Lực lượng QLTT bước vào năm 2020 bằng trọng trách mới, tâm thế mới

Chiều nay, 13/1/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị 'Tổng kết công tác quản lý thị trường năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020'.

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương và đại diện Cục QLTT các địa phương, Hiệp hội và doanh nghiệp.

Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, sau một năm chính thức đi vào hoạt động, mô hình Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương đã thể hiện rõ ưu điểm, tạo sự chuyển biến tích cực rõ rệt trong công tác điều hành, quản lý, nâng cao hiệu quả của việc kiểm tra, kiểm soát, phối hợp các lực lượng chức năng khác.

Sự chỉ đạo, quản lý tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương đã phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, ứng phó kịp thời đối với các diễn biến bất thường, có tác động tiêu cực trên thị trường cả nước.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị “Tổng kết công tác quản lý thị trường năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020”

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị “Tổng kết công tác quản lý thị trường năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020”

Năm 2019, Tổng cục QLTT đã tấn công vào những điểm nóng, đánh trúng vào đường dây, ổ nhóm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu lớn. Mà theo như Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhận định “đó là những vụ lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được”.

Điển hình bóc gỡ đường dây bán hàng giả tại 2 Trung tâm thương mại ở Móng Cái (Quảng Ninh); xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại chợ Ninh Hiệp, Phú Xuyên, chợ Bến Thành); kiểm tra xử lý các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới tại Hưng Yên, Hải Phòng, Nha Trang…

Những vụ việc lớn cho thấy lực lượng QLTT đã khắc phục được điểm yếu cốt tử - sự chia cắt theo địa bàn; tổ chức theo ngành dọc đã giúp chỉ đạo từ Tổng cục xuyên suốt tạo thuận lợi cho các đơn vị phối hợp hành động kịp thời.

Tháng 3/2019 Cục Nghiệp vụ QLTT phối hợp với Cục QLTT các tỉnh Quảng Bình, TP. Hồ Chí Minh làm rõ thủ đoạn sản xuất amply giả mạo xuất xứ Hàn Quốc; giữa tháng 10, Cục Nghiệp vụ QLTT và Cục QLTT các địa phương kiểm tra 442 vụ, thu giữ trên 15 nghìn đồng hồ giả nhãn hiệu Thụy Sỹ…

Đánh giá hoạt động của lực lượng QLTT trong năm 2019, nhiều đại biểu cho rằng, lực lượng đã tấn công vào những điểm nóng, đánh trúng vào đường dây, ổ nhóm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu lớn - những vụ lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được

Đánh giá hoạt động của lực lượng QLTT trong năm 2019, nhiều đại biểu cho rằng, lực lượng đã tấn công vào những điểm nóng, đánh trúng vào đường dây, ổ nhóm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu lớn - những vụ lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được

Để đạt được những thành công đó, là có sự đóng góp quan trọng không kém của phối hợp ngang. Ở cấp trung ương là phối hợp giữa Tổng cục với Bộ đội Biên phòng, Công an kinh tế, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Hà Nội (HATAP), Hiệp hội Thông tin tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam (VICETA), cũng như với các đơn vị tham mưu thuộc Bộ.

Chỉ riêng triển khai Đề án phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn trọng điểm, Tổng cục đã phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp thực hiện 6 nhiệm vụ tại 20 tỉnh, thành phố trọng điểm gồm Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lào Cai, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp…

Tổng cục cũng phối hợp với Cục Hóa chất, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Vụ Thị trường trong nước... trong xử lý nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; xâm phạm sở hữu trí tuệ; vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm…

Ở cấp địa phương, lực lượng QLTT quận, huyện đã phối hợp liên ngành trong kiểm tra khoáng sản; kiểm tra an toàn thực phẩm; kiểm tra giá, chất lượng hàng hóa; kinh doanh hàng lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả; đồng thời công khai các kết quả điều tra, xử lý vụ án trọng điểm, tên địa chỉ tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng, cố tình tái phạm nhiều lần nhằm răn đe, phòng ngừa vi phạm.

