Lực lượng quần chúng đặc biệt

Bài cuối:
XỨNG ĐÁNG ĐẦU TÀU Ở CƠ SỞ

BPO - Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là những người tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội... Đóng góp của đội ngũ người có uy tín trong vùng DTTS được Đảng, Nhà nước ghi nhận; chính sách đối với người có uy tín cũng đã được ban hành, triển khai kịp thời. Qua đó, giúp người có uy tín phát huy vai trò của mình trong cộng đồng.

Ðộng viên kịp thời

Với đặc thù về dân số, thành phần dân tộc, người có uy tín luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng, là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, gắn kết ý Đảng - lòng dân. Hiện nay, thành phần người có uy tín được mở rộng hơn; bên cạnh già làng, trưởng thôn, ấp, còn có bí thư chi bộ, nhân sĩ, trí thức, cán bộ nghỉ hưu, giáo viên, doanh nhân, chức sắc tôn giáo... Họ là những cá nhân có sự tín nhiệm của cộng đồng, có phạm vi ảnh hưởng lớn cùng khả năng tập hợp, dẫn dắt, tạo niềm tin trong nhân dân. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ “chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng DTTS” để làm nền tảng củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Ðại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí khu vực Ðông Nam Bộ tham quan và tìm hiểu nét văn hóa của đồng bào S’tiêng ở Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Ðăng - Ảnh: Trương Hiện

Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ và phát huy vai trò của người có uy tín cũng như các già làng, trưởng thôn, ấp theo quy định. Cụ thể, đã thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và các chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, ngoài các chính sách chung theo quy định của Trung ương, HĐND tỉnh Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-HĐND về quy định chính sách hỗ trợ đặc thù cho người uy tín, già làng tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS. Cụ thể, hỗ trợ tiền xăng xe đi lại bằng 0,1 lần lương cơ sở/người/tháng; mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người có uy tín chưa có thẻ hoặc chưa được mua thẻ bảo hiểm y tế từ các chính sách với định mức 4,5% mức lương cơ sở/người/tháng. Ngoài ra, người có uy tín được cung cấp thông tin, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, học tập kinh nghiệm; được hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần theo quy định…

Các nét văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS được bảo tồn, giữ gìn và phát huy. Điều này có vai trò không nhỏ của người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS

Các nét văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS được bảo tồn, giữ gìn và phát huy. Điều này có vai trò không nhỏ của người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS

Anh Điểu Thâu, người có uy tín thôn Bù Ka, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập cho biết: Tôi đảm nhận vai trò trưởng thôn và người có uy tín. Ngoài phụ cấp của trưởng thôn, ở vai trò người có uy tín, tôi được hỗ trợ xăng xe theo quy định. Ngoài ra, dịp lễ, tết, tôi được lãnh đạo tỉnh, huyện thăm hỏi, tặng quà… Đó chính là nguồn động viên để chúng tôi làm tốt hơn vai trò của mình.

Những chuyến đi bổ ích, ý nghĩa

Những chuyến đi tham quan, học tập kinh nghiệm giúp đội ngũ người có uy tín được giao lưu, tìm hiểu các mô hình kinh tế hiệu quả để trở về quê hương áp dụng tốt hơn vào đời sống thực tiễn và làm tốt hơn công tác dân vận. Trong 4 năm đảm nhận vai trò là người có uy tín, anh Điểu Bình, Trưởng thôn 3 Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập đã tham gia 2 chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh Bình Thuận và Đắk Lắk. Mỗi chuyến đi như vậy, anh học được rất nhiều điều bổ ích, từ việc tuyên truyền, vận động người dân đến những mô hình kinh tế hay, hiệu quả. Anh Bình cho biết: Mỗi lần đến nơi tham quan, tôi tìm hiểu rất kỹ, đồng thời xin thông tin để liên lạc. Khi về, nếu thấy điều kiện phù hợp hoặc người dân có nhu cầu làm theo mô hình đó, mình sẽ kết nối và hỏi thêm, giúp đồng bào có thể chuyển đổi mô hình kinh tế phù hợp.

Ban Dân tộc tỉnh và các huyện, thị thường xuyên tổ chức các chuyến đi tham quan, học tập kinh nghiệm dành cho người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS

Ban Dân tộc tỉnh và các huyện, thị thường xuyên tổ chức các chuyến đi tham quan, học tập kinh nghiệm dành cho người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS

Thời gian qua, rất nhiều người có uy tín của tỉnh được tuyên dương ở các chương trình lớn, trong đó có “Điểm tựa của bản làng” - chương trình do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN phối hợp với Tạp chí Cộng sản, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức. Lần tổ chức thứ 2, Bình Phước có 6 người uy tín trong vùng đồng bào DTTS được tuyên dương. Ông Triệu Đình Ước, người có uy tín ở ấp K54, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh phấn khởi: Một chuyến đi mà chúng tôi học hỏi được rất nhiều điều bổ ích. Được nghe đại biểu các tỉnh chia sẻ kinh nghiệm; được nghe lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao đổi, hướng dẫn... Điều đó làm chúng tôi rất phấn khởi và hứa sẽ làm tốt hơn trách nhiệm của mình để đóng góp xây dựng quê hương phát triển.

Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS ở bất kỳ giai đoạn nào cũng luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Các chính sách dành cho người có uy tín luôn được các cấp, ngành nghiên cứu và có sự thay đổi, bổ sung cho phù hợp. Họ thực sự là những người tiêu biểu, gương mẫu, là điểm tựa gắn kết giữa các dân tộc, cầu nối ý Đảng - lòng dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/164044/luc-luong-quan-chung-dac-biet