Lực lượng Cảnh sát nhân dân là nòng cốt trong bảo đảm trật tự xã hội
Ngày 25/5, tại TP Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia 'Lực lượng Cảnh sát nhân dân trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam'. Hội thảo được tổ chức trực tuyến tới các điểm cầu tại công an các tỉnh, TP với gần 2 nghìn đại biểu tham dự.
Chủ trì tại điểm cầu chính có các đồng chí: PGS, TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cùng các Ủy viên T.Ư Đảng: Thượng tướng, PGS, TS Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND).
Dự tại điểm cầu Công an tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy: Đỗ Đức Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh; các Phó Giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo một số phòng nghiệp vụ.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Lực lượng CSND có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống tổ chức của CAND Việt Nam. Lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng xã hội kỷ cương, an toàn, lành mạnh và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Hội thảo khoa học được tổ chức nhằm nhìn lại những hy sinh, cống hiến, thành tích, sự trưởng thành của lực lượng. Đây cũng là diễn đàn thảo luận, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn để Bộ Công an tham mưu với Đảng, Nhà nước xây dựng và ban hành các chủ trương, giải pháp xây dựng lực lượng CSND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ.
Ở các giai đoạn cách mạng, lực lượng CSND luôn được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí minh quan tâm chăm lo, giáo dục, rèn luyện; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa. Qua chặng đường xây dựng và chiến đấu, từ một lực lượng nhỏ bé ban đầu, đến nay lực lượng CSND đã trưởng thành về mọi mặt.
Tại đây, các đại biểu đã nghe những ý kiến tham luận phân tích, làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về sự đóng góp của lực lượng CSND trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Theo đó, lực lượng CSND đã luôn thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Công an, Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và ban hành pháp luật về phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Cán bộ, chiến sĩ CSND luôn nêu cao tinh thần “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, chú trọng học tập, nâng cao trình độ, năng lực thực thi pháp luật...
Kết luận hội thảo, Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ khẳng định tình hình thế giới và trong nước có những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đặt ra nhiều vấn đề, yêu cầu mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó cũng xuất hiện các nguy cơ, thách thức mới đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, tội phạm cũng như vi phạm pháp luật về ANTT diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.
Đồng chí lưu ý, thời gian tới lực lượng CSND tiếp tục tập trung thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trọng tâm, đó là chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, biện pháp phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Kết hợp chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm với các chiến lược, chính sách về xây dựng, phát triển quốc phòng, KT-XH và đối ngoại của đất nước.
Có biện pháp nghiệp vụ, đẩy mạnh công tác nắm tình hình, phân tích, đánh giá tình hình tội phạm và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; làm tốt công tác quản lý, giáo dục các loại đối tượng.
Bảo đảm hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm, chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về ANTT trên các lĩnh vực; phát huy vai trò của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD để phục vụ công tác quản lý xã hội nói chung và phòng, chống tội phạm nói riêng.
Mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; thực hiện có trách nhiệm các cam kết mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia về về phòng, chống tội phạm. Tăng cường tiềm lực về mọi mặt, nhất là khoa học, công nghệ, xây dựng CSND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Tin, ảnh: Tuyết Mai