Lực lượng đặc công, biệt động tác chiến trong thành phố
Để chuẩn bị cho cuộc tiến công vào các thành phố lớn trong Tết Mậu Thân 1968, ta tổ chức các đơn vị đặc công, biệt động tập kết ở các bàn đạp, căn cứ lõm, hoặc các cơ sở mật trong thành phố, sẵn sàng tiến công khi có lệnh.
Ở TP Huế, ta có 3 tiểu đoàn đặc công bộ (K1, K2, 12) và 10 đội đặc công, biệt động. TP Đà Nẵng có 2 tiểu đoàn đặc công (487, 489) và đội biệt động Lê Độ. Đặc biệt là ở Sài Gòn, thành phố lớn nhất miền Nam, nơi tập trung các cơ quan đầu não chỉ đạo, điều hành cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, ta tập trung lực lượng đặc công, biệt động nhiều và mạnh nhất. Riêng Phân khu 6 (các quận nội thành), ta bố trí 11 đội biệt động, đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu ở nội thành. Các phân khu khác ở ven đô, mỗi phân khu có từ 1 đến 2 tiểu đoàn đặc công, 2-4 tiểu đoàn bộ binh mũi nhọn (đặc công hóa) sẵn sàng phối hợp với các cụm, đội biệt động nội thành. Ngoài ra, đặc công của 3 sư đoàn bộ binh (5, 7, 9) và đặc công các huyện ngoại thành sẵn sàng đánh ngăn chặn, không cho địch ứng cứu nội thành. Đây là lần đầu tiên ta tổ chức lực lượng đặc công, biệt động với quy mô lớn tham gia tác chiến tại các thành phố, nơi hậu phương chiến lược của địch.
Thực hiện kế hoạch tác chiến, đêm 30 rạng ngày 31-1-1968, lực lượng vũ trang (LLVT) ta đồng loạt tiến công vào hầu hết các thành phố, thị xã, quận lỵ, thị trấn trên toàn miền Nam, trọng điểm là các thành phố lớn: Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và có sự tham gia của đặc công, biệt động. Việc sử dụng đặc công, biệt động tác chiến trong các thành phố đòi hỏi phải có sự hiệp đồng chặt chẽ, thống nhất, không chỉ giữa các đơn vị đặc công, biệt động với nhau mà còn phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng khác.
Sài Gòn là trọng điểm lớn nhất của cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Đặc công, biệt động đồng loạt tiến công vào 6/9 mục tiêu ở nội thành (gồm tòa đại sứ Mỹ, Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng nha Cảnh sát, Dinh Độc Lập, Biệt khu Thủ đô). Đồng thời, các tiểu đoàn đặc công của các phân khu ở ven đô cũng tiến công vào nội thành. Đòn tiến công táo bạo, hiểm hóc của đặc công, biệt động vào các mục tiêu quan trọng của Mỹ-ngụy trong nội thành Sài Gòn đã làm rối loạn hậu phương của chúng, gây tiếng vang lớn trong nước, sang cả nước Mỹ và lan rộng ra thế giới.
Tại TP Huế, trọng điểm thứ hai của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, các tiểu đoàn đặc công, đội biệt động phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực và LLVT địa phương tiến công vào các vị trí của địch, kết hợp với nổi dậy của quần chúng đã giành thắng lợi lớn ở nội thành và vùng ven, làm chủ TP Huế trong 25 ngày đêm. Ở Đà Nẵng, sau khi pháo binh ta bắn phá sân bay Đà Nẵng và sân bay Nước Mặn, lực lượng đặc công phối hợp với LLVT Khu 2 tiến công địch ở Núi Bông, Cẩm Bình, Cầu Đỏ. Ở nội thành, lực lượng biệt động cùng tự vệ đánh chiếm một số đồn bốt và công sở phường, quận.
Nét nổi bật của đặc công, biệt động tác chiến trong các thành phố dịp Tết Mậu Thân 1968 là đánh đồng loạt trong một thời điểm được quy định thống nhất trên toàn miền Nam. Trong tác chiến, lực lượng đặc công, biệt động tiến công gần như vào tất cả mục tiêu then chốt, hiểm yếu, có giá trị quan trọng cả về chiến dịch và chiến lược, vào cơ quan chỉ huy đầu não của địch ở từng thành phố, nơi mà chúng cho là an toàn nhất, là “bất khả xâm phạm”, tạo nên thế đánh lợi hại, làm rung chuyển cả về tinh thần và thế bố trí lực lượng của địch, tạo điều kiện cho bộ binh và các binh chủng khác từ vùng ven đánh vào nội thành; kết hợp trong ngoài cùng đánh, hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ.
Việc tổ chức và sử dụng đặc công, biệt động tác chiến trong thành phố trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm hết sức quan trọng. Đây là cơ sở để ta tiếp tục xây dựng, phát triển cách tổ chức, sử dụng đặc công, biệt động trong những trận đánh lớn, đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giành thắng lợi vang dội, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thống nhất Tổ quốc.