Lực lượng Công an đấu tranh hiệu quả với tội phạm có tổ chức; tội phạm tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp
Việc tăng cường Công an xã chính quy và lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở góp phần giáo dục, quản lý chặt chẽ hơn nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao, đối tượng có liên quan đến ma túy; chủ động phát hiện, giải quyết sớm các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ đầu và tại cơ sở
Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 37, sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao năm 2024. Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an dự, báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật
Trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2024, Chính phủ có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật. Lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý nhanh chóng những điểm nóng, nhóm tội phạm có tổ chức; phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, chống khủng bố được triển khai đồng bộ, toàn diện.
Việc tăng cường Công an xã chính quy và lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở góp phần giáo dục, quản lý chặt chẽ hơn nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao, đối tượng có liên quan đến ma túy; chủ động phát hiện, giải quyết sớm các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ đầu và tại cơ sở. Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bước đầu góp phần đổi mới công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, hỗ trợ nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Nhiều thủ đoạn tội phạm mới
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, hiện một số quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp còn chưa cụ thể, chưa chặt chẽ dẫn đến việc đơn vị, người có thẩm quyền lợi dụng, “móc nối, hướng dẫn” doanh nghiệp thực hiện “lách luật” hoặc bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện vi phạm trong một số trường hợp còn chưa hiệu quả; Công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin còn nhiều sơ hở, bất cập; tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập thông qua mạng xã hội, sử dụng hung khí, vũ khí nóng giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng diễn biến phức tạp, tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện tiếp tục có chiều hướng gia tăng; các tội về xâm hại tình dục trẻ em tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp; công tác quản lý nhà nước trong phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập.
Nhiều vụ vi phạm đấu thầu, đấu giá, đền bù giải phóng mặt bằng trong hoạt động đầu tư, xây dựng, khai thác tài nguyên, đất đai… với hành vi phạm tội phổ biến là đưa, nhận hối lộ, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, có giá trị đặc biệt lớn tiếp tục diễn biến phức tạp…
Phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu
Về công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết công tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như: tổng số vụ án/bị can được phát hiện, khởi tố tăng, về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được khẩn trương điều tra làm rõ. Tội phạm về tham nhũng, chức vụ phát hiện 936 vụ, tăng 37,85%. Đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong một số lĩnh vực và trong đấu tranh với tội phạm ma túy.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, tội phạm ma túy tiếp tục gia tăng, tăng 4,31% số vụ, 7,10% số đối tượng; vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phức tạp. Một số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, quy mô lớn xảy ra tại nhiều địa phương; vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, quản lý thông tin cá nhân, tội phạm sử dụng công nghệ cao có xu hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Tuy nhiên, năng lực phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này tại một số địa phương còn hạn chế, không theo kịp diễn biến của tình hình.
Báo cáo công tác phòng chống tội phạm của Chính phủ nêu rõ, công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên, một số chỉ tiêu công tác vượt yêu cầu tại Nghị quyết số 96. Trong 3 năm, từ năm 2022 đến năm 2024, không có tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố quá hạn nhưng chưa được giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng quá thời hạn quy định.