứng con giống, thức ăn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống bệnh, tiêm vaccine... đến bao tiêu sản phẩm. Các hộ tham gia vào quá trình chăn nuôi, thu hoạch.
Tính đến hiện tại, sản phẩm OCOP trứng vịt biển Đồng Rui đang có được đầu ra ổn định tại các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng thực phẩm, nông sản sạch trong tỉnh và các địa phương lân cận như Hà Nội, Hải Phòng... Ngoài ra, sản phẩm còn được đưa vào bếp ăn của các công ty than trên địa bàn tỉnh với lượng tiêu thụ khoảng 7.000 quả/ngày.
Tại huyện Bình Liêu, việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP được huyện thực hiện đồng bộ, xuyên suốt. Bình Liêu hiện có 27 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó có 17 sản phẩm được xếp hạng sao với 16 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao và 1 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao. Chỉ riêng với sản phẩm miến dong, Bình Liêu hiện có 5 cơ sở đăng ký tham gia chương trình OCOP, trong đó sản phẩm của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu là sản phẩm duy nhất đạt chứng nhận 4 sao. Hiện sản phẩm đã vươn ra khỏi thị trường trong nước để xuất khẩu.
Huyện Đầm Hà đã chú trọng khai thác thế mạnh địa phương, thay đổi tập quán sản xuất, xây dựng thương hiệu cho nông sản đặc trưng. Tính đến tháng 6/2023, huyện Đầm Hà có 31 sản phẩm của 21 cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP; trong đó có 5 sản phẩm được công nhận đạt 4 sao, 11 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao. Các sản phẩm được quan tâm về mẫu mã, bao bì, kiểm soát chặt chẽ trong quá trình sản xuất, nên chất lượng được nâng cao, từng bước có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, được đưa vào tiêu thụ ở các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh, sàn thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng như: gà bản Đầm Hà, dưa lưới Đầm Hà, trứng vịt biển Tân Bình, rượu sim Quý Chuẩn...
Để tạo được sự liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, nhiều hoạt động hợp tác liên kết vùng đã được tỉnh thực hiện. Nổi bật là đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thông, giao thương, buôn bán. Điển hình như việc Quảng Ninh đã cùng với các địa phương: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên ký cam kết hình thành trục cao tốc phía Đông, hình thành chuỗi kinh tế liên kết; đẩy mạnh phối hợp với Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh trong việc cải thiện, đồng bộ và nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông liên kết vùng; hoàn thành xây dựng cầu Triều kết nối thị xã Đông Triều với huyện Kinh Môn (Hải Dương); cải tạo nâng cấp đoạn nối đường tỉnh 345 (Quảng Ninh) với đường tỉnh 398 (Hải Dương)...
Hạ tầng giao thông đi trước, đồng bộ và thuận lợi đã giúp nông sản sớm đến tay người tiêu dùng. Để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm bảo đảm bền vững, hiệu quả, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm... cũng được tỉnh đẩy mạnh trên cơ sở đổi mới, hợp tác, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng với xúc tiến trong nước, các hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục được tỉnh Quảng Ninh thực hiện triệt để, với nhiều hoạt động như: Chương trình xúc tiến OCOP tại các Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc, Hội chợ Thương mại Du lịch quốc tế Việt - Trung... hay mở rộng xúc tiến vào các thị trường nước ngoài cụ thể như: Lào, Campuchia, Thái Lan...
Đưa nông sản Việt Nam lên sàn thương mại điện tử
Mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh của ngành nông nghiệp, tuy nhiên, người nông dân thường ít có lựa chọn đầu ra cho sản phẩm của mình, dẫn đến phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái để tiêu thụ. Do đó tỉnh Quảng Ninh xác định hướng hỗ trợ nông dân bằng cách đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), giúp người dân tận dụng sự phát triển của công nghệ số nhằm mở rộng mô hình cũng như đa dạng loại hình kinh doanh.
Hiện tỉnh Quảng Ninh có khoảng 30 trung tâm và điểm bán hàng OCOP; tại các dự án khu dừng nghỉ du lịch đều kết hợp giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng Ninh. Các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đã được đưa lên sàn thương mại điện tử như Postmart.vn và Voso.vn. Ngoài ra, những sàn thương mại điện tử lớn hiện nay như: Tiki, Lazada, Sendo... cũng đã phối hợp Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhiều buổi giới thiệu, hướng dẫn các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã cách thức đưa sản phẩm lên sàn.
Việc các sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước có thể mua sản phẩm OCOP Quảng Ninh một cách thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi khi có nhu cầu và mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Để nâng tầm thương hiệu nông sản, tỉnh Quảng Ninh tích cực đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý và tổ chức giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP gắn với địa phương, tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản bền vững.
Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, có khoảng 8 đến 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia; bảo đảm 100% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử, hoặc có mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc; xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử.
Cùng với xúc tiến trong nước, các hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục được tỉnh Quảng Ninh thực hiện triệt để, với nhiều hoạt động, như: Chương trình xúc tiến OCOP tại các Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc, Hội chợ Thương mại Du lịch quốc tế Việt-Trung... hay mở rộng xúc tiến vào các thị trường nước ngoài cụ thể như: Lào, Campuchia, Thái Lan...
Tỉnh Quảng Ninh hiện có 334 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao, cùng nhiều nông sản, thủy sản phong phú, đa dạng. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của các loại hình thương mại, giao thương, hoạt động kết nối, tạo liên kết để tiêu thụ sản phẩm là khâu cực kỳ quan trọng và đóng vai trò rất lớn trong việc dẫn dắt, giúp doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường.
Hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có 566 sản phẩm thuộc sáu nhóm tham gia chương trình OCOP; trong đó, có 336 sản phẩm đạt từ ba đến năm sao (ba sản phẩm đạt năm sao cấp Trung ương, 87 sản phẩm đạt bốn sao và có 246 sản phẩm đạt ba sao). Đặc biệt, toàn tỉnh có 219 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP, với 54 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 78 hộ sản xuất. Quảng Ninh phấn đấu đến hết năm 2025, có khoảng từ tám đến 10 sản phẩm OCOP đạt năm sao cấp quốc gia; 100% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử, hoặc có mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc và xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.