Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở: 'Cánh tay nối dài' của công an cấp xã
Ngày 1/7 tới, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở có hiệu lực pháp luật. Công an tỉnh Bắc Giang đang chuẩn bị các điều kiện để triển khai thi hành luật, đồng thời tổ chức lễ ra mắt hoạt động của các tổ bảo vệ ANTT ở các thôn, tổ dân phố (TDP) đúng ngày 1/7.
Thống nhất 3 lực lượng
Trong điều kiện hiện nay, việc bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ mang lại những tác động tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về ANTT. Tại Bắc Giang, nhiều xã có diện tích rộng, dân cư đông nên cần thiết sử dụng lực lượng này để hỗ trợ Công an cấp xã bao quát và bám sát hết địa bàn; chủ động, kịp thời nắm bắt, giải quyết ngay tại chỗ các vụ việc liên quan đến ANTT.
Trên địa bàn tỉnh đang duy trì hoạt động của 3 lực lượng hỗ trợ công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gồm: Công an viên bán chuyên trách (2.000 đồng chí), bảo vệ dân phố (108 đồng chí), dân phòng (21.995 thành viên). Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, biên chế, tổ chức, trang phục, phương tiện, chế độ, chính sách... đối với các lực lượng nêu trên, qua đó đã phát huy hiệu quả thiết thực trong tham gia bảo đảm ANTT, phòng cháy chữa cháy.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động hiện nay sẽ thống nhất công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và tổ trưởng, tổ phó dân phòng thành một lực lượng có tên gọi là "Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở". Nhiệm vụ của các lực lượng này sau khi được kiện toàn bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là tham gia hỗ trợ lực lượng công an cấp xã trong công tác bảo đảm ANTT, không trùng lặp với nhiệm vụ của công an cấp xã và chính quyền cơ sở.
Luật quy định lực lượng này có 6 nhóm nhiệm vụ, bao gồm: Hỗ trợ nắm tình hình về ANTT; hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; hỗ trợ tuần tra bảo đảm ANTT, an toàn giao thông và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động.
Theo kết quả khảo sát đến tháng 1/2024, toàn tỉnh có 2.411 người hoạt động không chuyên trách; 1.531 công an xã bán chuyên trách và 51 bảo vệ dân phố đang kiêm nhiệm chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội Dân phòng và được hưởng 100% phụ cấp kiêm nhiệm ANTT ở cơ sở. Căn cứ quy định tiêu chuẩn về lý lịch, trình độ văn hóa, sức khỏe, lòng nhiệt tình... của người được tuyển chọn tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, công an các địa phương đã tích cực tham mưu lựa chọn thành viên tham gia.
Thượng tá Nguyễn Văn Duân, Trưởng Công an huyện Lục Ngạn cho biết: Dự kiến toàn huyện có 984 thành viên tham gia lực lượng ANTT ở cơ sở. Do địa bàn rộng, có tới 48% người dân tộc thiểu số sinh sống, một số công an bán chuyên trách chưa học hết bậc THCS; có người sức khỏe không đáp ứng được tuần tra ban đêm, truy bắt tội phạm... Vì vậy trên cơ sở quy định của Luật và hướng dẫn của Công an tỉnh, Công an huyện lựa chọn thành viên bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế.
Tại huyện Lục Ngạn, thôn Lim, xã Giáp Sơn là thôn duy nhất có 538 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu, đủ điều kiện thành lập tổ ANTT với 5 thành viên. Thôn có quốc lộ 31 đi qua, có chợ truyền thống tập trung nhiều người buôn bán nông sản; có 60 hộ thuộc dự án di dân tái định cư Trường bắn Quốc gia khu vực 1.
Ông Vũ Văn Tiến (SN 1960), Phó Trưởng thôn, công an viên được giao làm tổ trưởng cho biết: “Trước đây thôn chỉ có 1 công an viên, thực hiện Luật mới thôn có 5 người, hy vọng sẽ bảo đảm tốt tình hình ANTT. Bản thân tôi có hơn 30 năm công tác trong lực lượng công an xã, mặc dù tuổi cao nhưng được chi bộ, ban quản lý thôn tin tưởng, tín nhiệm nên tôi vẫn nhiệt tình tham gia. Tôi sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Bảo đảm chế độ chính sách, điều kiện làm việc
Toàn tỉnh có 2.128 thôn, TDP; theo quy định mỗi thôn, TDP được thành lập 1 tổ bảo vệ ANTT. Về số lượng, đối với thôn, TDP dưới 350 hộ được bố trí 3 thành viên; từ 350 hộ đến dưới 500 hộ được bố trí 4 thành viên; từ 500 hộ trở lên (địa bàn rộng, dân số đông, tiềm ẩn phức tạp về ANTT) và thôn, TDP thuộc địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT được bố trí 5 thành viên. Như vậy, toàn tỉnh có tổng số 6.810 thành viên (trong đó có 2.128 tổ trưởng, 2.128 tổ phó; 2.554 tổ viên).
Một trong những yếu tố thu hút người dân tham gia và gắn bó lâu dài với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đó là chế độ, chính sách, các điều kiện đãi ngộ khác. Công an tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Nghị quyết quy định một số nội dung được giao trong Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở và các văn bản hướng dẫn.
Dự kiến mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng như sau: Tổ trưởng 0,9 hệ số lương cơ sở (bằng mức công an viên bán chuyên trách ở thôn dưới 350 hộ và TDP dưới 500 hộ hiện nay được hưởng); tổ phó 0,45 hệ số (bằng 50% tổ trưởng); tổ viên 0,33 (bằng 35% tổ trưởng) và phù hợp với mức phụ cấp các chức danh khác ở thôn, TDP; đồng thời cho hưởng phụ cấp kiêm nhiệm đội trưởng, đội phó đội dân phòng để bảo đảm khi thực hiện Luật.
Ngoài ra, các thành viên còn được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế và các điều kiện làm việc khác; được cấp trang phục, công cụ hỗ trợ theo quy định của Bộ Công an; được huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập hằng năm theo quy định. Qua đó tạo điều kiện tốt nhất cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, là “cánh tay nối dài” của công an cấp xã, góp phần củng cố thế trận an ninh nhân dân, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.
Bài, ảnh: Thu Phong