Lực lượng quan trọng đông gấp 30 lần Nhật, nhưng 'sức khỏe' yếu

Số lượng đông gấp 30 lần ở Nhật Bản, gấp 18 lần ở Đức, song hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở Việt Nam lại có quy mô nhỏ, 'sức khỏe' yếu. Nhiều khi có đơn hàng xuất khẩu nhưng lại không dám nhận.

Quy mô nhỏ, “sức khỏe” yếu

Báo cáo Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp cho thấy, số lượng HTX nông nghiệp đã tăng lên 18.000 và số Liên hiệp HTX nông nghiệp là 79.

Trung bình mỗi năm, số hợp tác xã tăng thêm là 800. Giai đoạn 2017-2021, số lượng HTX còn tăng cao hơn 3 lần so với những năm trước đó.Tính đến hết năm 2021, cả nước sẽ có khoảng 3,23 triệu thành viên, trung bình một HTX nông nghiệp có 176 thành viên.

Năm 2020, doanh thu bình quân của một HTX đạt 2,44 tỷ đồng/năm, tăng gấp 5,64 lần so với năm 2001. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt 40,5 triệu đồng/năm, gấp 9,1 lần so với năm 2001.

Theo đại diện TƯ Hội Nông dân chỉ rõ điểm yếu do số lượng HTX quá đông, quy mô lại nhỏ, “sức khỏe” yếu nên khi gặp sóng gió, nhất là đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều HTX ngay lập tức bị ảnh hưởng nặng. Có những HTX phải giải thể vì không thể cầm cự.

Quy mô sản xuất HTX nông nghiệp ở nước ta còn nhỏ (ảnh: TL)

Quy mô sản xuất HTX nông nghiệp ở nước ta còn nhỏ (ảnh: TL)

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, ở các nước gần như 100% hộ nông dân tham gia vào các HTX, trong khi con số này tại Việt Nam chỉ 35%.

Tại Đức những năm 1950, số lượng HTX là 40.000, nay chỉ còn 1.000 HTX. Ở Nhật hiện cũng chỉ có hơn 600 HTX, song thành viên, diện tích canh tác của mỗi HTX lại rất lớn. Họ sản xuất trên quy mô lớn, nguyên liệu đầu vào giá rẻ, giá trị đầu ra tăng cao do chất lượng sản phẩm đồng đều vì tham gia được vào chuỗi cung ứng, ông chỉ rõ.

Ở Việt Nam thì ngược lại. Số lượng HTX đông nhưng quy mô nhỏ lẻ, manh mún, nông sản làm ra không cạnh tranh được. Đây cũng là một phần lý do khiến hiện nay 85% nông sản vẫn phải phân phối qua thương lái, 15% còn lại đi thẳng từ đồng ruộng tới siêu thị.

“Những HTX sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng đều được siêu thị bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định”, ông Bảo chia sẻ.

Đại diện HTX Bưởi da xanh Bến Tre cho hay, tuy là HTX có quy mô sản xuất lớn của tỉnh nhưng diện tích đất canh tác của mỗi thành viên chỉ 3.000-4.000m2, thành viên có diện tích khoảng 1ha rất ít. Điều này khiến chất lượng bưởi khi thu hoạch không đồng đều, giá trị đem lại cho bà con không cao.

“Chỉ khoảng 50% số bưởi đạt tiêu chuẩn, số còn lại chất lượng kém phải bán giá thấp hoặc rất khó bán. Chưa kể, HTX không có kho lạnh bảo quản, khi có đơn hàng lớn phải đi mượn tạm kho. Nhiều khi không dám ký kết các đơn hàng xuất khẩu vì thiếu kho chứa hàng, sản phẩm cũng không đủ đáp ứng số lượng lớn”, vị đại diện này nói.

Lót ổ cho “chim sẻ”

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, phải đưa HTX vào mô hình chuỗi giá trị cung ứng để tạo ra giá trị bền vững. Cùng với đó cần có chính sách hỗ trợ về hệ thống logistics, kho bãi cho HTX.

Đưa hợp HTX vào các chuỗi cung ứng để đảm bảo đầu ra sản phẩm (ảnh: BQB)

Đưa hợp HTX vào các chuỗi cung ứng để đảm bảo đầu ra sản phẩm (ảnh: BQB)

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT) Lê Đức Thịnh cho rằng, phải thúc đẩy, tạo điều kiện để HTX nông nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị nông sản; khuyến khích, hỗ trợ HTX nông nghiệp tham gia phát triển vùng nguyên liệu và hình thành liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; xây dựng mã số vùng trồng gắn với phát triển vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, phát triển HTX sẽ tạo ra sức mạnh đa chiều. Trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng cần tăng cường sức mạnh nội tại. Cùng với sức mạnh của doanh nghiệp cần chú ý đến kinh tế tập thể và HTX.

Bộ trưởng Hoan nhắc lại câu chuyện quan tâm tới đại bàng nhưng đừng quên những con chim sẻ. Bởi, 50% là những con chim sẻ nhỏ bé, cũng giống như các HTX, tuy số lượng nhỏ nhưng có những đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp. Không có tinh thần hợp tác thì không có HTX, mà muốn làm được thì phải có tư duy, tinh thần hợp tác.

"Nhìn dòng người di chuyển về quê sau đại dịch có thể thấy, nông thôn là nơi bà con ra đi và giờ lại là nơi đón bà con trở về. Chúng ta làm sao để khuấy động lại làng quê tạo ra điểm tựa cho người dân. Ở đó người dân hợp tác với nhau thông qua đào tạo nghề, phát triển các câu lạc bộ,... Đó là cộng đồng chia sẻ", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, HTX không phải là doanh nghiệp mà là sự hợp tác để cơ cấu lại ngành NN-PTNT, là trụ đỡ của nền kinh tế những lúc khó khăn. Thời gian tới, sẽ thu hút đầu tư công về hạ tầng logistics cho HTX để nâng cao năng lực và kích hoạt bà con nông dân kết nối với nhau tham gia vào chuỗi cung ứng.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/htx-nong-nghiep-dong-gap-30-lan-o-nhat-nhung-suc-khoe-lai-yeu-784265.html