Lực lượng CAND chủ động ứng phó với mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh
Bảo đảm tốt công tác ANTT, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai để vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở; hướng dẫn giao thông, kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm tràn, khu vực nước ngập sâu, nước chảy xiết, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính...
Ngày 9/6, Văn phòng Bộ Công an, Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPT/BCA) có Công điện số 3 gửi Thủ trưởng các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục CSGT; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Truyền thông CAND và Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ về việc chủ động ứng phó với mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Nội dung Công điện nêu rõ:
Trong những ngày vừa qua, khu vực Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn cục bộ tại nhiều địa phương. Dự báo, từ ngày 9/6 đến sáng 10/6, Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng phổ biến từ 30-80mm, có nơi trên 150mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp, các khu đô thị.
Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) đề nghị Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm Công điện số 2 ngày 4/6/2024 của Văn phòng Bộ về việc chủ động ứng phó với mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
2. Bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng bảo đảm tốt công tác ANTT, triển khai các biện pháp nghiệp vụ kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai để vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở; hướng dẫn giao thông, kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm tràn, khu vực nước ngập sâu, nước chảy xiết, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; tổ chức di dời, sơ tán, cứu hộ, cứu nạn người dân khi có tình huống xảy ra; khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian vừa qua.
3. Thực hiện tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại. Thông tin kịp thời về tình hình thiên tai và hình ảnh, hoạt động của lực lượng CAND trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
4. Tài liệu tham khảo về kỹ năng ứng phó với các tình huống thiên tai cho người dân (Hướng dẫn kỹ năng phòng chống bão, lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất; tờ rơi hướng dẫn phòng tránh, ứng phó với các tình huống thiên tai; tài liệu hướng dẫn xây dựng và củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; bộ tiểu phẩm truyền thanh cho trẻ em hướng dẫn các kỹ năng ứng phó với lũ quét, sạt lở đất; sổ tay hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai; mô hình cộng đồng an toàn, sạch và xanh...) đã được đăng tải trên website của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai: phongchongthientai.mard.gov.vn/Pages/Tai-lieu-truyen-thong-pctt.aspx.
5. Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời thông tin, báo cáo về tình hình, diễn biến, thiệt hại do thiên tai và công tác triển khai ứng phó của lực lượng CAND về Văn phòng Bộ theo quy định (SĐT: 069.2299150, 0913.555.323).