Lực lượng Công an căng mình giúp dân trong mưa bão

Trong vài ngày qua, khi cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc đã để lại khung cảnh hoang tàn, đổ nát. Trước tình hình bão số 3 và mưa lũ phức tạp, cùng với việc triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp, Công an các địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện cứu được nhiều người bị nạn trong mưa bão. Đối mặt với tình hình thời tiết khắc nghiệt, các CBCS đã không quản ngại khó khăn, luôn giữ vững tinh thần trách nhiệm và lòng dũng cảm, với mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Huy động hơn 100.000 người ứng trực phòng, chống bão

thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã thường xuyên cập nhật thông tin để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời công tác ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và mưa lũ; với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, không chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, nhất là đối với trẻ em và các đối tượng yếu thế, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Bộ Công an đã ban hành 3 Công điện và tổ chức họp trực tuyến để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và Công an 35 địa phương tập trung huy động lực lượng, phương tiện ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và mưa lũ; lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương đã trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bão, lũ.

Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) tham gia dọn dẹp cây đổ do bão Yagi gây ra

Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) tham gia dọn dẹp cây đổ do bão Yagi gây ra

Bộ Công an huy động hơn 100.000 người tham gia trực, ứng trực phòng, chống bão số 3 và mưa, lũ; trong đó bên cạnh lực lượng Công an chính quy thì lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở đã tham gia rất tích cực. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, tuyên truyền cảnh báo nhân dân ở các địa bàn thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, mưa lũ, sạt lở đất gây ra. Khẩn trương phối hợp sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản, nhất là tại các khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm. Tăng cường nắm chắc tình hình để kịp thời xử lý các vấn đề phức tạp về ANTT, bảo đảm an toàn giao thông (ATGT). Công an các địa phương đã chuẩn bị hơn hơn 27.000 phương tiện bộ; hơn 2.200 phương tiện thủy; gần 100.000 áo phao, phao tròn các loại và hàng ngàn thiết bị chuyên dụng khác nhằm chủ động, kịp thời tổ chức cứu nạn, cứu hộ (CNCH) và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra để sớm ổn định cuộc sống.

Lúc dân cần, lúc dân khó có công an

trong ngày 07/9, CATP.Hà Nội đã tiếp nhận, giải quyết gần 200 tin báo, trong đó có hơn 154 vụ CNCH do ảnh hưởng của bão Yagi gây ra như: cây đổ, gãy, lật, bay mái nhà... Qua đó, đã điều động trên 290 lượt xe chữa cháy, CNCH, phương tiện phá dỡ, CNCH... với hơn 2.000 lượt CBCS tham gia.

CBCS Công an H.Chi Lăng, Lạng Sơn đưa người dân ra khỏi nơi ngập lụt tại khu Ga Bắc, thị trấn Đồng Mỏ

CBCS Công an H.Chi Lăng, Lạng Sơn đưa người dân ra khỏi nơi ngập lụt tại khu Ga Bắc, thị trấn Đồng Mỏ

Đặc biệt, khoảng hơn 22 giờ tối 07/9, tổ công tác của Đội CSGT Đường bộ số 3 (CATP Hà Nội) do Đại úy Nguyễn Văn Hưng làm tổ trưởng khi đang tuần tra, dọn dẹp hiện trường cây đổ trong đêm bão trên tuyến Đường Láng đã phát hiện một cây to ven đường, đường kính 30cm bật gốc, đổ vào xe ôtô 7 chỗ mang BS 30F-015.XX đi trên đường. Ngay lập tức tổ công tác đã tiếp cận để cưa cây, cắt cành, kịp thời đưa lái xe đang ngất xỉu ra ngoài. Khi được đưa ra khỏi xe, mất một thời gian hồi sức thì tài xế mới tỉnh lại và được người thân đưa về.

Tại các tỉnh, TP, cùng với việc triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp, Công an các địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện cứu được nhiều người bị nạn trong mưa bão. Lúc 2 giờ sáng ngày 08/9, mưa lớn đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại khu vực gần sông Thương, bao gồm thị trấn Đồng Mỏ và xã Mai Sao (thuộc H.Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) khiến hơn 200 hộ dân bị cô lập. Công an H.Chi Lăng đã khẩn trương lập các chốt chặn, đặt biển cảnh báo tại các điểm nguy hiểm, ngăn người dân di chuyển vào vùng ngập lụt, đồng thời kịp thời sơ tán và giải cứu hơn 20 người (bao gồm người già và trẻ nhỏ), di dời tài sản của người dân đến nơi an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Ninh đang thu dọn cây gãy đổ sau bão