“Sự kết hợp giữa phối hợp dọc và phối hợp ngang mang lại hiệu quả rõ rệt trong triển khai nhiều chuyên đề, kế hoạch kiểm tra cao điểm vào các mặt hàng xăng dầu, phân bón, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, buôn lậu trên tuyến đường bộ, đường sắt...

Qua đó, triệt phá nhiều vụ việc, ổ nhóm lớn. Điển hình là vụ việc kiểm tra 18 kho hàng tại quận 6, TP. Hồ Chí Minh; đột kích các tụ điểm kinh doanh hàng giả tại Chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại Saigon Square...”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh thông tin.

Đông đảo khách mời tham gia Hội nghị “Tổng kết công tác quản lý thị trường năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020”

Đông đảo khách mời tham gia Hội nghị “Tổng kết công tác quản lý thị trường năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020”

Đáng chú ý, năm 2019, Tổng cục đã cắt giảm 4 đơn vị trực thuộc, giảm 16 Cục cấp tỉnh, tinh giản 165 đội QLTT cấp huyện... việc tinh giản không làm yếu đi vai trò chủ công trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa, mà còn giúp lực lượng QLTT ngày càng tinh nhuệ, chuyên nghiệp, đủ sức “Đánh vào những tổ chức đã thành hệ thống, những trung tâm đầu nậu, trọng điểm về buôn lậu hàng gian, hàng giả”.

Bên cạnh hàng loạt vấn đề cấp bách phải giải quyết ngay như tiếp tục kiện toàn bộ máy, nhân sự; bồi dưỡng năng lực công chức; theo dõi sát diễn biến thị trường... Tổng cục đã chủ động đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, coi đó như một binh chủng đi đầu tạo ra bước đột phá trong nâng cao hiệu quả hoạt động.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, xác định được yêu cầu nhiệm vụ và bối cảnh tình hình trong nước như nêu trên, để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kế hoạch của năm 2019, ngay từ cuối năm 2018 Tổng cục QLTT đã triển khai thực hiện nhiều kế hoạch công tác, triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

“Nhìn lại những kết quả đạt được của năm 2019 cho thấy những nỗ lực, cố gắng của toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong lực lượng QLTT. Nhưng kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế đang diễn ra hết sức phức tạp với thủ đoạn tinh vi và quy mô ngày càng lớn.

Bên cạnh yếu tố tác động tích cực do làm tốt công tác phòng ngừa, thì kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý còn hạn chế, trong đó có những nguyên nhân cần khắc phục kịp thời. Do vậy, trong năm 2020, lực lượng QLTT cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá những khuyết điểm để có hướng giải quyết kịp thời, đáp đứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới ở những năm tiếp theo”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định.

Xác định năm 2020 là một năm nhiều khó khăn, khi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Do đó, năm 2020, lực lượng QLTT sẽ tập trung, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thị trường nội địa. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận xuất xứ hàng hóa.

Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng khác triển khai hiệu quả Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020.

“Để tiếp tục góp phần tích cực vào công tác bình ổn thị trường trong nước, công tác chống buôn lậu, Tổng cục QLTT xin cam kết với Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương sẽ nỗ lực ở mức cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định.

Dự kiến, 16h30 cùng ngày, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình sẽ có bài phát biểu chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho lực lượng QLTT trong năm 2020.

Năm 2019, với việc phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm, lực lượng QLTT ước thu nộp ngân sách gần 670 tỷ đồng; trong đó, đã thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tịch thu chưa bán trên 170 tỷ đồng (tăng gần 180 tỷ so với năm 2018); giá trị hàng hóa, tang vật vi phạm bị tiêu hủy trên 120 tỷ đồng.

Hoàng Hòa - Sơn Phạm (ảnh)

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/luc-luong-qltt-buoc-vao-nam-2020-bang-trong-trach-moi-tam-the-moi-67925.htm