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Ninh đang thu dọn cây gãy đổ sau bão

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, 23 giờ 35 đêm 07/9, Công an H.Tam Đảo nhận được tin báo tại nhà của ông Đỗ Văn Sỹ (SN 1973, ở thôn Tân Tiến, xã Đạo Trù, H.Tam Đảo) bị ngập và bị cô lập hoàn toàn với khu vực xung quanh, trong căn nhà có 3 người bị mắc kẹt nên đã phối hợp các đơn vị tiến hành cứu người bị mắc kẹt trong nhà. Đến 5 giờ ngày 08/9, tổ CNCH đã cứu 3 người dân bị mắc kẹt đến nơi an toàn.

Tại tỉnh Bắc Giang, hồi 18 giờ 15 ngày 07/9, Tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh làm nhiệm vụ ứng phó với bão số 3, đã kịp thời ứng cứu chị Trịnh Thị Minh Tâm (SN 2005, trú tại thôn Phúc Mãn, xã Xuân Hương, H.Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), là công nhân đang về nhà, bị gió thổi làm đổ xe hư hỏng. Đoạn đường tối vắng, quãng đường từ nơi hư xe về nhà chị Tâm gần 5km. May mắn lực lượng Công an đã có mặt hỗ trợ kịp thời, đưa chị Tâm và phương tiện hư hỏng về nhà an toàn.

Tại tỉnh Nam Định, Công an các huyện ven biển vẫn đang phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp hộ đê, kè biển; lượng CSGT chủ động tuần tra các tuyến đường, nhất là những điểm có nguy cơ ngập nhằm kịp thời phát hiện, hỗ trợ người dân gặp sự cố, bảo đảm ATGT...

Công an Quảng Ninh cứu 1 người dân bị mắc kẹt từ dưới biển lên bờ an toàn.

Công an Quảng Ninh cứu 1 người dân bị mắc kẹt từ dưới biển lên bờ an toàn.

Tại Thái Bình, bão Yagi đã ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Thái Bình gây gió mạnh, mưa lớn, nhiều điểm cây gãy, cột điện đổ đè vào đường dây điện gây sự cố, một số nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, trường học bị tốc mái, tình trạng cây cối bị gãy đổ, bật gốc nhiều... Lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo toàn lực lượng nỗ lực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do bão gây ra, giúp các hộ dân bị tốc mái nhà, đổ tường nhà di dời đến khu vực an toàn; phối hợp với các lực lượng xử lý chướng ngại vật bảo đảm ATGT thông suốt, giúp đỡ ngư dân kiểm tra khắc phục hậu quả tại khu vực neo đậu tàu thuyền...

Trên mạng xã hội mấy ngày nay cũng liên tiếp chia sẻ nhiều hình ảnh đẹp của lực lượng Công an giúp dân trong mưa bão. Những lời cảm ơn của người dân là sự động viên tinh thần rất lớn để lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giúp nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống

Thiếu tá Công an hy sinh khi làm nhiệm vụ ứng phó bão số 3

Thiếu tá Trần Quốc Hoàng đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ phòng, chống bão số 3, bảo đảm an toàn cho trại giam và phạm nhân. Đồng chí Thiếu tá Trần Quốc Hoàng, sinh năm 1987, quê quán: xã Phùng Chí Kiên, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, là cán bộ Trại giam Quảng Ninh, thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an, đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ phòng, chống bão số 3, bảo đảm an toàn cho trại giam và phạm nhân.

Vào khoảng 24 giờ ngày 07/9/2024, lũ quét dâng cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng của phạm nhân tại Phân trại số 2. Thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho phạm nhân và Phân trại số 2 trong tình huống khẩn cấp, đồng chí Trần Quốc Hoàng đã bị nước lũ chảy xiết cuốn trôi. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Trại giam Quảng Ninh cùng với lực lượng CNCH Công an tỉnh Quảng Ninh nỗ lực, khẩn trương triển khai tìm kiếm trong điều kiện thời tiết vô cùng khó khăn. Đến 10 giờ 15 phút ngày 08/9/2024, đã tìm thấy thi thể của đồng chí Trần Quốc Hoàng tại khu vực bờ suối thôn Đồng Vải, xã Thống Nhất, TP.Hạ Long, cách đơn vị khoảng 1km.

Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an đang phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng để tổ chức lễ tang, động viên gia đình và thực hiện chính sách đối với cán bộ hy sinh theo quy định.

P.V

Trà My

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/guong-sang/luc-luong-cong-an-cang-minh-giup-dan-trong-mua-bao_167004.html